Xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Tìm lối đi chung... - Bài cuối: Cùng vào cuộc!

DIỄM LỆ - NGUYÊN ĐOAN 11/10/2023 07:39

Quảng Nam hiện có 1.895 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhưng chỉ có 46 tổ chức cơ sở đảng (6 đảng bộ cơ sở và 40 chi bộ cơ sở) với 826 đảng viên. Những con số rất “khiêm tốn” này cho thấy sự khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra với công tác xây dựng Đảng tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đồng chí Lê Văn Dũng làm việc với Thành ủy Tam Kỳ về nhiệm vụ xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ảnh: D.L
Đồng chí Lê Văn Dũng làm việc với Thành ủy Tam Kỳ về nhiệm vụ xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ảnh: D.L

“Khó khăn, thách thức là điều dễ thấy. Nhưng khó mấy cũng phải làm và tìm cách làm cho hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để tìm hướng tháo gỡ” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định.

Rào cản

Rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra với công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Những cán bộ chuyên trách công tác xây dựng Đảng tại các địa phương; bí thư, phó bí thư các chi - đảng bộ cơ sở tại doanh nghiệp và kể cả đảng viên mà phóng viên Báo Quảng Nam có dịp tiếp xúc, đều thẳng thắn nêu ra rất nhiều nguyên nhân.

Cụ thể như: (1) Người lao động chỉ quan tâm đến công việc, thu nhập, đời sống, ngại vào Đảng vì sợ ràng buộc,…;

(2) Bản thân nhiều chủ doanh nghiệp chỉ lo làm ăn, xây dựng doanh nghiệp, ít tâm huyết vào Đảng, thậm chí không muốn có tổ chức đảng tại đơn vị mình vì… sợ ảnh hưởng;

(3) Hoạt động của một số chi bộ đảng tại các doanh nghiệp còn nặng tính hình thức, chưa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và đảng viên, quần chúng;

(4) Chế độ thông tin, báo cáo, hội họp, văn bản hành chính quá nhiều đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của doanh nghiệp và bản thân mỗi đảng viên;

(5) Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn công tác xây dựng Đảng tại các doanh nghiệp của các ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức và chưa thật sự hiệu quả;…

“Mình phải đến với họ một cách chân tình, luôn thăm hỏi, động viên, lắng nghe và chia sẻ, nhất là lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ đó mới tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp trong mọi hoạt động để có sự hỗ trợ, tuyên truyền, thuyết phục… Khi chủ doanh nghiệp đã nhận thức đúng vấn đề họ sẽ có động lực để vào Đảng, hoặc sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển tổ chức đảng”.

(Ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn)

Ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn thừa nhận: “Công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp hiểu và tự nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn còn hạn chế.

Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể; còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức nên chưa tạo điều kiện cho việc thành lập chi bộ đảng.

Hoạt động của một số tổ chức đảng còn mang tính hình thức, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị tích cực thúc đẩy quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp”.

Trong khi đó, một số bí thư chi bộ tại doanh nghiệp phản ánh, hiện nay, các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đều được chuyển về đảng bộ cấp trên cơ sở tại địa phương quản lý, nên mọi hoạt động không khác gì tổ chức đảng tại các xã, phường, thôn, khối phố.

Chế độ hội họp, thông tin báo cáo, kiểm tra, giám sát quá nhiều, chưa có sự thay đổi, cải tiến để phù hợp với tính đặc thù của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp không muốn có tổ chức đảng tại đơn vị mình.

Hãy đến với doanh nghiệp!

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn - Trần Hải Vân nói, để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp thì trước tiên các cấp, các ngành phải thật sự quan tâm đến doanh nghiệp.

“Mình phải đến với họ một cách chân tình, luôn thăm hỏi, động viên, lắng nghe và chia sẻ, nhất là lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ đó mới tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp trong mọi hoạt động để có sự hỗ trợ, tuyên truyền, thuyết phục… Khi chủ doanh nghiệp đã nhận thức đúng vấn đề họ sẽ có động lực để vào Đảng, hoặc sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển tổ chức đảng”- ông Trần Hải Vân chia sẻ.

Về cách làm cụ thể của Điện Bàn, ông Vân cho biết, hiện nay Thị ủy đã giao cho Thị đoàn, Liên đoàn Lao động huyện bám sát các doanh nghiệp, trước mắt là vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức này sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp, người lao động với Đảng, chính quyền.

Khi chủ doanh nghiệp, người lao động có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và những đóng góp hiệu quả của tổ chức đảng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, họ sẽ tự nguyện xin vào Đảng (nếu chưa là đảng viên) và tạo thuận lợi cho việc thành lập, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Đối với những phản ảnh của các tổ chức đảng về mô hình, cơ chế hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Tam Kỳ đồng tình về sự cần thiết phải có nhưng quy định mang tính đặc thù đối với mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

“Qua theo dõi hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, Đảng bộ thành phố đã có những giải pháp linh hoạt, phù hợp. Chẳng hạn như, thường xuyên hướng dẫn về nghiệp vụ công tác đảng, giảm bớt việc mời tham gia hội họp đối với cấp ủy các chi - đảng bộ doanh nghiệp, trừ những cuộc họp thật sự cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề, cấp trên cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, thực hiện đồng bộ” - bà Huệ kiến nghị.

Ông Phạm Thắm - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đại Lộc chia sẻ câu chuyện, trước đây tại địa phương từng có một chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động ổn định, nhưng từ khi vị bí thư về hưu thì sinh hoạt đảng cũng mờ nhạt dần rồi chi bộ phải giải thể, các đảng viên chuyển sinh hoạt về nơi cư trú.

“Mọi việc do người đứng đầu. Việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ doanh nghiệp vào Đảng là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, Đại Lộc đang ưu tiên tập trung cho việc thành lập, phát triển tổ chức đảng trong các hợp tác xã. Người đứng đầu hợp tác xã là đảng viên, bí thư chi bộ là một trong giải pháp quan trọng để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”- ông Thắm nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng:  “Không vì khó khăn mà nản chí”

Các thành ủy, thị ủy, huyện ủy phải tập trung quan tâm đến doanh nghiệp. Nơi nào chưa có công đoàn thì vận động thành lập công đoàn để có nơi cho đoàn viên sinh hoạt, sẻ chia tâm tư nguyện vọng, tạo chiếc cầu nối với chủ doanh nghiệp.

Từ đó tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp để họ tự nguyện xin vào Đảng (nếu chưa là đảng viên), hoặc tạo điều kiện thuận lợi để thành lập tổ chức đảng ở nơi đủ điều kiện. Đối với các chi - đảng bộ trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần đẩy mạnh công các tuyên truyền, giới thiệu để tạo sự lan tỏa, khích lệ...

Ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, các huyện, thị, thành ủy phải thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ cách thức sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiệm vụ công tác đảng tại doanh nghiệp phải gắn với hoạt động kinh doanh thì mới mang lại hiệu quả tích cực.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, sẽ tập trung tháo gỡ; còn những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, Quảng Nam sẽ tập hợp, nghiên cứu đề nghị Trung ương tiếp tục có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Tìm lối đi chung... - Bài cuối: Cùng vào cuộc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO