Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, việc xây dựng vùng nguyên liệu mây tre lá đạt chuẩn sẽ thúc đẩy phát triển làng nghề.
Đây là một trong những nội dung được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… bàn luận tại tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh tổ chức vào chiều 10.8. Chương trình được tổ chức thông qua Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ.
Tiềm năng lớn
Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, rừng tự nhiên ở Quảng Nam được các tổ chức thế giới đánh giá là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế. Trong đó, nguồn mây tre với sản lượng lớn, mở ra cơ hội phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ, hướng đến xuất khẩu thị trường trong và ngoài nước.
Ngày 7.7.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 801 về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều giải pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất đạt 4 tỷ USD đến năm 2025 và đạt 6 tỷ USD đến năm 2030. Theo quyết định này, việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đạt 474 triệu USD, là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong lâm sản ngoài gỗ.
Theo Sở NN&PTNT, qua khảo sát, Quảng Nam hiện có hơn 20 loài mây, phân bổ rộng khắp tại khu vực ven sông suối, dưới tán rừng thuộc địa bàn các huyện miền núi. Trong đó, có loài cho sản lượng và giá trị cao, được thu mua rộng rãi như mây nước, song mây, mây đắng, mây nếp...
Hầu hết diện tích rừng tự nhiên có tiềm năng khai thác và phát triển các loài mây tự nhiên. Do vậy, dự kiến xác định và xây dựng vùng nguyên liệu mây tre lá bền vững, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 463.357ha.
Từ nguồn nguyên liệu mây tre lá, mỗi năm, Quảng Nam cung cấp sản lượng khoảng 7.000 tấn, chủ yếu là mây khai thác từ rừng tự nhiên. Tại các huyện miền núi, ước tính có khoảng 800 người khai thác mây; 1.500 người tham gia vào quá trình sản xuất mây ở các huyện đồng bằng, với 8 hợp tác xã và 12 công ty hoạt động trong chuỗi mây tre lá.
Mặc dù tiềm năng nguyên liệu rất lớn, nhưng Quảng Nam đang gặp những “rào càn” nhất định khiến hiệu quả các hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu từ mây chưa được như ý muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài xây dựng vùng nguyên liệu chưa bền vững, ổn định thì chiến lược tiếp thị sản phẩm và kết nối thị trường chưa được quan tâm thực hiện một cách hiệu quả.
Trong khi đó, kế hoạch phát triển và quản lý còn thiếu; chưa mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; việc đầu tư chế biến sâu các sản phẩm để tạo ra thị trường rộng lớn, bền vững chưa đáp ứng theo chuỗi giá trị chuyên sâu…
Để tìm các giải pháp tốt nhất nhằm tháo gỡ các khó khăn, thách thức, ông Bửu đề nghị cần xác định lộ trình và các nguồn lực trong xây dựng, quản lý. Đồng thời phát triển các nguồn nguyên liệu mây tre lá, cũng như vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững trong nước gắn với các làng nghề, đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác có vùng nguyên liệu mây tre lá.
Xác lập vùng nguyên liệu đạt chuẩn
TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (làng tre Phú An; tỉnh Bình Dương) cho rằng, để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, bên cạnh nỗ lực của các nhà đầu tư, rất cần chủ trương hỗ trợ của Nhà nước.
Đây được xem là giải pháp bền vững giúp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu tập trung, góp phần tăng giá trị làng nghề, cũng như nâng cao thu nhập cho chính người dân tạo ra sản phẩm. “Các vùng nguyên liệu này phải có sự tác động của khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm có giá trị, thân thiện với môi trường. Làm được như vậy thì sẽ không còn tình trạng bán sản phẩm thô, giá trị thấp như hiện nay” - bà Hạnh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo xây dựng các vùng nguyên liệu có chứng chỉ, đảm bảo phát triển bền vững, gắn với ngành nghề và du lịch nông thôn.
“Từ hội thảo này, chúng tôi sẽ chỉ đạo tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ở mỗi tỉnh để nâng cao chất lượng của vùng nguyên liệu. Đồng thời tạo sự liên kết giữa hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất đạt 4 tỷ USD đến năm 2025 và đạt 6 tỷ USD đến năm 2030” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thông qua Dự án VFBC, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đang triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững, trong đó bao gồm hoạt động phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ bền vững, cụ thể là chuỗi giá trị mây tre lá tại 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam.
Hoạt động này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các làng nghề mây tre lá, các đơn vị xuất khẩu, mà còn góp phần thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ các bon từ rừng.