Với sự tiện lợi của phương thức thanh toán điện tử, nhiều quốc gia đang tiến tới một xã hội không tiền mặt.
Hàn Quốc là một trong những quốc đi đầu trong ứng dụng phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa chính thức thông báo đề xuất sẽ bỏ sử dụng đồng tiền xu vào năm 2020. Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong thanh toán điện tử, với giao dịch bằng tiền mặt chỉ chiếm dưới 20% tổng giá trị giao dịch. Kế hoạch trên được xem là bước đi đầu tiên trong chiến lược xây dựng một xã hội không tiền mặt tại xứ sở kim chi. Những năm qua, người tiêu dùng tại Hàn Quốc được khuyến sử dụng thẻ T-money, một loại thẻ du lịch điện tử dùng để thanh toán vé giao thông công cộng và mua hàng hóa ở các cửa hàng tiện lợi. T-money đang được sử dụng rộng rãi tại những thành phố lớn như Seoul, Geonggi-do, Daejeon, Incheon. Khi sử dụng T-money, giá vé giao thông công cộng sẽ rẻ hơn 100 won so với thanh toán bằng tiền mặt... Chuyên gia Kim Seong- hoon tại Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc nói: “Nếu như không còn sử dụng tiền mặt, chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, đóng góp thêm 1,2% tăng trưởng kinh tế mỗi năm, lạm phát và lãi suất sẽ thấp”.
Theo đề xuất, đồng tiền xu của Hàn Quốc sẽ chính thức “khai tử” vào năm 2020. Ảnh: AFP |
Thụy Điển được xem là quốc gia đi đầu trong “cuộc đua xã hội không tiền mặt”, thậm chí nước này còn tính đến phương án tiền tệ e-krona (đồng krona điện tử). Chỉ trong vòng 5 năm qua, số tiền mặt lưu thông tại nước này giảm từ 106 tỷ krona xuống còn 80 tỷ krona, thay vào đó là phương tiện thanh toán bằng giao dịch điện tử. Có 97% người dân Thụy Điển đều có thẻ thanh toán điện tử. Thụy Điển cũng là nước mà các trụ rút tiền tự động (ATM) không còn phổ biến như tại nhiều quốc gia khác. Một nửa trong tổng số 1.600 ngân hàng tại Thụy Điển không còn giao dịch bằng tiền mặt. Từ nhiều năm nay, hành khách đi xe buýt tại Stockholm không còn sử dụng tiền mặt để mua vé mà đều được quét thẻ thanh toán điện tử hay qua điện thoại thông minh. Theo ngân hàng trung ương Riksbank, Thụy Điển đặt mục tiêu giao dịch bằng tiền mặt tại đất nước này giảm xuống còn 0,5% đến năm 2020. Một lý do khác tiến tới cuộc cách mạng tiền tệ tại Thụy Điển là giải quyết các vấn đề liên quan tới tham nhũng và rửa tiền.
Một cuộc khảo sát của bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc Công ty PR London được đăng tải trên trang công nghệ tài chính finextra cho thấy, có 68% trong số 2.000 người được hỏi cho rằng công nghệ không dùng tiền mặt sẽ hoàn toàn thay thế tiền mặt vào năm 2036. Trong khi đó, ngân hàng Trung ương châu Âu chính thức thông báo việc ngưng phát hành và lưu thông tờ 500 euro - tờ bạc có mệnh giá cao nhất tại khu vực từ cuối năm 2018, một mặt nhằm đấu tranh chống hoạt động cấp tài chính cho khủng bố, mặt khác là bước đi đầu tiên mở đường cho việc tiến tới một xã hội không tiền mặt tại khu vực trong tương lai. Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Italy, Tây Ban Nha, Mexico, Bỉ, Nga... đều hạn chế số tiền mặt được phép thanh toán trong mỗi giao dịch. Hay Mỹ - quốc gia mới chỉ sử dụng thẻ tín dụng được cấy chip điện tử hồi năm 2015, tức trễ hơn các nước châu Âu một thập kỷ - cũng đang bắt đầu tiến tới việc hạn chế tiền mặt. Hồi đầu năm nay, nhiều chi nhánh của chuỗi nhà hàng Sweetgreen đã không còn chấp nhận tiền mặt, trong đó bao gồm chi nhánh ở Phố Wall.
QUỐC HƯNG