Xe ôm bãi vàng

NGUYỄN DƯƠNG 17/06/2015 09:07

Muốn vào các bãi vàng, đặc biệt là các bãi vàng ở huyện Phước Sơn thì chỉ có duy nhất phương tiện: xe ôm.

Những “tay đua” cừ khôi

Phần lớn cánh xe ôm bãi vàng đều trẻ tuổi nhưng lại có... thâm niên với nghề. Như Sáu Thuận, một tay lái cừ khôi nhất của nhóm xe ôm ở bãi vàng thuộc thôn 8 xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn mới 32 tuổi nhưng đã có 14 năm vào nghề. “Ở đây không học được thì tìm cách kiếm tiền. Cứ theo nếp cũ, bám vào bãi vàng mà sống thôi”- Sáu Thuận cười nói. Có người trước đây từng là “vàng tặc” rồi sau đó chọn nghề xe ôm để kiếm sống. “Cái thời máy Đông Phong (loại máy nổ của Trung Quốc dùng để bơm nước, lọc vàng- PV) nổ vang rừng, em cũng theo chân cha chú kiếm vàng. Nhưng rồi bể, làm không được bao nhiêu vì thiếu máy móc, quy mô, lại bị sốt rét liên miên. Vậy là bỏ nghề, chạy xe ôm kiếm ít đồng nuôi vợ nuôi con”- anh Tư đen, thuộc đội xe ôm xã Phước Thành cho biết.

Giá mỗi cuốc xe ôm vào bãi vàng đều rất đắt: vào bãi thôn 8 Phước Hiệp 600 nghìn đồng/chuyến. Nếu vào bãi 39 (xã Phước Hòa) hay 45 (xã Phước Đức) thì giá cao hơn, từ 1,2 triệu đồng cho đến hơn 2 triệu đồng/chuyến. Lần đầu nghe giá xe ôm kiểu đó, ai cũng phải giật mình, nhưng đi rồi mới biết đồng tiền đó hoàn toàn xứng đáng.

Tác giả đang trên đường vào bãi khe Tăng, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Tác giả đang trên đường vào bãi khe Tăng, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Gọi là đường nhưng thực chất đó chỉ là lối mòn xẻ sâu giữa rừng đầy đá hộc và vực sâu. Nếu không phải xe “đặc chủng“thì tuyệt đối không có phương tiện gì có thể vào. “Thấy thì đơn giản nhưng để chạy được trên những con đường này chúng em té không biết bao nhiêu lần. Nhiều khi một bên là vực, một bên là núi, hớ ra tí là rớt ngay. Vậy nên, trước khi chở khách, chúng em phải chạy thử cho quen đường, quen tay rồi mới dám nhận…”- Hải, đội xe ôm Phước Hiệp chia sẻ.

Muốn an toàn, cả người lái lẫn người ngồi sau phải có sự phối hợp ăn ý thì mới tránh khỏi sự cố: ngồi nép sát vào xe, tránh để chân bị va quẹt; mỗi khi lên dốc phải ép người về phía trước, tránh cho xe khỏi bị hở đầu, ngược lại khi xuống dốc thì phải ngửa người ra sau để giảm bớt độ tì, đè và kìm tốc độ cho xe… Ngay cả chiếc xe cũng được “độ lại” mới có thể đi được trên những con đường đó. “Giảm xóc được giảm bớt, lốp phải xì non, không căng để khỏi nhún nhiều, làm lạc tay lái; hệ thống nhông xích, dĩa cũng được đặt làm riêng để vòng tua lớn hơn, máy khỏe hơn mới có thể leo dốc dựng đứng… Thế mà cứ dăm bữa nửa tháng tụi em phải làm lại xe một lần. Đi đường kiểu này không nhanh hư mới lạ…”- Hải chia sẻ.

Tự làm xe ôm

Một lần, khi định vào bãi vàng khe Tăng, xã Phước Thành, nơi Công ty TNHH Phước Minh đang khai thác, tôi cùng anh đồng nghiệp định thuê xe ôm vào đó nhưng không hiểu lý do gì họ lại từ chối. Bàn lui, tính tới một lúc chúng tôi quyết định thuê một chiếc xe Win “đặc chủng” tự lái. Dò xét một lúc lâu, anh chủ quán nước ven đường đồng ý cho thuê với 150 nghìn đồng/chiếc. Tôi cầm lái!

Chuyện tưởng chừng suôn sẻ với đoạn đường đầu, nhưng sau đó là cảm giác muốn chùn bước khi những con dốc dựng đứng, đầy đá hộc xuất hiện. Nói là đường thực chất chỉ là một lối mòn nhỏ chạy dọc theo suối, đá hộc nhô cao làm chiếc xe nhảy chồm lên như con ngựa bất kham. Khó nhất vẫn là lúc lên dốc cao dựng đứng, những cái rãnh sâu là thử thách lớn nhất. Tay lái nếu không vững thì sẽ lao xuống vực.

Và chúng tôi không vượt qua được thử thách ấy. Đã được cánh xe ôm hướng dẫn kỹ, khi lên dốc thì phanh, côn, số như thế nào để nhịp nhàng, nhưng khi “lâm trận”, chiếc xe đổ ập xuống. May chưa phải xuống vực. Tình thế tiến thoái lưỡng nan, đồng nghiệp động viên: “Tới đây rồi đi tiếp không uổng công, cứ chạy, không sợ gì hết”.

Áp lực từ con đường, sự tin tưởng của bạn làm đôi tay gồng cứng, cố lái thật chuẩn. Mồ hôi ướt đẫm cả áo, nhưng lỡ rồi, cứ thế mà chạy. Rồi cũng té lên té xuống đôi ba lần nữa, nhưng rốt cuộc, khi quen tay thì “con ngựa bất kham” ít ra cũng đã chịu nghe lời.

Vất vả là thế, nhưng khi vào được đến nơi lại là cả một sự thất vọng. Một cánh cổng cao ngất được dựng lên chắn lối đi vào Công ty TNHH Phước Minh. Tất cả người lạ muốn vào phải có sự đồng ý của chủ. Ngay cả Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cũng lắc đầu trước “luật” này. Anh chàng bảo vệ gằn từng chữ: “Ở đâu cũng có luật của nó. Ở đây là luật rừng. Tụi tôi là dân làm thuê, nói sao làm vậy, đừng làm khó nhau!”.

Vậy là thôi, đành ngậm ngùi quay ra, con đường trước mặt đã khó lại càng thêm khó khi mọi háo hức tan biến. Không tiếp cận được bãi vàng là một thất bại. Nhưng thành công bất đắt dĩ nhất chính là việc đã được trải nghiệm con đường “tử thần” với chính tay lái của mình. Như anh chủ cho thuê xe bảo: “Không ngờ nhìn ông  thế này mà dám chạy vào bãi, mà còn chạy ngon nữa chớ, có thua gì cánh xe ôm đâu. Bằng chứng là xe của tôi không bị hư gì…”.

Đó là một chuyến đi đáng nhớ nhất từ ngày tôi bước vào nghề báo.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xe ôm bãi vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO