Sở KH-CN vừa phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng chà - rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam”. Dự kiến sẽ triển khai mô hình tại đông bắc đảo Hòn Dứa (vùng biển Bàn Than, Núi Thành) nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi ven bờ.
Khả thi
Quảng Nam có các hệ sinh thái phong phú với vùng cửa sông và ven biển, có 125km chiều dài bờ biển cùng hệ thống sông rạch đã tạo môi trường thuận lợi cho sinh trưởng của nhiều loài cá, san hô, hải sản có giá trị. Trong khi đó, 93% trong số 4.150 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh lại hoạt động quanh năm tại vùng nước ven bờ với mắt lưới nhỏ đã tàn phá nhiều nguồn lợi, phá hủy môi trường sinh thái của nhiều loài hải sản quần cư quanh các rạn san hô, thảm cỏ, rong biển. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, mức độ suy giảm nguồn lợi thủy – hải sản trên địa bàn tỉnh đã ở mức báo động.
Mô hình chà – rạn nhân tạo được ứng dụng tại biển Bàn Than. Ảnh: N.Q.V |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặt vấn đề về việc lựa chọn sử dụng giải pháp kỹ thuật để vừa bảo vệ vừa phát triển nguồn lợi ven bờ. Theo đó, mô hình ứng dụng chà – rạn nhân tạo được các nhà khoa học và quản lý thủy sản đánh giá cao. Theo ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, chà – rạn nhân tạo được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên thế giới là mô hình thích hợp nhất. “Chà được sử dụng để tập trung, tụ hợp các đàn cá ở ven bờ lẫn đại dương. Rạn nhân tạo cũng được ứng dụng tại một số nơi để phục hồi san hô và tăng số loài hải sản. Việc kết hợp chà – rạn nhân tạo giống như xây dựng một “ngôi nhà” cho các loài thủy sinh vật sinh sống, phát triển. Chà – rạn tạo nơi tập trung, kiếm ăn của loài thủy sinh giúp chúng sinh trưởng và không ngừng tăng về số lượng cũng như đa dạng loài” - ông Kiến nói.
Thực tế đã cho thấy, chà – rạn nhân tạo được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia có nghề cá phát triển trên thế giới. Có thể đơn cử Nhật Bản, để nâng cao vị thế của nghề cá thương mại, nước này đã ứng dụng cho cả vùng biển ven bờ và vùng biển khơi. Ngoài việc phát triển đàn cá ven bờ, Nhật cũng đã “dẫn dụ” nhiều loài cá lớn vốn chỉ sinh sống ở đại dương vào “định cư” tại vùng bờ để nâng cao hiệu quả khai thác cho tàu cá nhỏ. ThS. Nguyễn Trọng Lương - cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học & công nghệ thủy sản (Đại học Nha Trang) cho biết, chà – rạn nhân tạo đã bắt đầu được định hình tại Việt Nam để phát triển nguồn lợi ven bờ. Việc xây dựng nên bãi cá nhân tạo từ chà – rạn nhân tạo đã cho thấy mật độ sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng lên rất nhanh so với bãi cá nguyên thủy. Do vậy, năng suất khai thác trong và xung quanh bãi cá nhân tạo không ngừng tăng theo thời gian thả chà – rạn nhân tạo. “Việc xây dựng bãi cá nhân tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc tái tạo, phát triển nguồn lợi, không chỉ giới hạn tại khu vực thả chà – rạn nhân tạo mà cả các khu vực biển rộng lớn xung quanh” - ông Lương khẳng định.
Điểm chọn?
Tại hội thảo, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, địa điểm xây dựng chà – rạn nhân tạo phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên như dòng chảy, độ sâu, chất đáy của vùng ven biển. Để xây dựng bãi cá nhân tạo thành công, cũng cần xét đến các yếu tố khác liên quan đến vùng đặt chà – rạn nhân tạo như ngư trường trọng điểm của ngư dân, khu quân sự, điểm du lịch tiềm năng, nơi sinh sản và phát triển của các loài thủy sản. Do vậy, việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn khu vực xây dựng chà – rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ Quảng Nam là rất cần thiết. Điều này cũng quyết định quy mô và cấu trúc của chà – rạn nhân tạo.
Đến nay, đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ứng dụng công nghệ chà – rạn nhân tạo để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, hạn chế khai thác thủy sản bất hợp pháp. Các nhà khoa học trên thế giới đã tổ chức 9 hội nghị quốc tế về chà – rạn nhân tạo và môi trường sống của các loài thủy sinh. Tại các hội nghị này, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ấn Độ, Malaysia… đã có báo cáo về chương trình, chính sách, kế hoạch ứng dụng chà – rạn nhân tạo. Các nhà khoa học đã xuất bản các tài liệu hướng dẫn xây dựng rạn nhân tạo phù hợp với các vùng biển khác nhau… |
Theo ông Trần Quang Kiến, tại các vùng biển ven bờ của Quảng Nam hiện nay, địa điểm có thể lắp đặt phù hợp nhất chỉ có thể là vùng biển Bàn Than (Núi Thành). “Vùng biển Bàn Than hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu. Khu vực này phong phú nguồn lợi thủy sản vùng rạn; đa dạng các loại cá thương phẩm, cá cảnh, đặc biệt là sở hữu nhiều tôm hùm, tôm hùm giống, cá mú, cá hồng, trai tai tượng... Bằng phương pháp khảo sát, thu thập, phân tích các số liệu, các tiêu chí ưu tiên, khu vực tốt nhất để xây dựng bãi cá nhân tạo tại Quảng Nam là khu vực phía đông mũi Bàn Than, tức là khu vực đông bắc đảo Hòn Dứa, thuộc biển Bàn Than” - ông Kiến nói.
ThS. Nguyễn Trọng Lương cho biết thêm, hiện tại, chà – rạn nhân tạo được ứng dụng trên thế giới được chế tạo bằng nhiều loại như bê tông, đá, gạch, lốp xe, cabin tàu lửa, tàu biển… Thực tiễn đã cho thấy, riêng rạn được làm bằng bê tông cho hiệu quả cao nhất. Có thể giải thích về điều này là do sự ổn định, tuổi thọ của chà – rạn. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sinh vật biển bám trú. Hội thảo đã thống nhất mô hình rạn lắp đặt có chiều cao 1m, đường kính 1m, độ dày 80mm. Số lượng rạn là 120 cái. Độ cao của chà – rạn nhân tạo là 12 – 15m. Độ sâu của vùng biển nơi lắp đặt chà – rạn là 15 – 20m.
NGUYỄN QUANG VIỆT