Tam Kỳ “trung thành” với định hướng phát triển đô thị sinh thái vì muốn bám theo đồi núi, sông, hồ, đầm, biển. Khát vọng xây dựng thành phố tỉnh lỵ trở thành đô thị loại 1 thuộc tỉnh đã được Tam Kỳ cụ thể hóa bằng lộ trình, kế hoạch đầu tư cụ thể.
Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam chung quanh câu chuyện đô thị, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng cho rằng, đô thị - kinh tế là sự liên kết thống nhất, hỗ trợ tạo động lực phát triển cho nhau. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và Tam Kỳ đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2030.
* Nhưng giữa lòng đô thị Tam Kỳ còn dở dang nhiều dự án hạ tầng, các loại quy hoạch xây dựng chi tiết triển khai nửa vời, làm cho bộ mặt thành phố trở nên xấu xí, thưa ông?
- Ông Trần Nam Hưng: Bản thân Tam Kỳ hiện hữu không bao giờ đạt chuẩn của đô thị “đẳng cấp số 1”. Vì vậy, mở rộng dịch chuyển không gian là tất yếu, đô thị tỉnh lỵ cần mở rộng về phía nam (Núi Thành) và phía tây (Phú Ninh), thậm chí cả về khu vực phía bắc. Câu chuyện đầu tiên của Tam Kỳ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây không phải đặt vấn đề phát triển đô thị loại 1 mà xin chủ trương, cơ chế chỉnh trang khớp nối hạ tầng đô thị, các khu dân cư, tuyến đường dở dang, hệ thống xử lý, cấp thoát nước thải. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố từ nay đến năm 2025 là chỉnh trang, khớp nối các dự án dở dang theo quy hoạch chi tiết 1/500.
Tỉnh thống nhất tháo gỡ cho thành phố 2 việc. Thứ nhất, phân cấp, ủy quyền cho Tam Kỳ quy hoạch, quản lý quy hoạch, trong đó có các quy hoạch chi tiết 1/500. Trước đây, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng 1/500 được UBND tỉnh hay Khu kinh tế mở Chu Lai phê duyệt muốn thay đổi, điều chỉnh phải xin ý kiến tỉnh, nhưng lần này tỉnh giao quyền tự quyết về cho địa phương. Thứ hai, tỉnh cho cơ chế hỗ trợ bằng nguồn đầu tư ngân sách nhà nước. Hạng mục khớp nối, chỉnh trang, kiến thiết thị chính, xử lý hệ thống nước thải, đầu tư cây xanh… phải từ nguồn ngân sách nhà nước, còn nhân dân chỉ hỗ trợ phần mặt bằng đất đai.
* Ông có thể nói rõ hơn, sắp tới lộ trình, kế hoạch chỉnh trang, khớp nối đô thị được triển khai như thế nào?
- Ông Trần Nam Hưng: Thành phố sẽ hiện thực hóa và đang lên kế hoạch cụ thể với quyết tâm vào năm 2025 sẽ đầu tư khớp nối đồng bộ toàn bộ hạ tầng khung theo quy hoạch chi tiết được duyệt, kể cả xử lý thoát nước. Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị và các ngành chuyên môn rà soát lại tất cả quy hoạch chi tiết 1/500. Quan điểm của Tam Kỳ là cái nào quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn thì xóa bỏ (số này rất ít); mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch, xác định khu vực nào có tính khả thi phải làm cho bằng được. Tình trạng các khu dân cư “đem con bỏ chợ” nhếch nhác hạ tầng sẽ không còn tồn tại trong vài năm tới.
Trong các nhóm dự án cấp bách, thành phố sẽ bố trí nguồn lực khớp nối các tuyến đường trục chính đô thị. Đó là nâng cấp đường Hùng Vương, mở rộng đường Trương Chí Cương nối dài và hầm chui qua Nguyễn Hoàng; đoạn còn lại của đường N24; đường Tôn Đức Thắng; đường Tam Kỳ Tam Thanh (dốc Diên Hồng (xã Tam Phú) - cầu Kỳ Trung); đường Bạch Đằng; dự án hệ thống đường gom của đường quốc lộ, đường sắt; đường N10; đường nối khu dân cư số 6 đến khu phố mới Tân Thạnh; đường trục chính Khu công nghiệp Thuận Yên – quốc lộ 40B; đường và hệ thống thoát nước đường Trường Xuân - Phú Ninh... Ngoài ra, hoàn thiện các dự án tái định cư (TĐC) gắn với sắp xếp dân cư gồm khu TĐC khối phố 4, phường An Sơn; khu dân cư cầu Kỳ Phú 1 & 2 (giai đoạn 3); đường N10 và khu dân cư hai bên đường; khu dân cư - TĐC dọc đường Điện Biên Phủ, phường An Mỹ; khu dân cư - TĐC và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp giai đoạn 2… Cạnh đó, xây dựng khớp nối, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị tỉnh lỵ.
