Triển khai thực hiện chuỗi giá trị nông thủy sản, TP.Tam Kỳ hướng đến xây dựng các thương hiệu nông sản an toàn phục vụ nhu cầu bức thiết hiện nay bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tìm kiếm đầu ra thị trường và tuyên truyền, thay đổi phương thức sản xuất của nông dân.
5 chuỗi trong 5 năm
Những năm gần đây, tình hình sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn TP.Tam Kỳ tăng trưởng đáng kể về sản lượng và giá trị. Tính riêng trong năm 2015, nông nghiệp thành phố đã cung cấp cho thị trường hơn 5.300 tấn sản phẩm thủy sản, hơn 7.600 tấn sản phẩm rau củ quả, gần 2.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp được nghiên cứu xây dựng và tiếp nhận chuyển giao cho nông dân như trồng rau an toàn, ớt, dưa leo Nhật Bản, nén, hoa chuông kép, nuôi bò nhốt, gà ta thả vườn, tôm nước lợ…
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng để thay đổi tư duy, cách thức sản xuất của người dân theo hướng an toàn. |
Theo ông Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ triển khai thực hiện thí điểm 5 chuỗi giá trị sản xuất nông thủy sản, đó là thịt gà, heo, rau củ quả thực phẩm, hoa cây cảnh và tôm nuôi. Trong đó, chuỗi giá trị thịt gà với mắt xích trọng tâm là Tổ hợp tác nuôi gà ta thả vườn Mười Tín ở xã Tam Thăng; chuỗi giá trị thịt heo: trang trại Dương Văn Phú ở phường Trường Xuân; chuỗi giá trị rau củ quả thực phẩm: các vùng sản xuất rau củ quả tại phường Trường Xuân, phường Hòa Thuận, xã Tam Phú và xã Tam Thanh; chuỗi giá trị hoa cây cảnh: các hộ trồng hoa có kinh nghiệm ở Tam Kỳ; chuỗi giá trị nuôi tôm: vùng quy hoạch định hướng VietGap xã Tam Phú. “Để xây dựng thành công 5 chuỗi giá trị này, chúng tôi tham mưu UBND thành phố tiến hành tham gia quản lý, chủ trì sản xuất, phối hợp thực hiện, tư vấn, liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, gia trại, nông hộ để thúc đẩy sản xuất, kiểm soát chất lượng nông sản đến việc cung ứng các sản phẩm an toàn ra thị trường, với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,3 tỷ đồng trong vòng 5 năm” - ông Huy cho biết.
Người dân là trọng tâm
Trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, ngoài đầu ra cho sản phẩm, cơ sở hạ tầng nông thôn, việc kiểm soát chất lượng nông sản… thì một vấn đề lớn cũng được quan tâm, đó là làm thế nào để thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất của người dân, đặc biệt là sản xuất hướng đến an toàn. Bà Nguyễn Thị Hựu - một hộ dân trồng rau sạch tại phường Trường Xuân cho biết: “Làng rau sạch Trường Xuân chúng tôi trước kia sản xuất rầm rộ lắm. Bây giờ thì không ai biết đến rau sạch Trường Xuân nữa nên dù sản xuất có sạch cũng bán với giá như rau thường. Phần nữa là do dân ở đây rất ít người còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp mà đi làm ở các công ty, xí nghiệp hoặc làm các nghề khác”.
Nên thực hiện theo quy trình ngược Theo ông Trần Nam Hưng - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, việc xây dựng các chuỗi giá trị nông thủy sản phải thực hiện theo một quy trình ngược, tức là phải bắt đầu từ đầu ra của sản phẩm. Ông Hưng nói: “Từ việc khảo sát thị trường, tìm được đầu ra cho sản phẩm với giá trị thu mua là bao nhiêu, chúng ta mới lấy đó để mà tổ chức sản xuất cho phù hợp, đủ lượng cung cầu. Sau đó sẽ tính toán các bước tiếp theo như dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng cơ sở, quy hoạch các vùng nông nghiệp. Rồi từ việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cho từng hộ gia đình, nhân lên từng nhóm hộ và nhân rộng ra nhiều người dân”. |
Có thể thấy, vấn đề mấu chốt để xây dựng các chuỗi giá trị là đầu ra, nhưng vấn đề trọng tâm là tư duy, nhận thức của nông dân. Theo ông Nguyễn Đức Vương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú, hiện nay lao động trên lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ. Sản xuất còn mang tính chủ quan, không tuân theo khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu chưa đảm bảo. Do vậy, giải pháp tuyên truyền vận động để thay đổi thói quen sản xuất của người dân rất là quan trọng trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Còn theo ông Nguyễn Thanh Yên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc, nông dân đã có những kinh nghiệm nhất định đối với các mô hình sản xuất của mình. Nên khi triển khai xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm phải thực hiện với phương pháp “làm gì, làm ở đâu là do người dân quyết định, còn làm bao nhiêu, lấy gì để làm, làm như thế nào thì do Nhà nước định hướng”.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, để xây dựng 5 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, thành phố sẽ huy động sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng và các địa phương tham gia. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT thành phố sẽ nghiên cứu cung ứng con giống ổn định, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn chăm sóc an toàn, Hội Nông dân hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, các tổ hợp tác tính toán đầu ra cho sản phẩm, các địa phương theo dõi, kiểm soát quy trình sản xuất. Qua đó, từng bước xây dựng một số cánh đồng chuyên canh, hình thành các sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu nông sản, làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến vai trò trọng tâm, chủ thể của người dân. Do vậy, chúng tôi đã lập một kế hoạch để tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân, từng bước xây dựng một phương thức sản xuất nông nghiệp mới, vừa mang tính hiệu quả, đem lại giá trị sản xuất cao vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu bức thiết của cộng đồng xã hội” - ông Nam cho biết thêm.
TƯỜNG QUÂN