Xây dựng thương hiệu để tăng giá trị con tôm

VIỆT NGUYỄN 05/12/2023 08:15

Quảng Nam đang góp sức cùng cả nước giữ vững vị trí là một trong ba nước dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu tôm. Việc xây dựng thương hiệu cho con tôm Quảng Nam cũng đặt ra cấp thiết để nâng giá trị, lợi nhuận đem lại.

Nông hộ Quảng Nam thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Q.VIỆT
Nông hộ Quảng Nam thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Q.VIỆT

Nhận diện vị thế

Định hướng phát triển của Quảng Nam đối với con tôm là tích tụ, tập trung ruộng đất, nuôi tôm theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, tạo chuỗi liên kết khép kín sản xuất - bảo quản - chế biến cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu để tăng giá trị kinh tế. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm nhấn trong thực hiện định hướng trên.

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 là 2.660ha, sản lượng đạt 17.920 tấn. Trong năm, diện tích tôm bị bệnh hơn 189,4ha, trong đó bệnh do đốm trắng 20,8ha, hoại tử gan tụy 21,8ha, bệnh do vi bào tử trùng 1ha, còn lại là bệnh do các yếu tố môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp đang sản xuất tôm giống là Công ty Sản xuất giống thủy sản Dương Hùng và Công ty Nam Mỹ với sản lượng giống được xuất bán 900 triệu con.

Ông Phạm Đình Chương (thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đã liên kết với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư chuỗi liên kết tôm công nghệ cao thu được hiệu quả khả quan. Doanh nghiệp cung ứng con giống, quy trình kỹ thuật, thức ăn, vật tư để ông Chương nuôi tôm sạch.

Trên phạm vi 5ha ao nuôi ven sông Trường Giang, ông Chương đầu tư hệ thống nuôi tôm quy mô lớn với 8 ao chứa lắng, 2 ao tôm giống, 21 ao nuôi tôm thương phẩm, hệ thống xử lý chất thải trước khi cho ra môi trường bên ngoài.

Nước lấy từ sông được lọc sạch bằng thuốc tím qua nhiều công đoạn ở các ao chứa lắng. Tôm giống đã kiểm dịch, loại bỏ các yếu tố mầm bệnh được ông Chương nuôi qua 4 giai đoạn, chỉ dùng chế phẩm sinh học, không dùng kháng sinh, hóa chất, đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm để chế biến xuất khẩu.

Mỗi năm sau 3 vụ sản xuất, ông Chương thu về hơn 20 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đã liên kết đầu tư tương tự với nông hộ ở huyện Núi Thành.

Cũng cần nhận diện, bên cạnh kết quả khả quan, nuôi tôm ở Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Các mô hình nuôi tôm đang gặp bất cập về giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa hiệu quả.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Khó kiểm soát chất lượng tôm giống. Giá thành sản xuất tôm cao nên khó cạnh tranh sản phẩm.

Thị trường xuất khẩu chưa bền vững do vấp phải hàng rào kỹ thuật, thuế quan. Tồn dư kháng sinh vẫn còn diễn ra làm mất uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác như hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại, phát triển kinh tế tập thể... nên các chủ thể nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận để tăng quy mô đầu tư, chuyên môn sâu nghề nuôi tôm nước lợ theo hướng công nghiệp, tạo chuỗi liên kết.

Cấp thiết xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu con tôm bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc. Nghĩa là suốt quá trình nuôi tôm, nông hộ, hợp tác xã cần phải ghi chép kỹ càng mọi công đoạn sản xuất, từ con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, chăm sóc, dùng các sản phẩm vi sinh… Điều quan trọng nhất vẫn là sản phẩm tôm nuôi phải sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Về điều này, ông Huỳnh Tấn Đạo - Giám đốc điều hành Nam An Farm nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết: “Thông tin truy xuất nguồn gốc tôm không đơn thuần là những con số mà thể hiện bằng quá trình sản xuất sạch, an toàn và trách nhiệm.

Nam An Farm đã tiên phong xây dựng quy trình sản xuất bài bản, nhất là truy xuất nguồn gốc tôm giống, ghi chép giai đoạn nào tôm lớn nhanh, lột xác mấy lần, dùng chế phẩm sinh học ra sao để nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc con tôm”.

Thủ tướng Chính phủ mặt mục tiêu cho ngành tôm Việt Nam là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD. Quảng Nam đặt ra kế hoạch tăng dần sản lượng nuôi tôm, năm sau cao hơn năm trước.

Ông Trần Viết Phương - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại khu vực miền Trung cho biết: “Chiến lược dài hạn của C.P là đầu tư vào công nghệ hiện đại trong quy trình chuỗi khép kín từ tôm bố mẹ đến con giống, phối hợp giúp người nuôi tôm Quảng Nam đảm bảo tiêu chí sạch từ nuôi thương phẩm đến bàn ăn phục vụ người tiêu dùng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu để tăng giá trị con tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO