Xây dựng trường THPT đạt chuẩn: Đầu tư dứt điểm từng trường

XUÂN PHÚ 11/07/2018 10:48

Tại buổi làm việc mới đây với các sở, ngành chức năng về kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia từ nay đến năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đầu tư phải trọng điểm và dứt điểm, trường nào xong phải đảm bảo đạt chuẩn.

Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) theo kế hoạch sẽ đạt chuẩn trong năm 2018. Ảnh: X.PHÚ
Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) theo kế hoạch sẽ đạt chuẩn trong năm 2018. Ảnh: X.PHÚ

Chậm tiến độ

Trong 2 năm 2015 và 2016, công tác xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khá tốt.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong thời gian này, đã có 13 trường được công nhận đạt chuẩn, đưa tổng số trường THPT toàn tỉnh đạt chuẩn lên con số 15.

Trước đó, cả tỉnh chỉ có 2 trường đạt chuẩn là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (năm 2012) và THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ (năm 2013).

Đáng chú ý, bên cạnh các trường có truyền thống dạy và học, ở những địa phương điều kiện thuận lợi còn có một số đơn vị mới thành lập, nằm ở những vùng khó khăn song đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn như Đỗ Đăng Tuyển, Chu Văn An (Đại Lộc), Hiệp Đức, Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Lê Hồng Phong (Duy Xuyên), Hùng Vương (Thăng Bình).

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường chuẩn giai đoạn sau năm 2016 bị chậm lại và không đạt kết quả như mong muốn. Cụ thể, theo kế hoạch được ngành GD-ĐT đề ra, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có thêm 15 trường đạt chuẩn; trong đó 2 năm gần nhất 2017 và 2018 đặt ra mục tiêu 6 trường đạt chuẩn (mỗi năm 3 trường). Thế nhưng, năm 2017 vừa qua không có thêm trường THPT nào của tỉnh ghi tên vào danh sách đạt chuẩn.

Và đến nay, khi mà năm 2018 đã đi được nửa chặng đường, song chỉ có 2 đơn vị theo kế hoạch đạt chuẩn năm 2017 mới được kiểm tra kỹ thuật hoàn thành các tiêu chí, đang chờ quyết định công nhận chính thức là THPT Cao Bá Quát (Núi Thành) và Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My). Trường hợp còn tồn của năm 2017 là THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) và 3 trường của kế hoạch năm 2018 gồm Phan Bội Châu (Tam Kỳ), Trần Văn Dư (Phú Ninh) và Lương Thế Vinh (Điện Bàn) vẫn chưa đạt.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc chia sẻ, việc chậm tiến độ trên là do các trường chưa đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất, dù các tiêu chí khác đã hoàn thành như tổ chức nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng và các hoạt động giáo dục… Chẳng hạn, Trường THPT Lê Quý Đôn hay Phan Bội Châu đều chỉ còn thiếu khu nhà hiệu bộ cần được đầu tư khang trang là đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn. Hay như Trường THPT Lương Thế Vinh có nhu cầu xây dựng 12 phòng học và phòng bộ môn là đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất. Tương tự, Trường THPT Trần Văn Dư cũng còn thiếu một số phòng học.

Đầu tư dứt điểm

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, ông Quốc cho biết, Nghị quyết 11 (25.4.2017) của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 40% số trường THPT của tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Tính theo thời điểm hiện nay cả tỉnh có 55 trường thì số đơn vị phải đạt chuẩn tương đương với 22 trường. Điều đó cũng có nghĩa, với 15 trường đã đạt chuẩn, cần phải có thêm ít nhất 7 - 8 trường đạt chuẩn trong thời gian tới mới hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết. Vì vậy, ngoài 4 trường tập trung đầu tư trong năm 2018, một số trường khác tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư vào các năm sau theo lộ trình, kế hoạch.

“Để giúp các trường hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất, trước mắt cần tập trung đầu tư cho 4 trường. Trong đó trường Lê Quý Đôn và Phan Bội Châu xây dựng khu nhà hiệu bộ, trường Lương Thế Vinh 6 phòng học và 6 phòng bộ môn, trường Trần Văn Dư 18 phòng học và 8 phòng bộ môn. Ngoài ra, một số đơn vị cũng cần được quan tâm đầu tư như trường Duy Tân (Tam Kỳ) chưa có khu giáo dục thể chất hay trường Trần Quý Cáp (Hội An) cần xây mới khối nhà lớp học do xuống cấp nặng” - ông Quốc kiến nghị.

Đồng tình với đề xuất của Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Phạm Tấn Minh cho biết, hiện nay 3 trường đã có chủ trương, kế hoạch đầu tư xây dựng các hạng mục theo nhu cầu xây dựng trường chuẩn của các đơn vị. Trong đó, trường Phan Bội Châu 10 tỷ đồng, 2 trường Trần Văn Dư và Lương Thế Vinh mỗi trường 5 tỷ đồng. Riêng đề xuất đầu tư khu hiệu bộ cho trường Lê Quý Đôn, ông Minh cho biết, vì trường này vừa được đầu tư xây dựng dãy phòng học tầng gần 7 tỷ đồng hiện vẫn chưa quyết toán nên không thể tiếp tục lập danh mục đề nghị đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư tỉnh rà soát tất cả trường học chưa đạt chuẩn, xây dựng lộ trình và chọn thứ tự ưu tiên để tập trung đầu tư hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư xong nhưng các trường vẫn không thể công nhận đạt chuẩn do chưa đáp ứng yêu cầu hoặc đầu tư dàn trải. Đề nghị các đơn vị rút kinh nghiệm từ trường Duy Tân đầu tư xây mới hay trường Lê Quý Đôn vừa xây xong khối nhà lớp học nhưng không thể đạt chuẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu các ngành khi đầu tư phải có trọng điểm, giải quyết dứt điểm, trường nào xong phải đảm bảo các yêu cầu đạt chuẩn. Trước mắt, tập trung đầu tư cho 3 trường Trần Văn Dư, Lương Thế Vinh, Phan Bội Châu đạt chuẩn trong năm 2018. Những trường trong danh mục xây dựng trường chuẩn đến năm 2020 sẽ được tiếp tục tập trung đầu tư để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường THPT đạt chuẩn: Đầu tư dứt điểm từng trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO