Xây dựng "Tộc họ văn hóa"

VINH ANH 27/07/2016 09:08

Để hoạt động xây dựng “Tộc họ văn hóa” đạt được hiệu quả phải làm từ gốc rễ cội nguồn, gắn kết đời sống cá nhân một cách thiết thực.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, từ khi tiến hành đổi mới đất nước đến nay, xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ diễn ra sôi nổi. Thể hiện rõ nhất của xu hướng này trước hết là việc chấn chỉnh lại nghi lễ thờ cúng tổ tiên mà trước đây có phần xao nhãng. Sửa chữa, trùng tu, xây mới nhà thờ, mồ mả tổ tiên, đề nghị nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho các nhà thờ những vị có công với nước, tiếp đến là dịch ra tiếng Việt, sưu tầm viết lại các gia phả, truy tìm gốc tích tổ tiên ở các nơi. Rồi lập quỹ khuyến học, khuyến tài, viết lại tộc ước để chấn chỉnh gia phong…

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khen thưởng cho các tộc họ tiêu biểu có đóng góp trong 20 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ảnh: VINH ANH
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khen thưởng cho các tộc họ tiêu biểu có đóng góp trong 20 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ảnh: VINH ANH

Qua khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến cuối tháng 6.2016, toàn tỉnh có 5.023 tộc (gồm các chi, phái), trong đó 3.337 tộc có nhà thờ hoặc nhà từ đường; 1.645 tộc đã huy động “Quỹ khuyến học” với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ, phát thưởng cho gần 40 nghìn học sinh, sinh viên học giỏi. Một số địa phương, con cháu trong gia tộc xa quê, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận cấp huyện, xã và hội đồng gia tộc đã đóng góp gần 10 tỷ đồng vào “Quỹ vì người nghèo”, hỗ trợ xây dựng 200 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ chữa bệnh, phương tiện sản xuất cho hộ nghèo…

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng do tính chất đặc thù của hoạt động tộc họ và do lúng túng trong chỉ đạo, điều hành của các cấp nên dẫn đến mỗi địa phương có một cách triển khai, việc công nhận “Tộc văn hóa” phần lớn không theo quy trình. Một số huyện đồng bằng phong trào hoạt động khá tốt nhưng chỉ mới dừng lại ở việc khen thưởng chuyên đề về kết quả thực hiện công tác khuyến học, xóa đói giảm nghèo… Trong khi đó, một số huyện miền núi mong muốn được triển khai phong trào nhưng lại lúng túng trong hướng dẫn, chỉ đạo. Cạnh đó, những cơ chế cụ thể về kinh phí hoạt động, về cơ chế khen thưởng, về việc xét công nhận “Tộc văn hóa”… cũng còn nhiều chuyện phải bàn.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cẩm Nam (TP.Hội An), việc phát động phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” hiệu quả bắt đầu từ việc vận động các tộc họ xây dựng “Tộc ước” của từng gia tộc, sau đó hình thành Ban đại diện các Hội đồng gia tộc. Đây là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. Mỗi tộc còn hình thành “Tổ hòa giải” để giải quyết những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ từng dòng tộc. Trong khi đó, tại xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn), bắt đầu từ năm 2008, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với UBND xã chủ trì tổ chức lễ hội thanh minh, nhằm tưởng nhớ ghi ơn công đức của các bậc tiền nhân đồng thời tập hợp các họ tộc trên địa bàn xã, xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các tộc họ. Đây là điều kiện tốt nhất để họp mặt bà con sống xa quê nhân dịp về dự giỗ tổ các dòng tộc, qua đó kêu gọi sự đóng góp của bà con đồng hương đối với địa phương. Ngoài ra, các tộc họ còn là kênh tuyên truyền quan trọng để vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương như xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng "Tộc họ văn hóa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO