Xẻ núi, đe dọa an toàn hồ đập

HỮU PHÚC - ĐOÀN ĐẠO 20/08/2018 02:25

Tin liên quan

  • Video: Dừng toàn bộ việc khai thác đất đá để bảo vệ đập Trà Cân

Trước những sai phạm về tận thu đất và đá trong quá trình thực hiện dự án trang trại chăn nuôi, nông - lâm kết hợp ở xã Đại Hiệp, chính quyền tỉnh đã yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác ở đây. Tuy vậy, hệ lụy nhãn tiền là đồi núi nham nhở, có thể gây mất an toàn cho khu dân cư vào mùa mưa và nhất là đe dọa an toàn hồ đập.

Hiện trường khai thác khoáng sản dưới chân đập Trà Cân. Ảnh: HP. ĐĐ
Hiện trường khai thác khoáng sản dưới chân đập Trà Cân. Ảnh: HP. ĐĐ

Tận thu ngoài diện tích cho phép

Đi tắt qua con đường mới mở của doanh nghiệp, chúng tôi tiếp cận được khu vực tận thu đất, đá tại thôn Phú Hải - xã Đại Hiệp (Đại Lộc). Khu vực khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Khoáng sản Hưng Lộc Phát nằm trong dự án trang trại chăn nuôi nông - lâm kết hợp của ông Huỳnh Thanh Xuân. Từ đây nhìn lên thấy rõ công trình đập thủy lợi Trà Cân (xã Đại Hiệp).

Tại hiện trường, theo quan sát, chỉ còn sót lại một xe múc giữa ngổn ngang đất đá đã dừng hoạt động. Một quả núi cao kéo dài cả hàng trăm mét đã bị san bạt, hạ độ cao hơn chục mét. Trên một phần quả núi chưa “cắt ngọn” còn đứng sừng sững nhưng dưới chân nền đất với địa hình yếu ớt, bị biến dạng, nguy cơ về sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ở một số khu vực đã lấy đất, đá được san bằng thì đã bắt đầu có màu xanh mơn mởn của cây keo khoảng 1 năm tuổi.

Trên cao doanh nghiệp bạt núi san đồi, dưới thấp thì khoét sâu vào lòng đất lấy khoáng sản, hình thành nhiều cái hố sâu hoắm. Con suối chảy tự nhiên cũng đã bị lấp, qua trận mưa to gây xói lở nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Thanh Xuân - chủ trang trại dự án nông lâm nghiệp kết hợp cho biết, 4ha đất của gia đình thỏa thuận hợp tác với đơn vị khai thác khoáng sản. Sai phạm của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát tới đâu rồi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng việc dừng hoạt động khai thác mà không yêu cầu doanh nghiệp khắc phục kịp thời việc hoàn trả mặt bằng sẽ dễ gây ra tình trạng sạt lở đất đá trong mùa mưa, rất nguy hiểm cho khu dân cư chung quanh. Nhưng nỗi lo lớn hơn của người dân là hồ đập Trà Cân nằm trên độ cao hơn 100m so với mặt nước biển sẽ bị đe dọa về an toàn.

Ông Phạm Rân, người bảo vệ đập Trà Cân rất lo lắng về an toàn hồ chứa nước nếu để dự án khai thác khoáng sản tiếp tục triển khai.
Ông Phạm Rân, người bảo vệ đập Trà Cân rất lo lắng về an toàn hồ chứa nước nếu để dự án khai thác khoáng sản tiếp tục triển khai.

Hơn 10 năm bảo vệ hồ đập Trà Cân, ông Phạm Rân cho biết rất lo lắng về những tác động địa hình đồi núi dưới chân đập. Ông bảo, hành lang an toàn hồ đập cần được nới rộng để bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ cần nền đất sụt lún, rò rỉ nước thì mọi tình huống xấu về vỡ đập đều có thể xảy ra. Không chỉ người dân địa phương mà cả đơn vị quản lý hồ đập, cũng tỏ ra bức xúc trước sự tác động vào địa hình tự nhiên dưới công trình.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (đơn vị quản lý đập Trà Cân) từ cuối năm 2017 phát đi văn bản gửi các ngành chức năng địa phương kiểm tra việc tận thu khoáng sản ảnh hưởng đến công trình hồ chứa nước Trà Cân.

