Trên cơ sở quy định về xây dựng trường học đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT, Huyện ủy Tây Giang đã ban hành Nghị quyết số 04/2011 về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp không ít khó khăn.
Kết quả bước đầu
Trên cơ sở các tiêu chí để công nhận trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định 36 và Thông tư 59 của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục Tây Giang đã từng bước đủ về số lượng, trình độ đào tạo trên chuẩn ngày càng cao; chất lượng giáo dục được nâng lên, học sinh các cấp học tham gia các hội thi đều đạt giải cao. Bên cạnh đó, xã hội hóa giáo dục tại các địa phương cũng được chú trọng, phụ huynh học sinh ngày càng nhận thức được trách nhiệm đối với việc học tập của con em mình, mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội gắn kết hơn.
Lớp học ghép cấp tiểu học tại Tây Giang. Ảnh: BHƠRIU QUÂN |
Theo ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD&ĐT Tây Giang, mới đầu tái lập huyện, số lượng đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất tạm bợ, chất lượng giáo dục thấp. Sau nhiều năm nỗ lực, số lượng giáo viên từ 237 người đã lên 634 người, chất lượng ngày càng nâng lên, trong đó có 1 thạc sĩ, 257 đại học, 123 cao đẳng, 158 trung cấp. Cũng theo ông Huỳnh Kim Tín, bên cạnh chăm lo công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, mạng lưới trường lớp cũng được đầu tư đồng bộ. Đến nay đã xây dựng 4 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 5 trường THCS, 1 trường nội trú THCS và 1 trường THPT, với tổng cộng 229 phòng học. Từ đó, công tác giáo dục huyện Tây Giang có những chuyển biến tích cực, ngày càng khởi sắc, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng theo năm, nhất là học sinh đúng 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh tốt nghiệp tiểu học tiếp tục vào học lớp 6; học sinh khá giỏi, đỗ vào các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Một số trường như Mầm non Họa Mi đã đạt được 4 tiêu chí, Tiểu học A Nông đạt 2 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đang được tập trung đầu tư để đạt chuẩn.
Với những cố gắng và thành quả đạt được, năm 2006 ngành giáo dục huyện Tây Giang đã được tỉnh công nhận là đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tại 10/10 xã; năm 2008 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tại 9/10 xã và đến nay 10/10 xã đạt chuẩn. Tháng 6.2013 trường Tiểu học xã Lăng được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Nhiều khó khăn
Tại hội nghị cấp ủy chuyên đề mới đây về công tác giáo dục huyện Tây Giang, nhiều ý kiến cho rằng, việc đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT không thể hoàn thành đúng tiến độ. Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện, do điều kiện kinh tế khó khăn nên ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục thấp, dẫn đến việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho hoạt động giáo dục. Tình trạng học sinh bỏ học hàng năm còn xảy ra, nhất là ở cấp học THCS và THPT, vì các em là lao động chính trong gia đình, ý thức học tập của các em chưa cao. Ngoài ra, trình độ đội ngũ giáo viên chưa đồng đều về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn còn cao. Việc luân chuyển giáo viên hàng năm cũng gây nhiều bất cập, những người có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, am hiểu phong tục bản địa thì lại chuyển về đồng bằng, trong khi những giáo viên mới ra trường, không hiểu nhiều tập quán Cơ Tu lại điều về giảng dạy tại các trường. Từ đó, việc chuyển giao ngôn ngữ giữa thầy và trò không thuận lợi.
Theo Nghị quyết số 04 của Huyện ủy Tây Giang, tiến độ xây dựng trường Tiểu học xã Lăng đạt chuẩn chậm 1 năm, còn trường Mầm non Họa Mi theo kế hoạch trong năm 2013 đạt chuẩn nhưng đến nay vẫn chưa đạt do thiếu phòng học, sân chơi, tường rào, cổng ngõ, trang bị đồ chơi ngoài trời, cây cảnh... Cũng theo ông Nguyễn Công Thành, trong năm 2014 việc xây dựng các trường Tiểu học A Nông, trường Mầm non Sơn Ca và năm 2015 xây dựng các trường THCS bán trú cụm xã Nguyễn Bá Ngọc, trường Tiểu học A Tiêng, A Xan và A Vương sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng giáo dục học sinh khá giỏi không đáp ứng được 50% theo tiêu chí; tỷ lệ học sinh yếu, kém, không biết đọc, viết còn nhiều, sự quan tâm của gia đình và xã hội chưa đảm bảo. Cơ sở vật chất cơ bản như phòng học, nhà công vụ, khu hiệu bộ, thư viện, nhà đa năng, sân chơi... còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ.
“Ngành giáo dục huyện đang tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đảm bảo đạt được các tiêu chí quy định, xây dựng thành công trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, nghị quyết chuyên đề về giáo dục sẽ được triển khai thực hiện thống nhất từ huyện đến xã” - ông Huỳnh Kim Tín phát biểu.
BHƠRIU QUÂN