* Trong bối cảnh ngân sách cắt giảm tối đa các dự án đầu tư công, thành phố lấy đâu ra nguồn lực để chỉnh trang khớp nối, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thưa ông?
- Ông Trần Nam Hưng: Song song với chỉnh trang khớp nối là thực hiện đồng bộ các tiêu chí của đô thị loại 1. Mục tiêu này có thể nói là 2 trong 1. Thành phố xác định rằng sẽ vô vàng khó khăn với cái đích của đô thị loại 1, nhưng với sự linh hoạt huy động nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, nguồn lực đóng góp của nhân dân, xã hội hóa đầu tư…) cộng với quyết tâm cao, Tam Kỳ có khả năng hiện thực hóa được giấc mơ đô thị. Để có nguồn lực đầu tư, thành phố đề xuất tỉnh để lại 100% từ tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần, tiền cho thuê đất hằng năm chuyển sang hình thức thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do tỉnh quản lý; ngân sách bố trí 150 tỷ đồng/năm cho việc chỉnh trang khớp nối hạ tầng đô thị. Theo tính toán, nếu ngân sách tỉnh hỗ trợ 150 tỷ đồng/năm thì chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cho xử lý đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải, thoát nước ở các khu dân cư, dự án đường giao thông nội thành. Hiện nay, chính quyền giao các ngành chuyên môn khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm việc khối nối các khu dân cư.
Đâu đầu nhất hiện nay là quỹ đất TĐC cạn kiệt, triển khai dự án nào cũng bị vấp. Vì thế ưu tiên số 1 của năm 2021 là tập trung đầu tư các khu TĐC, theo quy hoạch phân khu được duyệt sẽ triển khai theo hướng dự án ở đâu TĐC gần ở đó. Để có sự chỉ đạo, điều hành xuyên suốt, Tam Kỳ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thành lập ban chỉ đạo thực hiện việc xây dựng đô thị tỉnh lỵ trở thành đô thị loại 1 trong năm 2021.
* Thưa ông, phấn đấu lên đô thị loại 1, Tam Kỳ được gì?
- Ông Trần Nam Hưng: Thực tiễn phát triển của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế không bao giờ tách rời với phát triển đô thị và ngược lại. Trục kinh tế - đô thị trở thành cụm phát triển mang tính động lực, lan tỏa, phát triển kinh tế đô thị là thành tố quan trọng của tỉnh, cũng như quốc gia, bởi nó đóng góp ít nhất 50% tăng trưởng của nền kinh tế. Điều cốt lõi của phát triển đô thị là nâng cao chất lượng đời sống thị dân. Thị dân là chủ thể quyết định đẳng cấp, giá trị của một đô thị. Do vậy, ngoài đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật, thành phố còn phải quan tâm đến hạ tầng xã hội, mở rộng hệ thống trường lớp giáo dục, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hình thành thế hệ công dân mới của đô thị loại 1.
Xin cám ơn ông!
Từ chủ trương xã hội hóa đầu tư, theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua Tam Kỳ đã vận động nhân dân đóng góp (hiến đất và tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, công trình phụ) khi giải phóng mặt bằng để thực hiện có hiệu quả một số dự án khớp nối chỉnh trang đô thị. Đó là dự án đường Hồ Xuân Hương nối dài, đường Tam Kỳ - Tam Thanh (đoạn cầu Kỳ Trung ra biển), đường vào địa đạo Kỳ Anh, nâng cấp đường nối Nguyễn Hoàng - khối phố 2 và đường Xuân Hòa - Ấp Bắc (phường Trường Xuân), đường liên xã An Phú - Tam Thăng. Từ chủ trương xã hội hóa đầu tư, theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua Tam Kỳ đã vận động nhân dân đóng góp (hiến đất và tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, công trình phụ) khi giải phóng mặt bằng để thực hiện có hiệu quả một số dự án khớp nối chỉnh trang đô thị. Đó là dự án đường Hồ Xuân Hương nối dài, đường Tam Kỳ - Tam Thanh (đoạn cầu Kỳ Trung ra biển), đường vào địa đạo Kỳ Anh, nâng cấp đường nối Nguyễn Hoàng - khối phố 2 và đường Xuân Hòa - Ấp Bắc (phường Trường Xuân), đường liên xã An Phú - Tam Thăng.