Để sản phẩm nông thôn có đầu ra ổn định, không chỉ đòi hỏi chất lượng, mẫu mã tốt mà còn cần sự chuyên nghiệp, chủ động của doanh nghiệp trong việc kết nối khách hàng, nhà phân phối. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng làm được điều này.
Thiếu chuyên nghiệp
Công ty TNHH Măng tây xanh miền Trung (xã Điện Quang, Điện Bàn) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm nước uống từ nguyên liệu măng tây xanh. Mặc dù được đánh giá là sản phẩm mới lạ và có chất lượng tốt trên thị trường, nhưng hơn nửa năm nay đầu ra của sản phẩm vẫn chưa như ý.
Bà Đỗ Dương Thị Đông Phương – Giám đốc Công ty TNHH Măng tây xanh miền Trung nói, sở dĩ sản phẩm tiêu thụ thấp do còn lạ lẫm với người tiêu dùng. “Sắp tới tôi sẽ thuê các bạn sinh viên đi chào hàng các đại lý, tạp hóa, hy vọng khách hàng sẽ biết đến nhiều hơn sản phẩm nước măng tây xanh” - bà Phương chia sẻ.
Thiếu chuyên nghiệp, thiếu thông tin sản phẩm được xem là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra sản phẩm OCOP, làng nghề, công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam… (gọi chung là sản phẩm nông thôn) manh mún, khó cạnh tranh trên thị trường.
Thậm chí, với một số sản phẩm đã được thị trường chấp nhận cũng không dám mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất do tiềm lực tài chính, nguồn nguyên liệu, nhân công thiếu ổn định nên chỉ bó hẹp trong phạm vi hộ gia đình. Đây cũng là thực trạng của một số chủ thể OCOP hiện nay.
Theo bà Trịnh Thị Hồng (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), sản phẩm của cơ sở chủ yếu bán khách hàng quen nên không cần quảng bá bởi nếu có nhiều khách hàng cũng không đủ sản phẩm cung cấp.
“Hàng cơ sở làm ra bán rất mạnh nên chúng tôi không cần quảng bá thị trường, như năm ngoái có người đặt 10 nghìn lọ muối ớt nhưng không dám nhận vì làm không nổi” - bà Hồng nói. Sản phẩm gia đình bà Hồng chủ yếu hàng thực phẩm, dược liệu như rượu ngâm nếp cẩm, khổ qua rừng, sâm dây, ớt muối, thịt heo đen sấy…
Tính đến tháng 6.2022, toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được công nhận OCOP, cùng 34 làng nghề và khoảng 2.095 cơ sở làng nghề, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Trong số 207 chủ thể OCOP ngoại trừ 23 doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ gia đình (76 HTX, 6 THT và 102 hộ gia đình có đăng ký kinh doanh).
Phần lớn sản phẩm có giá trị doanh thu thấp, thời gian bảo quản không lâu, bán hàng theo phương thức truyền thống, chủ yếu qua sự quen biết, giới thiệu lẫn nhau, một số ít giao dịch qua các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo…), không có bộ phận chuyên trách làm thị trường dẫn đến đầu ra sản phẩm không ổn định.
Bám sát thị trường
Tìm đầu ra cho sản phẩm nông thôn là vấn đề “đau đầu” của các địa phương và sở ngành liên quan. Thời gian qua rất nhiều hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả, tuy nhiên thực tế chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân, do các chủ thể sản phẩm nông thôn chưa làm tốt thị trường, chưa có sự gặp nhau giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm.
Ông Huỳnh Duy Chương – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Khôi Hưng (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị mini Giadamart Đà Nẵng) khẳng định, hiện nay các chủ thể mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chú trọng đến thị trường.
Đặc biệt, đa số doanh nghiệp, HTX không có bộ phận kinh doanh hoặc làm thị trường chuyên biệt để làm việc với nhà phân phối. Trong khi muốn khách hàng tin dùng, đầu tiên họ phải cảm nhận, mà điều này thì phải cần bộ phận thị trường chuyên nghiệp chứ không chỉ là những cộng tác viên thị trường.
“Tôi từng đặt vấn đề với một số nhà sản xuất về hợp tác kinh doanh như chương trình chiết khấu, ký gởi, chính sách đổi hàng hết hạn sử dụng, kể cả yêu cầu cung cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mã vạch, hóa đơn, chứng từ sản phẩm…
Nhưng hầu hết lúng túng vì họ không hiểu các phương thức kinh doanh của thị trường, mặc dù họ sản xuất rất giỏi, chất lượng mẫu mã rất tốt, nhưng với những người phân phối như chúng tôi chừng đó vẫn chưa đủ” - ông Chương nói.
Theo Sở Công Thương, bình quân mỗi năm có khoảng 5 - 10 hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, phần nhiều dành cho các sản phẩm nông thôn. Tuy vậy, rất nhiều chủ thể tham gia chỉ mới tập trung vào việc bán hàng, rất ít chủ thế chủ động tìm kiếm kết nối nhà phân phối.
Chưa kể, không phải chủ thể sản xuất nào cũng đáp ứng được yêu cầu, điều kiện hợp tác với nhà phân phối, nhất là với các hộ gia đình. Kết quả, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ bó hẹp trong thị trường nhỏ, khó thể mở rộng quy mô, dẫn đến sức cạnh tranh kém, thậm chí tàn lụi trên thị trường khi gặp những sản phẩm cùng chủng loại canh tranh.