Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Thành quả của sự đồng lòng

TƯỜNG VY 12/10/2015 09:08

Sự đồng lòng, chung sức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đã giúp cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Chung sức

Nếu đưa ra một dẫn chứng về sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, có lẽ công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là minh chứng sinh động nhất. Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn không chỉ của ngành hay trường học nào mà còn được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn xem là nhiệm vụ chính trị của mình. Các địa phương xác định cơ chế đầu tư “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nguồn kinh phí xây dựng trường chuẩn được “phân rã” theo hướng ngân sách cấp huyện thường chiếm 70%, còn 30% thuộc về trách nhiệm của địa phương cấp xã, huy động sự đóng góp trong các bậc phụ huynh, tổ chức xã hội. Bởi vậy, mẫu số chung của nhiều trường học được xây dựng đạt chuẩn gồm “phần cứng” như phòng học, trang thiết bị do ngân sách địa phương đầu tư, còn “phần mềm” như cổng ngõ, tường rào, sân trường là trách nhiệm của xã và phụ huynh đóng góp…

Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đạt chuẩn quốc gia năm 2015. Ảnh: T.VY
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đạt chuẩn quốc gia năm 2015. Ảnh: T.VY

Phú Ninh là một điển hình về xây dựng trường chuẩn. Dù còn nhiều khó khăn và mới được thành lập vào năm 2005, tuy nhiên Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Ninh rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người nói chung, xây dựng trường chuẩn nói riêng. Xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gần 10 năm qua, chỉ tính riêng nguồn đầu tư xây dựng cơ bản để tầng hóa, kiên cố hóa trường học, Phú Ninh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Các xã và phụ huynh cũng có sự đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng trường chuẩn. Thầy Nguyễn Quang Bữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Tam Đàn) cho biết, hàng năm xã tổ chức hội nghị giáo dục, xây dựng kế hoạch chỉ tiêu xây dựng trường và đưa vào nghị quyết HĐND xã để triển khai thực hiện. Chương trình được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình, tham gia đóng góp công sức để làm sân trường, cổng ngõ, trồng cây xanh. Với sự quan tâm lớn như vậy, đến nay tất cả 33 trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS trên địa bàn Phú Ninh đã được tầng hóa và kiên cố hóa khang trang. Đặc biệt 100% số trường học trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa Phú Ninh trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn.

Xây dựng trường chuẩn sẽ giúp cho học sinh có điều kiện học tập, nâng cao chất lượng. Ảnh: T.VY
Xây dựng trường chuẩn sẽ giúp cho học sinh có điều kiện học tập, nâng cao chất lượng. Ảnh: T.VY

Nhiều địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Thăng Bình cũng đã gặt hái được kết quả tốt trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia nhờ tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn của cả tỉnh. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 106 trường mầm non (44%), 185 trường tiểu học (68%) và 108 trường THCS (50,4%) đạt chuẩn quốc gia. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, tỷ lệ trường đạt chuẩn hiện nay đều vượt xa 8 - 14%. Trong 10 tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tỷ lệ trường đạt chuẩn của Quảng Nam cao nhất với 52,5% (bình quân của 10 tỉnh là 31,4%).

Chậm nhưng chắc

So với hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS thì xây dựng trường chuẩn ở bậc THPT “chậm chân” hơn khá nhiều. Trong khi các bậc học khác có cả trăm trường đạt chuẩn thì mãi đến cuối năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ có 2 trường đạt chuẩn là Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Thực trạng đó khiến cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín trong một lần làm việc với Sở GD-ĐT đã đưa ra câu hỏi: “Các trường mầm non, tiểu học, THCS phân cấp về cho địa phương quản lý thì số trường đạt chuẩn quốc gia rất nhiều, trong khi trường THPT do tỉnh quản lý quá ít trường đạt chuẩn, phải chăng do tỉnh chưa quan tâm?”.

Ngay sau đó, Sở GD-ĐT đã bắt tay vào cuộc với tinh thần khẩn trương song vẫn lấy phương châm “chậm nhưng chắc” làm định hướng. Ngoài việc chỉ đạo cho các trường THPT tập trung xây dựng trường chuẩn, tổ chức khảo sát thực trạng để có những giải pháp thực hiện, sở còn tích cực phối hợp với các địa phương, đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, bổ sung nguồn vốn đầu tư. Đầu năm 2015, có 11 trường THPT được UBND tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng với mục tiêu đạt chuẩn trong năm 2015. Kết quả, đến nay trong số này đã có 10 trường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn gồm Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Tiểu La (Thăng Bình), Nguyễn Hiền, Lê Hồng Phong (Duy Xuyên), Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc), Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), Nguyễn Trãi (Hội An), chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và chuyên Lê Thánh Tông. Như vậy, hiện tại toàn tỉnh có 12 trường THPT đạt chuẩn, tỷ lệ 22,2% và vượt 7,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, thời gian dài trước đây, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở bậc THPT chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ quan là việc đầu tư xây dựng trường lớp chủ yếu tập trung giải quyết bức xúc về phòng học dẫn đến nhiều trường gần đạt chuẩn, còn thiếu vài tiêu chí về cơ sở vật chất nhưng chưa quyết liệt tham mưu đầu tư; chưa phối hợp với các huyện, thành phố để mở rộng diện tích, huy động xã hội hóa đầu tư. Cùng với đó, hệ thống trường lớp bậc THPT phát triển quá nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Thời điểm tái lập tỉnh chỉ có 21 trường THPT nhưng đến nay đã tăng lên 55 trường. Ông Quốc khẳng định, không có chuyện chạy theo thành tích trong việc công nhận các trường THPT đạt chuẩn thời gian qua  và nhấn mạnh: “Có khá nhiều trường học đạt 4 trong số 5 tiêu chuẩn theo quy định, chỉ còn vướng vài tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích và chỉ cần tập trung đầu tư xây dựng thêm một vài hạng mục là các trường đảm bảo đạt chuẩn. Và thực tế là, những trường đạt chuẩn quốc gia vừa qua đều thuộc diện này”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc:
Coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp “trồng người”, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, trong nhiệm kỳ đến, ngành GD-ĐT tỉnh tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tích hợp và hiện đại. Trong đó, hướng đến chuyển hẳn từ quá trình giáo dục chủ yếu truyền đạt kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, gắn liền với việc rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng tư duy và kỹ năng sống, biết vận dụng kiến thức được học để giải quyết những vấn đề, tình huống nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.
Toàn ngành quyết tâm xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu; giữa các loại hình, giữa các vùng miền và giữa các cấp học. Sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề… Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường THPT chuyên của tỉnh.
Trong công tác định hướng nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS để đảm bảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tăng cường năng lực các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề của tỉnh đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tham mưu hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước. Bảo đảm cơ hội cho mọi người (nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách) được học tập để nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống.
Tham mưu với các cấp, các ngành tiến hành xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, đặt hàng và phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức thực hiện; lựa chọn, tiến cử cũng như tham mưu các cấp lãnh đạo có cơ chế tuyển dụng, chính sách ưu đãi hợp lý nhằm tạo động lực, thu hút sinh viên, giảng viên giỏi đã tham gia học tập và công tác từ các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước về công tác ở trường Đại học Quảng Nam và 2 trường THPT chuyên của tỉnh.B.T.V (ghi)

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Thành quả của sự đồng lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO