Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh

BÍCH LIÊN 03/08/2013 14:31

Gần đây, Quảng Nam đã triển khai nhiều động thái tích cực trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ... Một chiến lược hiệu quả xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này cũng được nhiều người quan tâm, bàn thảo.

Nỗ lực xây dựng CDĐL

Dự án “Xây dựng CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ” của Sở KH-CN được xem là bước đi thiết thực, thể hiện nỗ lực bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, một đặc sản quý hiếm của vùng núi rừng Trà Linh (Nam Trà My). Đây là loài dược liệu mà giá trị và thương hiệu đã vượt xa loại sâm khác trên thế giới như sâm Trung Quốc, sâm Cao Ly (Triều Tiên)... Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân (Sở KH-CN), chủ nhiệm dự án cho biết, nhận thức được giá trị về dược liệu, kinh tế, xã hội, khoa học của cây sâm Ngọc Linh và những khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này, Quảng Nam đã xác định sâm Ngọc Linh là loại cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, việc xác lập quyền CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và Kon Tum là hết sức cấp thiết nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng. Đó cũng là cơ sở cho chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm dược liệu quý hiếm này.

Theo ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Khoa học hợp tác quốc tế (Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam), để phục vụ việc xây dựng CDĐL “Ngọc Linh” cho sâm củ Quảng Nam, viện đã tiến hành nghiên cứu xác định đặc điểm về hình thái và chất lượng cũng như điều kiện tự nhiên và con người vùng sâm Ngọc Linh. Cụ thể, vùng sâm Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh có đặc thù về điều kiện tự nhiên rõ rệt như: phân bố trên địa hình rất cao, khoảng 1.800 - 2.500m so với mực nước biển; phân bố dưới tán rừng nguyên sinh, có lớp thảm thực vật che phủ dày đến 80%. Cây chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu khác biệt như lượng mưa trung bình năm từ 2.800 - 3.400mm, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 14 -18oC, tổng lượng bốc hơi trung bình 670 - 770mm, độ ẩm trung bình từ 85,5 - 87,5%. Thổ nhưỡng đặc trưng của sâm Ngọc Linh là đất mùn vàng đỏ trên núi cao và đất xám giàu mùn.

Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam cũng tiến hành xác định các đặc thù về chất lượng của sâm củ bằng việc lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu, yếu tố cấu thành chất lượng sâm Ngọc Linh mà quan trọng nhất là các thành phần và hàm lượng saponin có trong sâm qua các độ tuổi. Kết quả khẳng định, 3 hợp chất chủ yếu là MR2, G-Rb1, G-Rg1 và sự tích lũy saponin toàn phần có xu hướng tăng dần theo độ tuổi của sâm Ngọc Linh. Chu kỳ 15 năm, cây sâm có 2 lần chuyển đổi tăng sinh khối và hàm lượng saponin trong thân rễ và rễ củ, đó là khi cây sâm đạt 4 - 5 tuổi và 6 - 10 tuổi. Viện cũng đã xác định vùng CDĐL ban đầu, xây dựng hệ thống bản đồ về đất, thời tiết, khí hậu, độ cao, thủy văn cho vùng trồng sâm và bản đồ vùng CDĐL sâm Ngọc Linh của vùng trồng sâm truyền thống, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký, xác lập CDĐL sắp tới. Dự án cũng đã khoanh vùng với tổng diện tích 2.478,52ha đất trồng sâm và nơi có cây sâm tự nhiên của xã Trà Linh, dự kiến đưa 2.319,45ha vào vùng xây dựng CDĐL. Cùng với đó, bản đồ hiện trạng sâm Ngọc Linh, bản đồ đất vùng sâm Ngọc Linh, bản đồ CDĐL cho vùng sâm Ngọc Linh với tỷ lệ 1/25.000 cũng đã được thành lập. Đó là những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký CDĐL và lập hồ sơ đăng ký CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tươi của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum thời gian tới.

