Nhờ tổ chức được các sự kiện, sản phẩm du lịch đặc thù, Đà Nẵng dần khẳng định thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều lực cản để Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế. Tại cuộc hội thảo về du lịch vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần liên kết ở nhiều lĩnh vực, địa phương để phát huy tiềm năng…
Đà Nẵng là một trong những địa phương có hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khá mạnh. Bên cạnh việc xúc tiến mở thêm các đường bay mới trong và ngoài nước, phối hợp với các đoàn làm phim quảng bá về du lịch, Đà Nẵng còn tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính đại chúng như chương trình “Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè”, Giải marathon quốc tế thường niên, chương trình “Âm nhạc đường phố”... Đặc biệt, từ năm 2008 - 2013, Đà Nẵng tổ chức thành công festival “Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế”, trở thành sản phẩm đặc thù, tạo nên thương hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu du lịch Đà Nẵng còn non yếu. Đà Nẵng có một vài bảo tàng, trong đó bảo tàng Chăm rất hấp dẫn nhưng đáng tiếc chưa có cơ sở hạ tầng triển lãm đủ tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, Đà Nẵng chưa thật sự có một nhà hát, một bảo tàng, một trung tâm hội nghị - triển lãm... tiêu chuẩn quốc tế cũng như kinh nghiệm tổ chức sự kiện “đẳng cấp cao”. Hầu hết sự kiện, lễ hội lớn của Đà Nẵng từ trước đến nay đều do nước ngoài tổ chức và diễn ra “độc lập” với nhau.
Một góc nhìn từ Đà Nẵng. |
Trong đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch cho Đà Nẵng”, nhóm chuyên gia cao cấp PUM (Hà Lan) phối hợp với Trường Đại học Duy Tân và Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đề xuất, tại sao chúng ta không quảng bá Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch hơn, đòi hỏi nhiều hơn 2 tuần? Nếu khách đến Việt Nam gấp đôi thời gian như vậy, tức là 4 tuần thì mọi người đều có lợi. Sẽ không có thành phố nào bị thiệt do khách sẽ đủ thời gian thăm tất cả, tiêu tiền nhiều hơn và các địa điểm này có cơ hội để thể hiện. Với lộ trình du lịch Việt Nam chia làm 4 tuần, 2 tuần cho miền Bắc, 2 tuần cho miền Nam thì điểm đến đầu tiên hoặc cuối cùng sẽ là Đà Nẵng - được lợi nhất. Có thể thấy, hiện Đà Nẵng có được lợi thế rất lớn so với nhiều điểm đến ở Việt Nam đứng từ góc độ “sự thuận lợi trong việc tiếp cận”. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy để trở thành yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế như chủ đề cuộc hội thảo do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức ngày 25.10 vừa qua.
Theo đề án Xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng, địa phương vẫn chưa được biết đến trong ngành du lịch quốc tế. Hầu hết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều đi du lịch trong vòng 2 tuần từ Bắc xuống Nam hoặc ngược lại. Có thể thừa nhận rằng một lượng lớn du khách lựa chọn không ghé ngang Đà Nẵng. Một bất lợi nữa là Tổng cục Du lịch cùng các tổ chức du lịch inbound không muốn thay đổi gì về lịch trình này.
Liên kết “biển xanh” với “đại ngàn”
“Việc “nối” sân golf Bà Nà với bến du thuyền tạo thành sự kết hợp đặc sắc (biển - rừng) của Đà Nẵng, khẳng định tính đẳng cấp cao bậc nhất khu vực của trung tâm du lịch quốc tế này trong tương lai”. ( PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) |
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mục đích của du lịch là tận hưởng sự trải nghiệm, du lịch của Đà Nẵng là du lịch biển nhưng “cơ bản cũng chỉ có tắm biển, ăn hải sản, rồi lại... tắm biển, ăn hải sản!”. Du khách không biết làm gì cho hết khoảng thời gian 3 ngày ở Đà Nẵng mà không chán. Những loại hình du lịch gắn với biển khác như lướt sóng, lặn biển, du ngoạn “thủy cung” hay du thuyền... chưa phát triển ở đây. Rõ ràng, Đà Nẵng còn thiếu nhiều loại hình du lịch, thiếu các yếu tố để du khách có thể tận hưởng sự trải nghiệm một cách phong phú và luôn mới. Đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có một khu tập trung các hoạt động thương mại cho khách giải trí, tiêu dùng thời gian và tiền bạc. Xung quanh các khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Đà Nẵng chưa có những điểm vui chơi sôi động ban đêm, vốn là những “tọa độ” sống - trải nghiệm - tận hưởng chủ yếu của khách du lịch. Thay vào đó, chủ yếu là hàng quán bình dân của người dân địa phương, chỉ phù hợp với loại hình du lịch bình dân. Kết cấu trung tâm du lịch như vậy là không tương thích, không tương xứng và làm lãng phí tiềm năng du lịch của Đà Nẵng.
Ông Thiên cho rằng Đà Nẵng cần làm phong phú các loại hình du lịch trải nghiệm đẳng cấp cao. Về mặt tiềm năng, Đà Nẵng đã có sẵn những loại hình này: du lịch văn hóa - tâm linh (nối Con đường di sản văn hóa thế giới miền Trung kéo dài từ Huế, qua Đà Nẵng, đến Hội An - Mỹ Sơn); phát triển dịch vụ, du lịch các di tích văn hóa - tôn giáo; phát triển các loại hình du lịch biển, nhấn mạnh bến du thuyền hạng sang trên thế giới kết hợp du lịch núi Bà Nà gắn với môn đánh golf ở sân golf Bà Nà “độc nhất vô nhị”. Mặt khác, Đà Nẵng cần liên kết Thừa Thiên Huế phát triển ý tưởng táo bạo hơn nữa như xây dựng khu vực Hải Vân - Chân Mây - Lăng Cô - Bạch Mã thành một trung tâm du lịch vùng thống nhất về mặt cấu trúc, với nhiều loại hình khác nhau mà 2 trục chính là du lịch núi và du lịch biển (bao hàm trong đó du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá). Rõ ràng, chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng càng mở tầm nhìn, càng mở rộng sự liên kết thì TP.Đà Nẵng càng đóng tốt hơn vai trò trung tâm du lịch đẳng cấp cao, càng được hưởng lợi ích phát triển chính đáng to lớn.
VĂN SANH
Bài cuối: “Nâng tầm” nguồn nhân lực