Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nếu người đứng đầu là đảng viên, hoặc là người có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp thì nơi đó, tổ chức đảng có điều kiện thuận lợi để phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Coi trọng xây dựng Đảng
Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền - Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty CP In, phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) nói, ở công ty, công tác xây dựng Đảng luôn được đặt ngang hàng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Thuận lợi của đơn vị là người đứng đầu doanh nghiệp, cũng là Bí thư chi bộ.
Chi bộ Công ty CP In, phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam hiện có 29 đảng viên là lực lượng nòng cốt trong tất cả phòng, ban, xưởng sản xuất. Theo lời bà Huyền, đảng viên thì được học tập, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, họ có nhận thức tốt hơn người lao động bình thường. Nhờ vậy, doanh nghiệp cũng được lợi.
Có chi bộ đảng, hoạt động của công đoàn cũng nền nếp, hiệu quả hơn; đời sống và các chế độ chính sách đối với người lao động được chi bộ, công đoàn quan tâm nên nhiều năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn ổn định, hầu hết người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Huyền - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty CP In, phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam, với một doanh nghiệp sản xuất 3 ca/ngày, để tạo thuận lợi cho đảng viên, sinh hoạt thường kỳ của chi bộ được ấn định vào những ngày đầu tháng; trường hợp đặc biệt do yêu cầu bứt thiết của sản xuất thì sẽ họp ban đêm.
Qua các cuộc họp chi bộ, đảng viên (hầu hết là người đứng đầu các tổ, bộ phận sản xuất) được thông tin đầy đủ tình hình của doanh nghiệp, nên có trách nhiệm và thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến lại cho người lao động tại đơn vị mình.
Những ưu điểm, hạn chế được chỉ ra tại các cuộc họp chi bộ để mỗi đảng viên, lãnh đạo bộ phận kịp thời chỉnh đốn, không để tồn tại kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiệm vụ của từng đảng viên gắn với vị trí công việc họ đang đảm nhiệm, từ trách nhiệm, nguyện vọng đảng viên và quần chúng trong bộ phận sản xuất đều phải được báo cáo, nêu ra để cùng tìm hướng giải quyết tốt nhất.
Theo lời bà Huyền, đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các quy định của Đảng và pháp luật hiện hành hiện không có điều khoản nào bắt buộc việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý các cấp phải là đảng viên; tuy nhiên, khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì đảng viên được “ưu tiên” hơn. “Đó cũng là động lực để những người lao động chưa phải là đảng viên nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để được vào Đảng” - bà Huyền nói.
Ông Trần Hữu Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đào tạo vận tải Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) chia sẻ, thuận lợi trong công tác xây dựng Đảng tại đơn vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đồng thời là Bí thư chi bộ, Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Phó Giám đốc. Do vậy, thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cũng như mối quan hệ giữa tập thể chi bộ, tập thể lãnh đạo công ty luôn có sự thống nhất.
Các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng của chi bộ đều được triển khai toàn diện, không có khó khăn, vướng mắc nào đáng kể. Những chủ trương, quyết sách lớn của lãnh đạo công ty về sản xuất kinh doanh đều được chi bộ quán triệt, tuyên truyền trong đảng viên để họ đồng thuận, gương mẫu thực hiện. Đồng thời qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên cũng có cơ hội tham gia hiến kế, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị đối với sự phát triển của công ty.
“Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung, nếu người lao động là đảng viên thì nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống, tác phong làm việc sẽ tốt hơn... Bởi để được vào Đảng, tổ chức phải lựa chọn những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức; mặt khác, khi đã vào Đảng, đảng viên còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định của Đảng nên phải gương mẫu về mọi mặt. Doanh nghiệp có nhiều đảng viên sẽ rất có lợi”.
(Ông Trần Hữu Hải - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đào tạo vận tải Quảng Nam)
Ông Hải cho rằng, để người lao động có động cơ phấn đấu vào Đảng, trước hết, người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của chi bộ đảng và đảng viên trong doanh nghiệp. Từ đó, mới làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, giúp đỡ quần chúng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để được vào Đảng.
“Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung, nếu người lao động là đảng viên thì nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống, tác phong làm việc sẽ tốt hơn... Bởi để được vào Đảng, tổ chức phải lựa chọn những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức; mặt khác, khi đã vào Đảng, đảng viên còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định của Đảng nên phải gương mẫu về mọi mặt. Doanh nghiệp có nhiều đảng viên sẽ rất có lợi” - ông Hải phân tích.
Và hiệu quả
Ông Huỳnh Quang Trung - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Điện Bàn cho biết, trên địa bàn thị xã hiện có 6 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có chi bộ cơ sở, với tổng cộng 91 đảng viên. Những năm qua, nhiều chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo đảng viên và các tổ chức đoàn thể chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, quy định của doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp có chi bộ đảng đã triển khai nghiêm túc việc xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động và các quy định khác về quản lý nội bộ. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, quyền lợi của người lao động được đảm bảo, những vướng mắc phát sinh đều được xử lý ổn thỏa, kịp thời.
Ngoài ra, công nhân lao động còn tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị tại các đơn vị, địa phương” - ông Huỳnh Quang Trung nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ, Đảng bộ thành phố hiện có 21 tổ chức cơ sở đảng thuộc khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với 518 đảng viên.
Các tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực này đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong doanh nghiệp; nhất là làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất. Qua đó, cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Điểm chung nhất qua ý kiến của các chủ doanh nghiệp và những cán bộ chuyên trách công tác xây dựng Đảng tại địa phương là ở các doanh nghiệp, nếu người đứng đầu là đảng viên hoặc trực tiếp nắm giữ vai trò bí thư chi bộ thì công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng; hoạt động của chi bộ ngày càng nền nếp, hiệu quả; doanh nghiệp có sự ổn định, hầu hết người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
---------------------
Bài cuối: Cùng vào cuộc!