Quảng bá thương hiệu

Cần chiến lược quảng bá hiệu quả sâm Ngọc Linh
Ông Phan Hữu Tuấn - Giám đốc Pháp lý Tập đoàn Tân Hiệp Phát dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc trong chiến lược phát triển thương hiệu sâm Hàn. Chẳng hạn, Hàn Quốc có chợ sâm, có khu bán sâm theo độ tuổi và du khách tham quan, mua sắm sẽ được sự hỗ trợ thông tin từ ban quản lý về giá cả, chất lượng, tuổi sâm. Chất lượng sâm được quản lý rất chặt: sâm bán không đúng độ tuổi là sâm giả, sâm không đúng vùng CDĐL cũng là sâm giả, bị xử lý. Hay việc cầu thủ nổi tiếng Park Ji Sung trả lời phỏng vấn báo chí về sức khỏe tuyệt vời của mình bằng cách khéo léo lồng ghép tác dụng của nhân sâm. Tập đoàn Sam Sung cũng đã góp công rất lớn tiếp thị sản phẩm, hễ tập đoàn này đến đâu, danh tiếng của sâm Hàn đi theo đó… “Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc phát triển thương hiệu sâm Hàn là những bài học nhỏ, có thể tham khảo, áp dụng vào chiến lược phát triển thương hiệu tại Việt Nam. So sánh ta với Hàn Quốc, 1kg sâm của Hàn Quốc có giá khoảng 2 - 3 triệu đồng, sâm nước này được sử dụng rộng rãi, người Hàn tự hào về đất nước nhân sâm của họ. Trong khi đó, 1kg sâm Ngọc Linh của ta có giá đến 60 triệu đồng, nguồn cung của ta quá khan hiếm, người dân vẫn còn xa lạ với loài dược liệu này. Đó là thực tế cần suy ngẫm” – ông Tuấn nói.

Việc bảo vệ và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước là vấn đề mang tính cấp bách. Ông Lê Minh Thảo góp ý, để phát triển nguồn sâm, sản phẩm sâm, đa dạng các sản phẩm từ sâm với thương hiệu sâm Ngọc Linh - Quảng Nam xứng đáng với tiềm năng và giá trị vốn có của nó, cần huy động mọi nguồn lực của xã hội. Cụ thể như sự đồng thuận, phối hợp hành động chặt chẽ từ nhiều phía: các nhà khoa học, các cấp quản lý, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm từ cây sâm. Khi làm được việc đó, chắc chắn sâm Ngọc Linh sẽ tương xứng với giá trị, thương hiệu vốn có của nó, là loại sâm số 1 thế giới, và đất nước Việt Nam có thể tự hào về cây sâm như người Hàn Quốc tự hào về tên gọi của đất nước mình - đất nước nhân sâm.
Bàn về chiến lược phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, ông Phan Hữu Tuấn - Giám đốc Pháp lý Tập đoàn Tân Hiệp Phát (đơn vị được UBND tỉnh đồng ý cho sử dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh và quế Trà My) đã “hiến kế” về khâu quảng bá thương hiệu. Ông Tuấn chia sẻ: “Chúng ta có thể tự hào về thương hiệu sâm Ngọc Linh có giá trị và chất lượng cao trên thị trường. Tuy nhiên, nghịch lý là sâm Ngọc Linh có giá trị vượt xa các loại sâm khác nhưng mức độ phổ biến và thông tin về dược liệu này chưa được nhiều người dân, nhiều nơi biết tới. Để nâng cao tính thương mại hóa, cần có chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa rộng rãi. Nhưng trước hết phải đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam lẫn nước ngoài. Hiện, sâm Ngọc Linh chưa đa dạng về sản phẩm trên thị trường, khó có thể đến với đông đảo người dân. Kẹo thì ai cũng ăn được, nước giải khát thì ai cũng uống được, nhưng thuốc thì chỉ dùng đến khi có bệnh tật. Đưa sâm vào nước giải khát là câu chuyện nhỏ, tại sao không?”.

Ông Tuấn và nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết rất cần nguồn nguyên liệu bền vững phục vụ sản xuất. Vậy nên, việc đầu tư phát triển vùng trồng sâm hàng hóa cần phải tiến hành mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước lẫn chính quyền như chính sách giao đất giao rừng, giao quyền sử dụng thương hiệu, giao quyền chủ động về giá cả, quản lý vùng CDĐL…

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO