Lâu nay dư luận phàn nàn rồi bức xúc chuyện đạo đức, nền nếp trường học xuống cấp và quy kết: đạo đức xã hội quá xuống cấp, nên nhà trường cũng không “ngoài vùng phủ sóng”. Nhưng, có một thực tế ít ai chịu thừa nhận, bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường lại bị liệt vào hạng yếu nhất, thậm chí bị coi thường nhất.
Cô Huỳnh Thị Hồng, giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong (Tam Kỳ) có thâm niên dạy chính trị - đạo đức từ năm 1985, nói như than: “Dạy môn GDCD, tủi thân lắm. Ban Giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, học sinh đều coi thường. Giáo viên được đào tạo chuyên ngành GDCD thiếu nghiêm trọng, cả TP. Tam Kỳ chỉ có 5 người, nhưng lại phân công xuống cấp tiểu học 2 người. Lấp vào chỗ trống là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Trước đây lớp 6 - 7 học đạo đức, lớp 8 - 9 học pháp luật, vài năm sau này từ lớp 6 - 9 đều học đạo đức và pháp luật”.
Theo cô Hồng, với các em lớp 6 đưa pháp luật vào dạy với những tình huống phức tạp, các em đã hiểu được gì đâu. Tiết học 45 phút, học sinh chủ yếu ngồi chơi, đọc chép. Trước đây lớp 9 học 2 tiết/tuần, lớp 6 - 8 là 1 tiết/tuần. Nay, tất cả là 1 tiết/tuần.
“Ví dụ đưa ra tình huống ứng xử, nói chưa xong chuyện đã hết giờ, tuần sau gặp lại, cả thầy cả trò có khi quên mất rồi. Phần lớn giáo viên dạy môn này là kiêm nhiệm, điều chắc chắn là họ không nghiên cứu, tìm hiểu, mà là dạy cho xong. Tôi phụ trách môn này của phòng giáo dục, đến khi kiểm tra thì giáo viên ú ớ, nhiều người lo sợ vì không biết sẽ dạy ra sao, không nắm được phương pháp, nội dung mới. Phân phối chương trình lại không có tiết ôn tập, đề thi trường tự ra. Sách giáo khoa thì giáo điều, toàn chuyện xa vời, đưa ra ví dụ thì nói toàn những chuyện đâu đâu, trong khi các em non nớt, chưa nghe chưa thấy bao giờ, mà đổi lại thì thực trạng xã hội với biết bao việc hàng ngày đập vào suy tư các em, lại không được đưa vào dạy?”, cô Hồng nói: “Ví dụ dạy Sống giản dị, đưa ra ví dụ một ông chết cách đây 1 thế kỷ, lớp 6 sao các em hình dung được? Cái gì cũng phải trực quan, sinh động, gần gũi với các em hàng ngày từ gia đình, bạn bè, thầy cô, độ tuổi này mới nắm bắt được. Bây giờ từ nhà trường đến phụ huynh đều đầu tư mũi nhọn để lấy thành tích, để vào đại học. Họ nói thẳng: “Học làm chi môn đó, dạy cho có là được, bày đặt thi này thi kia, cho qua cho rồi”. Tội nghiệp nhất là các cô giáo trẻ, họ nói ngay cả học sinh cũng coi thường không muốn học, thấy mình dạy vô nghĩa. Đạo đức học sinh không được dạy đàng hoàng, như con cái ở nhà không được dạy bảo, thì trách sao khi đạo đức học đường không xảy ra chuyện đau xót...
Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ nói: “Bộ GD-ĐT cơ cấu chương trình, nội dung như thế, xuống trường phải chấp hành. Số tiết quá ít nên dạy và học không hiệu quả. Còn chuyện giáo viên và bộ môn này bị coi thường, chính là hệ quả của nguyên nhân trên từ Bộ. Chuyện này là của cả nước. Biết vậy, buồn lắm, nhưng đành chịu”.
TRUNG VIỆT