Theo đơn vị này, hồ chứa nước Trà Cân có dung tích 2 triệu mét khối nước, cấp tưới thủy lợi cho 100ha đất sản xuất của người dân. Năm 1985, công trình đưa vào hoạt động. Đã từng xảy ra sự cố sạt lở tràn xả lũ và sạt lở núi khu vực phía nam của hồ chứa. Vì vậy, trước đây Nhà nước đầu tư thêm gần 20 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa tràn xả lũ, đập chính và đập phụ của hồ chứa. Nỗi lo của đơn vị quản lý và người dân là có cơ sở khi thời gian qua, Công ty TNHH Khoáng sản Hưng Lộc Phát đã khai thác sai quy định, ngoài phạm vi ranh giới ghi trong giấy phép với diện tích 3.000m2

Đe dọa an toàn hồ đập

Theo tài liệu hồ sơ chúng tôi thu thập, khu vực khai thác đất san lấp, xây dựng công trình và đá tảng lăn nằm trong diện tích được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) trang trại chăn nuôi nông - lâm nghiệp có diện tích 40.786m2, trữ lượng khai thác nguyên khối là 138.338m3 đất, đá; công suất khai thác 75.000m3/năm; thời gian thực hiện là 21 tháng (theo Quyết định số 3402/QĐ-UBND, ngày 28.9.2016). Sau đó, tháng 5.2017, UBND tỉnh cấp phép việc khai thác đất và đá tảng lăn này với thời hạn trong 21 tháng, diện tích khu vực khai thác là 40.786m2, công suất khai thác nguyên khối 75.000m3/năm. Số liệu của ngành chức năng thể hiện: từ khi được cấp phép đến tháng 7.2018, doanh nghiệp khai khoáng đã khai thác được 51.812m3 đất, đá; nộp thuế tài nguyên hơn 300 triệu đồng. Ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp cảnh báo: “Nếu khai thác như thực trạng hiện nay thì khi mưa lớn, nước qua tràn xả lũ mạnh sẽ phá vỡ kết cấu dòng suối dẫn nước vào kênh chính của hồ chứa, đất đá sẽ tràn vào nhà dân và khu vực sản xuất. Đồng thời không thể khắc phục được dòng chảy để đưa nước vào kênh tưới phục vụ sản xuất. Về lâu dài, sạt lở sẽ không tránh khỏi”.

Từ trên đập Trà Cân nhìn xuống thấy rõ khu vực khai thác khoáng sản.
Từ trên đập Trà Cân nhìn xuống thấy rõ khu vực khai thác khoáng sản.

Ông Hồ Thanh Phương, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đại Lộc cho biết, với diện tích 3.000m2 ngoài ranh giới cho phép, công ty dùng xe múc lấy đá gom lại, chưa thực hiện khai thác. Kết quả đo tọa độ cho thấy khoảng cách từ điểm mốc giới gần nhất của khu vực được cấp phép khai thác đến chân hồ chứa nước Trà Cân là 300m. Đây là khoảng cách an toàn vì theo quy chuẩn hồ đập của Bộ NN&PTNT, cự ly an toàn cách hành lang chân đập 100m. Tuy vậy, ông Phương cũng cho rằng, lý thuyết quy định là vậy nhưng thực tế địa phương vẫn lo lắng về an toàn đập. “Quan điểm của huyện là sẽ không cho tiếp tục khai thác đá tảng lăn và đất san lấp; còn dự án trang trại thì vẫn tiếp tục cho tồn tại” – ông Phương nói. Theo ngành nông nghiệp, điểm khai thác đất, đá tảng lăn và dự án trang trại ở xã Đại Hiệp cách chân mái hạ lưu đống đá tiêu nước của đập chính là 300m, không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Như vậy, vì dễ dãi trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên của các ngành chức năng nên đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp sai phạm, gây bức xúc cho người dân thời gian qua. Cho nên, động thái cấm mọi hoạt động can thiệp vào địa hình đồi núi dưới chân đập Trà Cân, đồng thời triển khai ngay việc phục hồi môi trường, gia cố các điểm sạt lở mà doanh nghiệp gây ra là việc làm cần thiết, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần.

Dừng khai thác khoáng sản

Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án trang trại chăn nuôi nông - lâm kết hợp, ngày 14.8.2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký văn bản (số 4512/UBND-KTN) gửi Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Đại Lộc và các đơn vị có liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát dừng ngay việc tận thu khoáng sản. Khắc phục phần diện tích khai thác ngoài ranh giới cấp phép; báo cáo UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Hiệp để có ý kiến cho phép tiếp tục thực hiện khai thác. Trường hợp không đảm bảo thì dừng khai thác đất san lấp, đá tảng lăn tại khu vực trên. Đối với ông Huỳnh Thanh Xuân khắc phục ngay các vi phạm, thực hiện đúng theo các nội dung quy định tại Quyết định số 3402 ngày 28.9.2016. Với UBND huyện Đại Lộc, thường xuyên kiểm tra giám sát khu vực khai thác khoáng sản trong quá trình dừng khai thác của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát. Lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp với hành vi khai thác ngoài ranh giới cho phép. Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Đại Lộc và các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 31.8.2018.

HỮU PHÚC - ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xẻ núi, đe dọa an toàn hồ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO