Các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm và có nhiều cách làm sáng tạo trong việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Nhiều âu lo
Nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách bền vững, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông (ATGT) trong trường học. Đồng thời, triển khai chương trình giảng dạy về ATGT vào các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả; đưa giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT vào chương trình chính khóa trong các cấp học; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông (VHGT). Tại Quảng Nam, Sở GD-ĐT cũng đã và đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong trường học để xây dựng ý thức giao thông từ gốc.
Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT do ngành GD-ĐT Đại Lộc tổ chức. |
Điều này hết sức cần thiết, vì tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông xuất hiện ngày càng phổ biến. Nhiều em trong bộ đồng phục đến trường vẫn ngang nhiên lái xe máy lưu thông trên đường, thậm chí còn lạng lách, đánh võng, kéo theo xe đạp của bạn mình cùng đi. Hiện tượng học trò điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi hàng hai, hàng ba, không đúng phần đường, làn đường… vẫn diễn ra thường xuyên. Giờ tan trường, các em thường đi thành nhóm, dừng đậu xe không đúng nơi quy định; nhiều xe gắn còi có tiếng kêu, hú khác thường làm ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông.
Theo ông
Trường THPT Sào Nam gắn biển số vào xe đạp học sinh để tiện quản lý. Ảnh: C.TÚ |
Học đi đôi với hành
Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông được nhiều cơ sở giáo dục đưa vào nội dung sinh hoạt dưới cờ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở các trường theo chủ đề “VHGT vì sự an toàn của thanh, thiếu niên và cộng đồng”. Các trường áp dụng giảng dạy lồng ghép trật tự ATGT ở các khối lớp. Riêng cấp tiểu học được giáo dục theo chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT và được trải đều trong năm học. Trường chuyên nghiệp thì tăng cường công tác ngoại khóa để giáo dục về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên…
Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, một số nơi đã tổ chức các hội thi về VHGT, góp phần quan trọng trong việc hình thành ý thức, nhận thức ban đầu nơi học sinh, nhất là lứa tuổi nhỏ. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho biết, một số cơ sở giáo dục có nhiều cách làm hay về giáo dục ATGT, quản lý học sinh khi tham gia giao thông. Tại trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (Đại Lộc) đã chuyển tải chương trình giảng dạy ATGT xuyên suốt năm học, mỗi tuần 1 tiết, xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành trong khu thực hành giáo dục chuyên biệt. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức phát thanh măng non về ATGT 3 lần/tuần... Những hoạt động trên đã tạo cho các em sự hứng thú, dễ nhớ, ấn tượng về giờ học ATGT; giúp rèn luyện tốt kỹ năng ứng xử, những kinh nghiệm an toàn cần thiết khi tham gia giao thông. Trong khi đó, trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên) thì gắn biển số vào xe đạp của học sinh để tiện việc theo dõi, quản lý.
“Tôi luôn dặn dò học trò rằng, các em phải biết đi bên phải, về bên phải..., ghi nhớ giống như một công dân phải thuộc và hát được bài Quốc ca”. Lời tâm sự đầy trách nhiệm đó cũng chính là động lực để thầy giáo Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hòa (Đại Lộc) tìm ra nhiều giải pháp giáo dục ATGT. Thầy Bình đã đứng ra vận động, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng khu thực hành ATGT trong khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (lúc đó thầy là hiệu trưởng). Qua triển khai giảng dạy thực tế trên mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tính kế thừa lâu dài. Khi bước vào thực hành từng tình huống cụ thể, các em sẽ biết được đi như thế nào là an toàn, không vi phạm pháp luật. Ở góc độ nào đó, các em còn góp phần tác động, điều chỉnh ý thức chấp hành pháp luật ở phụ huynh nếu họ có ý định “vượt rào” khi đang cùng con em mình tham gia giao thông. Phương pháp giáo dục trực quan vừa nêu đã và đang được nhiều trường nhân rộng, Ban ATGT tỉnh động viên, khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng khu thực hành ATGT là không nhỏ (khoảng 100 triệu đồng). Ngoài nguồn vận động thông qua xã hội hóa, các trường rất cần sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ban ngành liên quan.
Công Tú