Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Nỗ lực tạo đột phá

XUÂN PHÚ 03/11/2023 09:30

Xây dựng trường chuẩn quốc gia sau thời gian đạt được kết quả tốt đang có dấu hiệu chững lại, nhất là bậc THPT tỏ ra chậm chân so với các bậc học khác. Nếu không có nỗ lực để tạo ra bước đột phá mạnh mẽ sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 11 (ngày 25/4/2017) của Tỉnh ủy.

Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh (tại TP.Hội An) đạt chuẩn năm 2012 đến nay chưa được công nhận trở lại do cơ sở vật chất xuống cấp. Ảnh: X.P
Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh (tại TP.Hội An) đạt chuẩn năm 2012 đến nay chưa được công nhận trở lại do cơ sở vật chất xuống cấp. Ảnh: X.P

Đạt chuẩn rồi… nghỉ!

Trường Phổ thông DTNT THPT Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2012. Theo quy định, sau 5 năm nhà trường phải làm thủ tục để kiểm tra công nhận lại, song đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, ngôi trường đầu tiên đạt chuẩn của bậc THPT này vẫn chưa thể đề nghị kiểm tra.

Giải thích nguyên nhân, thầy Trần Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nhiều hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp nặng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp nên không thể đề nghị công nhận đạt chuẩn theo quy định.

Cuối năm 2022, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT THPT Quảng Nam với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025 với quy mô đầu tư xây mới khối nhà lớp học, thư viện, bộ môn, khối nội trú; sửa chữa, cải tạo nhà đa năng, các khu nội trú và một số hạng mục khác như khu giáo dục thể chất, tường rào, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa triển khai và rất khó để hoàn thành vào năm 2025 như kế hoạch. Vì vậy, đề nghị công nhận đạt chuẩn vẫn tiếp tục bị “treo” ít nhất là đến năm 2025.

Cùng cảnh ngộ “đạt chuẩn rồi …nghỉ” còn có 10 trường THPT khác, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất sau chu kỳ 5 năm. Điển hình như Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), được công nhận đạt chuẩn từ năm 2013 và là đơn vị hoàn thành công tác chuẩn hóa sớm thứ nhì ở bậc THPT của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay trường “rớt chuẩn” vì trong 10 năm chưa thể làm hồ sơ đề nghị công nhận chuẩn trở lại theo quy định.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tấn, các tiêu chí về kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia thì trường có thể đạt được mức 2 nhưng cơ sở vật chất lại không đáp ứng. “Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm của Sở GD-ĐT và UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư để được kiểm tra công nhận đạt chuẩn năm 2025 đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường” - thầy Tấn chia sẻ.

Nỗ lực tạo đột phá

Theo Sở GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại Quảng Nam vẫn tiếp tục là địa phương dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp học mầm non cả tỉnh hiện có 180 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (trong tổng số 226 trường) và số trường đã hết chu kỳ đạt chuẩn chưa đánh giá lại là 25. Kết quả ở trường tiểu học thấp hơn với 139 trường đạt chuẩn (trong tổng số 227 trường) và 49 trường hết hạn.

Tương tự, đối với cấp THCS có 132 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (trong số 218 trường) và 34 trường đã hết hạn. Các địa phương có tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cao của tỉnh là Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, Tam Kỳ, Điện Bàn...

Trong khi đó, số trường THPT đạt chuẩn quốc gia không như kỳ vọng. Trong tổng số 54 trường hiện chỉ có 12 trường đạt chuẩn và 11 trường đã hết chu kỳ kiểm định, còn đến 31 trường chưa được đánh giá, công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia.

So với bình quân cả nước về trường chuẩn quốc gia, ngoại trừ cấp mầm non có tỷ lệ cao hơn (68% so với 58%), các cấp học còn lại đều thấp hơn (tiểu học 61% so với 64%, THCS 60% so với 70%), nhất là đối với cấp THPT thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước (22% so với 49,8%). Đối chiếu với chỉ tiêu Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, đến năm 2025 số trường đạt chuẩn cần có thêm ở bậc mầm non là 4, tiểu học 77, THCS 44 và THPT 21.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, so với chỉ tiêu Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, đến thời điểm hiện nay, trừ bậc THPT, các bậc học còn lại đều tiệm cận là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự quan tâm đầu tư của các địa phương. Thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trường chuẩn kiên quyết không chạy theo thành tích, không du di nợ nần các tiêu chí cận chuẩn nữa mà phải làm quyết liệt hơn.

“Vì vậy, các trường học, nhất là trường THPT cần rà soát các tiêu chí của đơn vị mình, nhất là cơ sở vật chất, để có kế hoạch tham mưu tỉnh, địa phương đầu tư chuẩn hóa. Toàn ngành phải nỗ lực hơn, quyết tạo bước đột phá mới có thể hoàn thành nhiệm vụ” - ông Tường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Nỗ lực tạo đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO