Tiên Phước là vùng trung du có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch làng quê, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh; là vùng đất hội tụ các giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống tiêu biểu đặc trưng của làng quê Quảng Nam đang có cơ hội phát triển một khi Đề án 548 được ban hành và triển khai thực hiện.
Vùng đất giàu tiềm năng
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khẳng định: “Làng quê Tiên Phước hình thành lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của làng quê Quảng Nam. Đó là không gian thiên nhiên, môi trường, gắn kết thân thiện, mật thiết giữa con người với nhà ở, vườn tược, giếng nước, ao cá, ngõ đá, ruộng đồng… Trong vườn cơ cấu nhiều loại cây trồng đa dạng, đa tầng tạo nên cảnh quan đẹp. Các làng quê còn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp, phong cách ứng xử thân tình, hiếu khách của người dân. Một dấu ấn đặc trưng nữa của làng quê Tiên Phước đó là không gian văn hóa đá, xứ sở của ngõ đá”. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có 34 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó 2 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hơn 60 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm. Tiên Phước còn có nhiều danh thắng như sông Tiên, bãi đá Lò Thung, thác Vũng Dội, thác Ồ Ồ, Hang Dơi, thác Vực Vin, thác Cẩm Lãnh… Nơi đây còn là xứ sở của các loại cây đặc sản của tỉnh như hồ tiêu, lòn bon, thanh trà, sầu riêng, măng cụt… Người dân luôn chú trọng kết hợp phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình làng vườn văn hóa, tiêu biểu như làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh), làng Thanh Bôi, làng Thanh Khê (xã Tiên Châu) có giá trị rất lớn về kinh tế và phát triển du lịch sinh thái.
Thông qua các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, mô hình vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn Tiên Phước. |
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu, mặc dầu chưa có được sản phẩm du lịch cụ thể nhưng Tiên Châu đã được nhiều nhà nghiên cứu, du khách gần xa đến tham quan, khám phá, trải nghiệm và đánh giá cao các thắng cảnh của địa phương như thác Ồ Ồ và thác Ổ Diều, không gian nhà cổ gắn với vườn cây trái đặc sản… Hiện Tiên Phước có 140 mô hình gia trại nông nghiệp và hàng trăm mô hình vườn đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Nhân dân trong huyện còn chú trọng duy trì và phát triển nhiều ngành nghề thủ công, mỹ nghệ như trầm hương, trầm cảnh, đan lát, làm vật liệu gia dụng từ tre, nứa, mây, sản xuất chế biến trà, rượu từ các nguyên liệu cây trồng, vật nuôi tại địa phương như lòn bon, tiêu, quế, gừng, chuối, thanh trà, nấm lim xanh, ong... Mới đây, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh đã công nhận 2 sản phẩm của huyện gồm “Trà nấm lim xanh” của Cơ sở sản xuất Nguyễn Xuân Lực, xã Tiên Cảnh và “Nhang trầm hương” của Công ty MTV Xứ Tiên đoạt giải B (không có giải A) sản phẩm tiêu biểu nhóm chế biến nông, lâm và đồ uống năm 2016.
Chủ động phát huy lợi thế
Năm 2012, HĐND huyện Tiên Phước ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV-KTTT) trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2016; năm 2014, UBND huyện xây dựng dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018” được UBND tỉnh phê duyệt và đồng ý hỗ trợ mỗi năm 1 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ này đã trở thành động lực thúc đẩy KTV-KTTT trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả kinh tế cao, mô hình tiêu quy mô hơn 100 choái, vừa tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vừa tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp làm cho bộ mặt nông thôn mới thêm khởi sắc. Bà Huỳnh Thị Nha ở tại thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu chia sẻ: “Được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tôi đã cải tạo vườn nhà trồng hơn 100 choái tiêu. Còn gia đình con trai tôi trồng 500 choái tiêu vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa tạo cảnh quan đẹp cho làng quê”. Cùng với đó, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, tạo diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp.
Ông Hường Văn Minh cho biết, những năm qua huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, khuyến khích người dân giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng vườn xanh sạch, đẹp, hiệu quả; bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử; kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch sinh thái làng quê. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vì thế, huyện tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án “Phát triển KTV-KTTT gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025” theo định hướng của tỉnh (gọi tắt là Đề án 548), nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế hỗ trợ, huy động, lồng ghép các nguồn lực, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của huyện, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, tạo ra mô hình không gian văn hóa đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam tại huyện Tiên Phước, phấn đấu tăng giá trị kinh tế vườn từ 60 triệu đồng/ha (năm 2016) lên 100 triệu đồng/ha (năm 2025), tăng tỷ trọng KTV-KTTT trong sản xuất nông nghiệp từ 45% (năm 2016) lên hơn 70% (năm 2025), thu nhập xã hội từ du lịch đạt 25 tỷ đồng (năm 2020) và 50 tỷ đồng (năm 2025). Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Cơ chế để phát triển KTV-KTTT Tiên Cảnh là một trong 3 xã của huyện Tiên Phước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015. Tiên Cảnh cũng là một trong 2 xã của huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái làng quê. Do nguồn lực hạn chế, việc duy trì và nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới cũng như triển khai đề án phát triển du lịch trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh chia sẻ: “Khi Đề án 548 được UBND tỉnh ban hành, xã Tiên Cảnh và các xã khác trong huyện sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng, duy trì, nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân”. |
PHẠM HOÀNG