Với các sản phẩm như rượu, ớt hay chè dây, huyện Đông Giang kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu đặc sản của địa phương “sống” được trên thị trường.
Khai phá mới
Ở vùng cao Đông Giang, bên cạnh chuối mốc đã chứng tỏ là cây trồng góp phần giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân, gần đây, địa phương tiếp tục khai phá thêm 3 sản phẩm sinh trưởng từ đất núi có thể mang lại nhiều hy vọng đổi đời. Đó là chè dây Ra Zéh, ớt A Riêu Ma Cooih và rượu Ka Kun. Cây chè dây có tên khoa học Ampelopsis Cantoniensis Planch, họ nho, đồng bào Cơ Tu gọi là ra zéh. Đây là loại thân dây, lá thon nhỏ, chân chim có hình răng cưa; vị ngọt, đắng, tính mát được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột. Cạnh đó, ra zéh còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, chè dây ra zéh mọc phát tán tự nhiên dưới tán rừng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư cũng như vùng giáp ranh. Sinh trưởng khoảng 10 - 12 tháng, người dân bắt đầu thu hoạch với tần suất 3 - 4 lần/năm, đạt bình quân 6 - 8 tấn tươi/ha/năm. Hiện nay, giá chè dây ra zéh khô dao động 100 - 120 nghìn đồng/kg (tương đương 170 triệu đồng/ha/năm). Như vậy, lợi nhuận thu được từ ra zéh cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Thấy được lợi ích đó, vài năm về trước, một số hộ dân ở xã Tư đã tiến hành khai thác, sơ chế để bán ra thị trường.
Rượu Ka Kun do cơ sở Hoàng Oanh ngâm được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: C.T |
Những lần đi rẫy, người dân xã Ma Cooih thấy ớt mọc hoang trên đồi núi liền hái về ăn, trái thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng. Một người dân kể rằng, ớt con mọc sau những trận mưa nguồn, sinh sản phát tán thông qua những loài chim ăn hạt (chủ yếu là chim chào mào), vượt qua điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên để trưởng thành. Mà quả thật, chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng Đông Giang, ớt A Riêu mới cho mùi thơm và vị cay đặc biệt. Nếu bén rễ đất phù sa màu mỡ, đặc tính vốn có của nó sẽ không còn. Thấy được giá trị của A Riêu, bà con tìm giống về trồng, rồi hái để bán theo kiểu nhỏ lẻ. Nhờ trồng ớt, nhiều hộ có thêm thu nhập. Một cán bộ Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang cho hay, ớt A Riêu có thể cho thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm.
Vào năm 2013, một dịp tình cờ, chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (trú thị trấn Prao) được cho củ ka kun (còn gọi Thổ Phục Linh) đem về ngâm với rượu gạo. Bạn bè đến nhà, gia đình mang rượu Ka Kun mời nhâm nhi thì ai nấy trầm trồ rằng mùi vị ngon, dễ uống. Rượu ngâm có tác dụng chữa thấp khớp, huyết áp cao, mát gan, chữa ho cho trẻ em… Thế rồi qua truyền miệng, người ở nơi khác đến mua sản phẩm về dùng, có khách hàng còn đề xuất gia đình cung cấp cho họ bán ra thị trường. Năm 2015, hai vợ thành lập cơ sở sản xuất Hoàng Oanh để có địa chỉ giao dịch. Năm đầu tiên này, Hoàng Oanh ngâm được khoảng 800 lít rượu Ka Kun, giá bán gần 60 nghìn đồng/lít.
Xác lập thương hiệu
Đông Giang có thêm 3 loại đặc sản vừa nêu có thể tạo sức bật mới cho cư dân đổi đời, phát triển du lịch. Nhưng thực tế, việc khai thác, trồng và sơ chế mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả cao và bền vững. Đơn cử như củ ka kun, người dân khai thác ồ ạt để bán lại, hoặc tự ngâm rượu dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loại cây này, gây ảnh hưởng môi trường. Chủ tịch UBND xã Tư - ông Nguyễn Văn Bình cho biết, do khai thác tràn lan dẫn đến trữ lượng chè dây ra zéh trong tự nhiên giảm nhanh. Khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào Cơ Tu nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Khâu giới thiệu sản phẩm ra thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào bạn hàng, giá cả không ổn định... Tổ hợp tác chè dây mới được thành lập nên việc sản xuất, quảng bá gặp khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng và đăng ký nhãn hiệu. Trong khi đó, ban đầu trồng loại ớt A Riêu, người dân Ma Cooih vì chưa có kinh nghiệm nên để một số ớt bị ốc sên, dế gây hại, cây ít ra quả. Mặc dù khâu này đã được Tổ hợp tác sản xuất ớt khắc phục, nhưng việc nhân rộng còn hạn chế, thương hiệu sản phẩm chưa công nhận.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, trước thực trạng đó, huyện đang triển khai nhiều giải pháp, áp dụng cho từng loại hình sản xuất để vừa đảm bảo tính kế thừa lâu dài, đồng thời đưa rượu Ka Kun, chè dây Ra Zéh, ớt A Riêu Mà Cooih trở thành sản phẩm hàng hóa, khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Theo đó, tháng 8.2015, UBND huyện Đông Giang đã phê duyệt dự án bảo tồn, phát triển cây chè dây ra zéh trên địa bàn xã Tư, giai đoạn 2015 - 2020, tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích cây chè dây là 140ha, trong đó trồng mới 40ha và khoanh nuôi trồng bổ sung 100ha; năng suất đạt 1,5 - 2 tấn khô/ha/năm. Về ớt A Riêu Ma Cooih, địa phương đã hỗ trợ vốn xây dựng thương hiệu với diện tích trồng ớt hơn 6ha, chủ yếu ở các thôn A Bông, A Sờ, Azal xã Ma Cooih. Hợp tác xã sản xuất ớt đang phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về kỹ thuật trồng cho bà con trong xã, cùng với những chế độ ưu đãi như hỗ trợ phân bón, kỹ thuật… Đối với ka kun, Đông Giang sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khai thác cây lớn, cây già; khoanh vùng cây non để phát triển và nhân giống trên địa bàn. Ngành chức năng cũng hướng dẫn về thủ tục, và vừa qua Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam đã kiểm tra, xác nhận công bố sản phẩm rượu Ka Kun của cơ sở sản xuất Hoàng Oanh phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Ngoài hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, Đông Giang còn hỗ trợ chi phí về bao bì, máy móc… Huyện cũng đã thực hiện các thủ tục gửi cấp có thẩm quyền, bộ ngành chức năng để đăng ký chứng nhận “ớt A Riêu Ma Cooih”, “chè dây Ra Zéh” là nhãn hiệu tập thể độc quyền.
CÔNG TÚ