Cần một cơ chế đủ mạnh để tạo đột phá phát triển đô thị Tam Kỳ đạt tiêu chí đô thị loại 1 theo chủ trương của Tỉnh ủy.
Chưa tạo đột phá
Theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa để cụ thể hóa nghị quyết Đại hội.
Đến nay, Thành ủy đã ban hành 10 nghị quyết chuyên đề trên hầu hết lĩnh vực trọng yếu; xây dựng kế hoạch đầu tư khớp nối hạ tầng giao thông, thoát nước (32 dự án), đầu tư xây dựng các khu dân cư - tái định cư, dự án các khu đô thị, nhà ở xã hội (28 dự án).
Việc triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng đô thị loại 1 được tập trung quyết liệt. Trong đó, triển khai xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu liên kết vùng, hạ tầng kỹ thuật - xã hội hướng đến đô thị xanh, văn minh; bao gồm các dự án giao thông trọng điểm (đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Hoàng, đường N10, đường trục chính Khu công nghiệp Tam Thăng, quốc lộ 40B đoạn từ dốc Diên Hồng đến biển Tam Thanh).
Thành phố đã xây dựng dự án nâng cao năng lực thoát lũ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng và được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ODA. Trong số 32 dự án với tổng mức gần 1.700 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, đến nay đã có 24 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, 8 dự án đang hoàn chỉnh để trình phê duyệt trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện nay vẫn còn một số điểm nghẽn gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như chưa tạo được sự đột phá trong đầu tư xây dựng đô thị loại 1.
Tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ ngày 30.3, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì, thành phố có 8 kiến nghị, đề xuất.
Trong đó, đề nghị cần sớm ban hành cơ chế đặc thù đủ mạnh để tạo đột phá trong đầu tư phát triển đô thị Tam Kỳ theo tinh thần Nghị quyết 08 (4.5.2021) của Tỉnh ủy; bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai các dự án động lực; bổ sung có mục tiêu cho thành phố 100 tỷ đồng/năm để thực hiện khớp nối hạ tầng đô thị.
Địa phương cũng đề nghị tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ theo định hướng kết nối liên vùng, làm cơ sở hình thành đô thị loại 1.
Xây dựng cơ chế phù hợp
Ủng hộ đề xuất của TP.Tam Kỳ, Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng, phải xác định đầu tư cho Tam Kỳ không phải cho một đơn vị hành chính như các địa phương khác mà đây là bộ mặt của tỉnh.
Tỉnh chưa có cơ chế nên Tam Kỳ luôn thiếu nguồn lực để đầu tư, xây dựng trung tâm tỉnh lỵ xứng tầm. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh nhấn mạnh: “Tam Kỳ cần một cơ chế đặc thù hơn là vài trăm tỷ đồng hỗ trợ để xây dựng đô thị tỉnh lỵ”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung Tam Kỳ là phù hợp và sẽ giao cho địa phương thực hiện. Tuy nhiên, thành phố cần rà soát chương trình phát triển đô thị, phải phù hợp với chương trình phát triển của tỉnh.
Liên quan đến cơ chế đặc thù phát triển đô thị loại 1, ông Thanh cho rằng rất cần thiết, làm sao kích thích Tam Kỳ thu hút được nguồn thu từ xã hội và sẽ giao cho một cơ quan chủ trì tham mưu trình HĐND tỉnh.
Đồng thời thực hiện sáp nhập địa giới hành chính 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh càng sớm càng tốt để đảm bảo thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị loại 1 thuận lợi, bền vững hơn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đánh giá cao kết quả đạt được của Tam Kỳ trong thời gian qua, đồng thời cho rằng những gì làm được chưa đủ sức mạnh để thúc đẩy Tam Kỳ phát triển như kỳ vọng.
Liên quan đến các kiến nghị của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cơ bản đồng ý, trong đó ủng hộ việc sớm ban hành cơ chế đặc thù đối với đô thị Tam Kỳ; bổ sung các dự án động lực vào kế hoạch đầu tư công, khi xuất hiện nguồn sẽ bố trí.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị Đảng bộ, chính quyền Tam Kỳ nỗ lực hơn nữa, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường phát triển thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục, đặc biệt quan tâm hơn đến phát triển văn hóa và các thiết chế. Tập trung công tác điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp, xây dựng chương trình nhà ở đô thị; quy hoạch đội ngũ cán bộ chất lượng...