Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

XUÂN PHÚ 27/03/2019 04:54

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020” được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Và sau 2 năm triển khai, Sở GD-ĐT đã có đánh giá ban đầu về kết quả đạt được.

Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Ảnh: X.P
Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Ảnh: X.P

Nâng cao chất lượng

Có dịp đến thăm các trường mầm non, mẫu giáo như Hương Sen (Tam Kỳ), Sơn Ca (Hội An), Tiên Kỳ (Tiên Phước), hay Quế Châu (Quế Sơn), Đại Phong (Đại Lộc), Măng Non (Hiệp Đức)…, bên cạnh cơ sở vật chất khang trang, điều mà nhiều người có thể cảm nhận đó là hoạt động giáo dục rất sôi nổi. Ở các trường đó, “trẻ được tạo cơ hội thực hành, trải nghiệm, học mà chơi, chơi mà học”. Để có được kết quả này, ngoài sự quan tâm đầu tư của địa phương và ngành giáo dục, dấu ấn “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” thể hiện khá rõ nét.

“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” là quan điểm giáo dục nhằm đẩy mạnh đổi mới hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non theo tinh thần đổi mới. Vì vậy, chủ trương này sau khi được Bộ GD-ĐT đưa ra đã được toàn ngành hưởng ứng tích cực. Theo bà Trương Thị Thu Nguyệt - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chọn 5 trường mẫu giáo, mầm non đại diện cho các vùng làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình, làm cơ sở để triển khai, nhân rộng. Ngoài 5 trường điểm gồm Hương Sen (Tam Kỳ), Sơn Ca (Hội An), Tiên Kỳ (Tiên Phước), Bình Minh (Thăng Bình) và Đại Đồng (Đại Lộc), các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức thực hiện điểm tại 52 trường. Sau 2 năm triển khai, đến nay, tất cả trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện với đầy đủ 5 nội dung theo yêu cầu của chuyên đề.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, phần lớn các trường đã xây dựng được cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ. Bà Trương Thị Thu Nguyệt cho biết thêm, có thể thấy môi trường trong và ngoài lớp học được các trường xây dựng theo hướng mở, bố trí đa dạng, phong phú, các góc chơi đáp ứng yêu cầu hoạt động trải nghiệm của trẻ. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm cũng có được sự chuyển biến rõ rệt. Giáo viên sáng tạo trong việc thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục tại trường. Đồ dùng, đồ chơi tự làm phong phú, đa dạng, mang tính giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ. “Qua triển khai chuyên đề, các cháu được trực tiếp trải nghiệm, khám phá tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng làm trẻ thích thú, mạnh dạn, tự tin, tự do thể hiện ý tưởng khi tham gia các hoạt động. Từ đó, giúp trẻ lĩnh hội đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, đặc biệt là phát triển năng lực bản thân” - bà Nguyệt nói.

Tạo môi trường cho trẻ phát triển

Theo đánh giá của ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, sau 2 năm thực hiện chuyên đề, có thể nói giáo dục mầm non đã được toàn ngành và các địa phương đặt đúng vị trí, vai trò của nó. Qua đó góp phần khẳng định, đây là bậc học có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển sau này của học sinh. “Trước đây bậc học mầm non chưa được coi trọng đúng mức, nhưng bây giờ đã khác. Nhờ đó, giáo dục mầm non cả tỉnh tạo ra được môi trường cho trẻ phát triển, nhận được sự đồng thuận cao trong phụ huynh, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến trong đội ngũ giáo viên về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ” - ông Quốc chia sẻ.

Khẳng định quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ tạo ra suy nghĩ tích cực cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên đối với bậc học mầm non, ông Quốc cho rằng, đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện trong các cấp chính quyền, bậc phụ huynh. Điều này thể hiện rõ qua sự quan tâm đầu tư khá lớn nguồn lực cho phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Trước đây, rất ít trường mầm non có cơ ngơi khang trang, nhưng hiện nay hầu hết được đầu tư xây dựng kiên cố, tầng hóa, cảnh quan sạch đẹp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc học mầm non đến nay đạt hơn 52%. Ngoài ra, có thể kể đến những con số cho thấy bậc học mầm non có sự phát triển vượt bậc như 100% trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO