Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

TRUNG LỘ 02/09/2013 08:54

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề không chỉ góp phần khôi phục làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị kinh tế mà còn giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế.

Nỗ lực của làng nghề

Trong số các làng nghề đã xây dựng thương hiệu sản phẩm thì nghề làm lồng đèn ở Hội An là “nhanh chân”. Từ lâu, sản phẩm đèn lồng Hội An truyền thống có sức hút lớn đối với du khách. Đặc biệt, đèn lồng đã trở thành sản phẩm văn hóa xuất khẩu đem lại thu nhập đáng kể cho đô thị cổ này. Mỗi năm có đến vài chục ngàn chiếc đèn lồng được xuất đi các nước hoặc được du khách quốc tế mua làm kỷ niệm khi đến Hội An. Tuy nhiên thời gian gần đây, ở một số nơi cũng sản xuất, kinh doanh đèn lồng mang tên Hội An (nhưng không phải được sản xuất tại Hội An), gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín và chất lượng của sản phẩm. Đứng trước thực trạng đó, UBND TP.Hội An đã hỗ trợ kinh phí giúp 30 cơ sở sản xuất đèn lồng lập thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Lồng đèn Hội An”. Theo ông Nguyễn Ba, nghệ nhân đèn lồng Hội An, từ khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu “Lồng đèn Hội An”, các cơ sở sản xuất lồng đèn ở Hội An an tâm đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường bằng chính chất lượng sản phẩm của mình.

Từ khi được công nhận độc quyền nhãn hiệu “Lồng đèn Hội An”, các cơ sở sản xuất lồng đèn có thu nhập cao.Ảnh: T.LỘ
Từ khi được công nhận độc quyền nhãn hiệu “Lồng đèn Hội An”, các cơ sở sản xuất lồng đèn có thu nhập cao.Ảnh: T.LỘ

Để làng rau Trà Quế có thể vào được hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được thương hiệu. Đầu năm 2007, các hộ dân trồng rau Trà Quế đã bắt tay vào xây dựng thủ tục pháp lý và đến năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm rau Trà Quế cho 131 thành viên là các hộ trồng rau ở làng Trà Quế đồng chủ sở hữu và do Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Hà đại diện hợp pháp. Nhờ đó, hợp tác xã cùng với xã viên có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo, rau Trà Quế đã có mặt ở nhiều siêu thị và khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm, làng rau Trà Quế cung ứng ra thị trường từ 700 - 900 tấn rau các loại.

Thấy được lợi ích này, từ năm 2010, Hội Nông dân xã Cẩm Thanh cùng 31 hộ chuyên sản xuất dừa nước tiến hành xây dựng thủ tục để trình Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tre, dừa Cẩm Thanh và mới đây sản phẩm này chính thức được công nhận. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tre, dừa Cẩm Thanh được xem là cơ hội mới cho những người chuyên sản xuất dừa nước ở địa phương. Những ngôi nhà làm bằng dừa nước Cẩm Thanh đang có mặt trong nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng sang trọng trên cả nước. Trong những năm đến, chính quyền địa phương sẽ phối hợp các ngành chức năng xúc tiến triển khai quy hoạch lại vùng rừng dừa nước để chủ động vùng nguyên liệu và xây dựng khu trung tâm kỹ thuật làm nhà dừa để du khách tham quan, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Cần sự quan tâm hỗ trợ

Trong tổng số 61 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận thì đến nay số làng nghề đã tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, việc đăng ký, xác lập và bảo hộ nhãn hiệu là cần thiết, không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế chung mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm, từ đó khuyến khích sản xuất phát triển, tăng doanh thu, góp phần cải thiện đời sống kinh tế người dân làng nghề.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập toàn cầu trở thành yếu tố cạnh tranh cơ bản để làng nghề tồn tại và phát triển bền vững. Do nhiều sản phẩm làng nghề chưa đăng ký thương hiệu nên khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, các cơ quan chức năng không thể bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất. Có nhiều lý do khiến các làng nghề không mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, song lý do chính là với lối sản xuất thủ công, phần lớn kinh doanh riêng lẻ nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao, mạnh ai nấy làm, ít làng nghề có đại diện đứng ra làm đại diện hợp pháp, làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài.

Để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho làng nghề, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - hạ  tầng huyện Quế Sơn, ngoài sự chủ động và tự ý thức của các làng nghề, Nhà nước cũng cần có chính sách bảo tồn và định hướng phát triển làng nghề bền vững. Trước hết, cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Chính vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí và chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn, tư vấn cho các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất lập thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO