Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Hướng đến chất lượng, bền vững

XUÂN PHÚ 24/10/2017 09:50

Xây dựng trường chuẩn quốc gia đang bước vào giai đoạn hướng đến chất lượng và bền vững, nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, đảm bảo điều kiện dạy - học với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách tốt nhất.

Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc) đạt chuẩn năm 2016. Ảnh: X.PHÚ
Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc) đạt chuẩn năm 2016. Ảnh: X.PHÚ

Nỗ lực đạt chuẩn

Theo Nghị quyết 11 (25.4.2017) của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 60% trường mầm non công lập, 90% tiểu học, 65% THCS, 40% THPT và đến năm 2025 lần lượt là 70%, 95%, 80%, 60%. Hiện tại, tỷ lệ này là 50%, 73,8%, 56% và 15%.

Trong những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp, chất lượng giáo dục nâng cao, nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực… Đáng chú ý, trong công tác xây dựng trường chuẩn, dù có số lượng trường học khá lớn và có đến một nửa địa phương là các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, song thành tích Quảng Nam đạt được khá tốt. Đến nay, nhiều địa phương đồng bằng như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh gần như hoàn thành xây dựng đạt chuẩn đối với các trường công lập; không chỉ vậy, nhiều trường còn đạt chuẩn mức độ 2 sau thời gian dài đạt chuẩn mức độ 1. Ngay cả các huyện miền núi cho dù gặp không ít khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, nhưng với quyết tâm của địa phương, ngành và sự hưởng ứng của phụ huynh cũng đã đem lại những thành quả khả quan. Thông tin từ Sở GD-ĐT cho biết, hiện 9 huyện miền núi đã có 73 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó một số địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn khá cao như Tiên Phước lên đến hơn 56% (xấp xỉ huyện Núi Thành), Nam Giang gần 46%. Tất nhiên, đối với các huyện miền núi cao như Tây Giang, Nam Trà My, việc xây dựng trường chuẩn rất khó khăn, nhất là khi nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất quá lớn. Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My - Võ Đăng Thuận chia sẻ, không như đồng bằng, kinh phí để xây dựng một trường đạt chuẩn tại địa phương không dưới 5 - 7 tỷ đồng, bởi có quá nhiều điểm trường lẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Chính vì vậy mà đến nay, toàn huyện mới chỉ có 2 trường đạt chuẩn. Dù vậy, địa phương cũng đang rất quyết tâm vận động nhiều nguồn lực để có thêm nhiều trường chuẩn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, đến nay huyện còn đến 15 trường chưa đạt chuẩn. Để nâng cao chất lượng trường chuẩn và hướng đến sự bền vững, thời gian qua huyện đã tập trung đầu tư hoàn thành các tiêu chí, ngoại trừ tiêu chí về cơ sở vật chất. Khó khăn lớn nhất đối với địa phương lúc này là nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, xác định chậm mà chắc, các trường sẽ từng bước đầu tư cơ sở vật chất để khi đạt chuẩn quốc gia sẽ mang tính bền vững và chất lượng.

Lộ trình cho THPT

Dẫn đầu 10 tỉnh miền Trung

Đến thời điểm này, cả tỉnh có 476 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ 58,4%. Đặc biệt, khối trường học do địa phương quản lý có số lượng trường đạt chuẩn khá nhiều; trong đó 135 trường mầm non (tỷ lệ 50,6%), 203 trường tiểu học (73,8%), 123 trường THCS (56%). Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên về trường chuẩn quốc gia. Và để triển khai thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, dù còn không ít khó khăn về nguồn lực, song toàn ngành sẽ tập trung xây dựng trường chuẩn theo hướng bền vững và chất lượng. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là trường đáp ứng đầy đủ, vững chắc tất cả tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giáo dục và phải có giải pháp để hoàn thiện, nâng chuẩn, làm thế nào để sau 5 năm kiểm tra lại sẽ đạt chuẩn ở mức cao hơn.

So với các trường THCS, tiểu học, mầm non, không quá khi cho rằng lộ trình xây dựng trường chuẩn ở bậc THPT “chậm chân” hơn cả chục năm trời. Năm 2000, cả tỉnh đã có một số trường tiểu học được Bộ GD-ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng mãi đến 2012, bậc THPT mới có trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên là Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Và phải mất một năm sau mới có thêm ngôi trường thứ 2 đạt chuẩn là Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) sau khi được đầu tư xây dựng tại địa điểm mới (lúc này cả tỉnh đã có 94 trường mầm non, 169 trường tiểu học và 103 trường THCS đạt chuẩn). Còn nhớ khi đó, “giật mình” với số lượng nhỏ nhoi trường THPT đạt chuẩn, Sở GD-ĐT mới bắt tay vào việc lập kế hoạch, lộ trình xây dựng trường chuẩn cho hệ thống trường THPT mà mình quản lý. Thế là một cuộc “chạy đua nước rút” được Sở GD-ĐT triển khai thực hiện với sự hưởng ứng của các trường. Rất may là nhờ sự quan tâm và đầu tư nguồn kinh phí khá lớn của tỉnh, chỉ trong 2 năm học 2013-2014 và 2014-2015, đã có thêm 10 trường THPT hoàn thành công tác trường chuẩn.

Sau giai đoạn “chữa cháy”, từ năm học 2015-2016, công tác xây dựng trường THPT chuẩn quốc gia bắt đầu đi vào ổn định khi Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể theo từng năm của từng trường cho cả giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, xây dựng trường chuẩn quốc gia là tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, thầy cô giáo giảng dạy. Với kế hoạch này, ngành đã và đang triển khai thực hiện theo đúng lộ trình. Đến nay, đã có 3 trường đầu tiên trong giai đoạn 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, nâng tổng số trường THPT đạt chuẩn quốc gia lên 15 trường. Trong 2 năm 2017 và 2018, ngành tập trung để có thêm 6 trường THPT đạt chuẩn theo kế hoạch, gồm: Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu (Tam Kỳ), Phổ thông DTNT Nước Oa (Bắc Trà My), Cao Bá Quát (Núi Thành), Phạm Phú Thứ (Điện Bàn), Trần Quý Cáp (Hội An). “Nỗ lực hoàn thành, nhưng ngành xác định không vì chỉ tiêu nào đó mà chạy theo thành tích. Hiện nay, sở chỉ đạo cho các trường chủ động trong đánh giá thực trạng và nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, lập đề án xây dựng trường chuẩn để tham mưu UBND tỉnh quan tâm đầu tư, các địa phương hỗ trợ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực. Với cách làm này, công tác xây dựng trường chuẩn sắp tới sẽ có được những kết quả tốt” - ông Quốc nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Hướng đến chất lượng, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO