Những năm gần đây TP.Đà Nẵng đã tạo ra nhiều dấu ấn về phát triển du lịch. Lượng du khách đến thành phố tăng mỗi năm đã đặt kỳ vọng về một trung tâm du lịch ở miền Trung trong tương lai.
Nhiều lợi thế
Với lợi thế là địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung, có sự giao thoa của nền văn hóa Việt - Chăm, TP.Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ sự phong phú và đa dạng của nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Trong đó, với chiều dài đường biển hơn 70km, TP.Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước... được tạp chí Fobes của Mỹ bầu chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Không chỉ vậy, sự kết hợp xen kẽ giữa núi rừng, sông hồ trong lòng thành phố và các dãy núi cao phía tây giúp cho Đà Nẵng mang một vẻ đẹp đa dạng, có sự phóng khoáng, hùng vĩ của dãy đèo Hải Vân “đệ nhất hùng quan”; sự huyền bí, mờ ảo của Ngũ Hành Sơn, đỉnh Bà Nà quanh năm sương phủ, sông Hàn trôi giữa lòng phố,... là những thế mạnh du lịch. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là trung điểm và là điểm kết nối chính trong hành trình “Con đường di sản văn hóa thế giới miền Trung” và “Con đường xanh Tây nguyên”, tạo sự liên kết du lịch độc đáo “biển xanh” với “đại ngàn”.
khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort. |
Đặc biệt, Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, cảng biển, sân bay quốc tế lớn thứ ba Việt Nam và là điểm cuối ra biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) qua 4 quốc gia (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar). Vì vậy, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16.10.2003 “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 33) xác định “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế”. Trong đó, đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho TP.Đà Nẵng là “đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước”.
Thu hút du khách
Một loạt khách sạn đẳng cấp 5 sao ra đời dọc theo con đường bờ biển Sơn Trà – Non Nước – Hội An đã khẳng định đẳng cấp du lịch Đà Nẵng như Khách sạn Furama, Crowne Plaza Danang (548 phòng); khu nghỉ dưỡng Pullman Resort Danang (148 phòng); khu Hyatt Regency (409 phòng), khu Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort (được bình chọn là khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á 2014), Vinpearl Luxury Danang (200 phòng), Novotel Danang Premiere Han River Hotel (323 phòng); Trung tâm du lịch và quốc tế Silver Shores Hoàng Đạt; khu du lịch - sân golt của Vinacapial... Cùng với sự gia tăng của số lượt khách, doanh thu du lịch và tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch Đà Nẵng cũng gia tăng. Tổng lượng khách du lịch đến thành phố giai đoạn 2011 - 2013 đạt 8,15 triệu lượt khách (LK), bình quân 2,72 triệu LK/năm. Trong đó, khách quốc tế năm 2013 đạt hơn 743 nghìn LK, tăng 37,45% so với năm 2011, chiếm 9,69% so với tổng LK quốc tế đến Việt Nam. Tổng doanh thu du lịch của thành phố giai đoạn 2011 - 2013 là 18.208 tỷ đồng, bình quân đạt 6.069 tỷ đồng/năm (năm 2013 đạt 7.784 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 32,65%/năm.
Theo trung tâm xúc tiến du lịch TP.Đà Nẵng, nếu như 10 năm trước, vào năm 2004 Đà Nẵng chỉ có 90 khách sạn với tổng số 2.810 phòng, trong đó khách sạn đạt 5 sao “đếm trên đầu ngón tay” thì nay khác hẳn. Đến tháng 9.2014 Đà Nẵng đã có 427 khách sạn với tổng số 15.465 phòng, trong đó có 21 khách sạn 4 - 5 sao ( 3.924 phòng), 401 khách sạn 2 - 3 sao. Đến nay, thành phố đã có 71 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư là 8.181 triệu USD (gần 172 nghìn tỷ đồng), tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011, trong đó có 15 dự án FDI tổng vốn xấp xỉ 1.669 triệu USD. Năm 2013, xét trên lĩnh vực thu hút khách du lịch, Đà Nẵng chưa cạnh tranh với một số địa phương trong vùng, chỉ đứng thứ ba về tổng lượng khách và khách quốc tế. Cụ thể, lượng khách du lịch Đà Nẵng (hơn 3,1 triệu lượt khách), đứng sau tỉnh Bình Thuận (hơn 3,5 triệu) và Quảng Nam (3,4 triệu). |
Có thể nói, năm 2013 là “Năm bùng nổ du lịch” của Đà Nẵng bởi nhiều con số ấn tượng: 92 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa với 102.465 LK (tăng 91% so với năm 2012); lượng khách đường bộ từ Lào, Thái Lan đến Đà Nẵng đạt hơn 27 nghìn LK. Lượng khách quốc tế qua sân bay Đà Nẵng đạt 264.200 LK (tăng 80% so với năm 2012) với 20 đường bay quốc tế, gồm 5 đường bay trực tiếp thường kỳ và 15 đường bay trực tiếp thuê chuyến, tăng gấp 10 lần so năm 2011. Năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đã tác động lớn đến ngành du lịch cả nước. Tuy nhiên, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn duy trì được đà tăng trưởng ngoạn mục, trong 9 tháng đầu năm 2014 Đà Nẵng đã thu hút được trên 3 triệu LK (xấp xỉ cả năm 2013); trong đó khách quốc tế đạt trên 657 nghìn LK (chiếm 10,85% khách quốc tế cả nước), tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 7.831,7 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2013. Ngạc nhiên hơn, khách Trung Quốc ngày càng gia tăng và liên tục dẫn đầu đến Đà Nẵng 3 năm qua: 92.447 LK năm 2012, 105.665 LK năm 2013 và 205.171 LK trong 9 tháng đầu năm 2014 (gần gấp đôi số du khách Hàn Quốc – đông thứ 2 đến Đà Nẵng).
VĂN SANH