Xây dựng văn hóa giao thông an toàn: Nêu gương từ người có trách nhiệm

NGỌC BÍCH 06/04/2023 06:48

Thực hiện Năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” không chỉ nhằm nâng cao ý thức, nhận thức đúng đắn từ phía người dân, mà còn rất cần sự nêu gương của người có trách nhiệm.

Cảnh sát giao thông Công an thị xã Điện Bàn tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến ĐT609. Ảnh: TCT
Cảnh sát giao thông Công an thị xã Điện Bàn tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến ĐT609. Ảnh: TCT

Chưa thật sự nêu gương

Khi xây dựng chủ đề của Năm an toàn giao thông (ATGT) 2023, Ủy ban ATGT quốc gia đã đánh giá, rút ra nguyên nhân chủ quan của những hạn chế khiến tai nạn giao thông (TNGT) giảm chưa bền vững. Trước hết, công tác quản lý nhà nước liên quan tới bảo đảm trật tự ATGT, nhất là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định ATGT đối với đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa còn hạn chế.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự ATGT có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng chưa quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.

“Thực hiện chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” còn nhằm mục đích nêu gương “thượng tôn pháp luật” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về trật tự ATGT” - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.

Tại Quảng Nam, đến bây giờ có chính quyền địa phương còn “nặng” tư tưởng công tác bảo đảm trật tự ATGT là của riêng ngành công an và GTVT. Thế nên, “chợ cóc” mọc trên đường không được xử lý ngay từ lúc mới manh nha. Mặc dù đã phân cấp, song có địa phương còn hời hợt trong quản lý, kiểm tra tại bến ngang sông chở khách, bến tự phát tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT.

Việc khảo sát thường xuyên nhằm đánh giá “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ để xóa hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục chưa kịp thời. Chủ bến, người điều khiển phương tiện để hành khách không mặc áo phao khi vận chuyển qua sông vẫn tiếp diễn.

Vi phạm hành lang an toàn đường bộ đang là vấn đề nhức nhối. Một đơn vị được giao bảo trì tuyến cho biết, chính quyền sở tại thiếu quan tâm quản lý hiện trạng, xử lý hoặc phối hợp xử lý không dứt điểm vi phạm của công dân thì hành lang sẽ bị lấn chiếm dài dài.

Việc nêu gương tuân thủ quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, cho nên mới có chuyện bí thư cấp thôn, thậm chí phó bí thư cấp xã đi xe máy mà đầu lại đội mũ bảo hộ lao động, chứ không phải mũ bảo hiểm.

Nguồn nhân lực mỏng, nhưng công tác phối hợp liên ngành để tuần tra kiểm soát khép kín, đảm bảo con người có đủ chức năng thực thi công vụ từ cấp tỉnh, đến cấp huyện còn theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

 Siết chặt quản lý

Thực hiện chủ đề Năm ATGT 2023 và đứng trước thực trạng TNGT diễn biến hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc biện pháp đảm bảo ATGT. Kế hoạch Năm ATGT 2023 do Ban ATGT tỉnh ban hành cũng đã nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải có ý thức, hành động nêu gương.

Trong đó, người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt và yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ký cam kết tuyệt đối tuân thủ pháp luật về ATGT.

Thanh tra Sở GTVT tuần tra lưu động, sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển hàng hóa. Ảnh: N.B
Thanh tra Sở GTVT tuần tra lưu động, sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển hàng hóa. Ảnh: N.B

Nghiêm cấm can thiệp hoặc tiếp nhận can thiệp vào việc kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác theo quy định của pháp luật. Công an phải gửi thông báo hành vi vi phạm đến cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm, kể cả lực lượng vũ trang để có biện pháp xử lý…

Theo ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, việc rà soát, đánh giá vị trí có nguy cơ gây mất ATGT không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành GTVT, mà phải có sự phối hợp, đề xuất của ngành công an, của UBND và Ban ATGT cấp huyện, xã.

Riêng Sở GTVT phải lập phương án đảm bảo ATGT sau khi rà soát theo phân cấp; dự toán kinh phí thực hiện từng giai đoạn theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, vị trí nào nguy cơ mất ATGT cao hoặc cần kinh phí xử lý ít như cắm biển báo, gờ giảm tốc, đèn cảnh báo thì ưu tiên thực hiện trước.

Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, giám sát việc tuân thủ của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã; xử lý nghiêm tình trạng lập bộ phận ATGT chỉ để đối phó, thiết bị giám sát có cũng như không.

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tập trung tuần tra, kiểm soát các điểm “nóng” về TNGT, vị trí có lưu lượng phương tiện tập trung cao, khung giờ có nguy cơ xảy ra TNGT.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng của công an tỉnh, công an cấp huyện, Thanh tra Sở GTVT và các lực lượng chức năng khác trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ được tăng cường.

Công an tỉnh còn có trách nhiệm tham mưu văn bản cho Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong khối hành chính nhà nước từ tỉnh đến địa phương và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phải thực nghiêm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần xây dựng môi trường lưu thông an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn: Nêu gương từ người có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO