Xây dựng Tiên Phước thành huyện điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái

MỸ LINH 07/01/2021 14:38

(QNO) - Phấn đấu xây dựng Tiên Phước thành huyện điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái trong những năm đến. Đây là nội dung được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn 76/UBND-KTN về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vừa ban hành.

Tiên Phước tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái. Ảnh: P.H
Tiên Phước tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái. Ảnh: P.H

Qua 3 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 548) trên địa bàn huyện Tiên Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tạo ra nhiều mô hình vườn cây ăn quả, vùng sản xuất chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, mang đặc trưng riêng của địa phương (như lòn bon, tiêu, thanh trà, sầu riêng, măng cụt...) và phát triển du lịch sinh thái góp phần nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Để hướng đến xây dựng huyện điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái trong những năm đến, UBND tỉnh đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Tiên Phước tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái làng quê để nhân dân tiếp tục ủng hộ và nhiệt tình tham gia, tạo phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện. Các địa phương cấp xã tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả.

Ngoài duy trì phát triển các loại cây trồng chủ lực, truyền thống (tiêu, thanh trà, lòn bon...) cần nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, măng cụt, mãng cầu, cây có múi khác) và các loại cây dược liệu; nghiên cứu lai tạo, tìm tòi các loại giống mới, giống cây đầu dòng có năng suất, chất lượng hơn (ví dụ giống lòn bon hạt lép hơn, ngọt...).

Quản lý chặt chẽ nguồn giống cây trồng đưa vào trồng trên địa bàn huyện; hướng dẫn, khuyến khích bà con trồng tập trung, liên vườn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và giải quyết đầu ra cho nông sản. Phấn đấu xây dựng Tiên Phước trở thành trung tâm cung ứng giống cây ăn quả chất lượng, có uy tín cho các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, kết hợp đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tổng hợp tại các địa phương có điều kiện phù hợp. Mạnh dạn chuyển đổi đất màu, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của huyện.

UBND tỉnh cũng yêu UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Tiên Phước để chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển dược liệu trên địa bàn đảm bảo phù hợp với thực tế từng địa phương để thực hiện. Tập trung vào các cây, con đặc trưng, có lợi thế, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng Tiên Phước thành huyện điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO