Xây dựng văn hóa pháp đình

LÊ VĂN LAI (ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) 06/01/2016 09:12

Một trong những yếu tố mang tính tiền đề để bảo vệ quyền con người giữa ranh giới mong manh có tội và vô tội trong các vụ án hình sự là phải xây dựng nền văn hóa pháp đình trong công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Khi tiến hành xét xử một vụ án, thẩm phán không chỉ dựa vào pháp luật và chứng cứ đơn thuần để quyết định một con người có chịu chế tài khắc nghiệt, nhất là chế tài hình sự hay không, mà còn phải “sống” với những trăn trở, những ẩn ức của từng thân phận.

Cấu trúc không gian văn hóa pháp đình, vì thế không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa người cầm cân nảy mực với từng số phận được mặc định trong cái vòng cung hạn hẹp của chiếc vành móng ngựa. Sự hiện diện của rất nhiều chủ thể khác nhau, với những lợi ích và mục tiêu hành xử khác nhau, tạo ra không gian đa chiều trong các hành vi ứng xử, mà các hành vi ấy tùy thuộc vào tri thức, nhận thức, trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống của mỗi người. Nói tới không gian văn hóa pháp đình không chỉ là bản “nội quy” cứng nhắc treo trước cánh cửa phòng xử hay thư ký phiên tòa phổ biến trước giờ xử án; và không thể buộc số bị cáo (những người bị nghi là có hành vi phạm tội có thể do thiếu hiểu biết hoặc trình độ văn hóa thấp) phải có hành vi ứng xử văn hóa. Vì thế, nhận thức và ứng xử trong văn hóa pháp đình trước hết và chủ yếu là yêu cầu rất cao đối với những người tiến hành tố tụng và lực lượng người bào chữa, trong đó có luật sư (nhân vật trung tâm của cải cách tư pháp).

Như bản thân vị trí của Mặt trời trong thái dương hệ, hạt nhân của không gian văn hóa pháp đình tựu trung là những giá trị và chuẩn mực ứng xử hướng đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Không ai có thể phủ nhận dấu ấn quyền lực thấm đậm trong bản chất của hoạt động xét xử như một đặc trưng của quyền lực tư pháp, nhưng làm sao thứ quyền lực công ấy phải chứa đựng trong mình và biểu hiện ra thực tế tính nhân văn, nhân bản và bản chất nhân đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa. Suy ngẫm về điều này mới thấy được sự sâu xa, thấm thía trong câu kết luận giản dị, chân phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư pháp: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời, và làm người”.

Hiện diện vào tâm điểm trong không gian văn hóa pháp đình có thể nói chính là vị trí đặc biệt của văn hóa tranh tụng. Cội rễ của văn hóa tranh tụng là sự bảo đảm cơ hội ngang nhau trong việc trình bày quan điểm buộc tội và gỡ tội, không đánh đồng người bào chữa như là kẻ đồng hành của tội phạm và phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Sản phẩm kết tinh của văn hóa pháp đình chính là bản án của Tòa án.

Đối với quá trình cải cách tư pháp, một trong những yêu cầu đặt ra là văn hóa pháp luật nói chung, không gian văn hóa pháp đình nói riêng phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể từ quá trình xây dựng các dự án luật, dự án pháp lệnh đến quá trình thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật được ban hành. Hệ thống pháp luật đầy đủ cùng với văn hóa nơi pháp đình ngày được nâng cao là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp của nước ta hiện nay. Việc xây dựng không gian văn hóa pháp đình chính là động thái cơ bản trong quá trình hoàn thiện tính thượng tôn pháp luật. Có thể nói, vấn đề thiết lập một không gian văn hóa pháp đình là tâm điểm của việc thực thi quyền lực của Nhà nước, góp phần ổn định xã hội của một quốc gia.

LÊ VĂN LAI
(ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng văn hóa pháp đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO