Xem Thái Lan làm du lịch

VĨNH LỘC 02/09/2015 09:50

Trải nghiệm du lịch Thái Lan để cảm nhận quan điểm phát triển du lịch khác biệt của người Thái, bạn sẽ trả lời được câu hỏi, tại sao du lịch Thái Lan phát triển đến vậy…

Nhộn nhịp đảo san hô

Đảo san hô Coral là hòn đảo lớn nhất thành phố Pattaya với diện tích  khoảng 4km2. Từ đất liền mất chừng 20 phút đi tàu cao tốc sẽ đến đảo. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân lên đảo là hoạt động du lịch dịch vụ nơi đây khá nhộn nhịp. Trên chiều dài khoảng hơn 200m bờ biển là những hàng ghế bố đặt san sát lấn kề ra biển. Thoạt nhìn, đảo san hô dường như không khác biệt mấy so với những nơi khác, ngoại trừ bãi biển rộng, cát trải dài thì hầu như không có gì nổi bật, thậm chí đảo còn gặp những bất lợi như thủy triều rút khá nhanh và rác thải rất nhiều. Tuy nhiên, bù lại dịch vụ nơi đây khá đa dạng; du khách ngoài tắm biển, ăn uống có thể lựa chọn những hoạt động thể thao trên biển như dù lượn, mô tô nước, lặn biển, lướt ván buồm, trượt ván, snorkerling… hoặc lang thang trải nghiệm cuộc sống của người dân đảo. Đặc biệt, không chỉ người Thái làm du lịch, trên đảo cũng dễ dàng bắt gặp các nhà hàng đa sắc màu của người Hoa, người Ấn... Tuy nhiên môi trường du lịch của đảo cũng khá phức tạp, hiện tượng chèo kéo, cò mồi là không hiếm. Rất nhiều du khách đã bị mắc lừa khi thuê các dịch vụ thể thao trên biển, dù vậy, khách ra đảo mỗi ngày vẫn rất đông. Có nhiều lý do để giải thích việc này, nhưng một điều không phủ nhận là công tác quảng bá, tiếp thị của doanh nghiệp du lịch Thái Lan quá hiệu quả.

Bờ biển đảo san hô thành phố Pattaya.
Bờ biển đảo san hô thành phố Pattaya.

Không riêng đảo san hô, tại hầu hết điểm du lịch thuộc tỉnh Chonburi và Băng Cốc chúng tôi đến đều chứng kiến cách làm du lịch độc đáo. Chỉ đơn cử chuyện soát vé tham quan cũng là cách để các điểm du lịch Việt Nam suy ngẫm. Hầu hết bảo vệ không cần thiết phải “chặn” đoàn đếm từng người; hướng dẫn viên chỉ việc thông báo lượng khách và mua vé, kèm mỗi vé là một cái “tem” dán lên áo khách với số hiệu riêng, những ai không có tem dán trên áo cũng đồng nghĩa không có vé, ngoài ra những tem này cũng dễ dàng giúp phân biệt đoàn này với đoàn khác, nhất là trong trường hợp gặp sự cố hoặc thất lạc… Bên cạnh đó, việc lấy tiền tại những điểm du lịch cũng đáng học hỏi, ngoài tiền tip (một quy định bất thành văn trong du lịch Thái) thì thông dụng nhất chính là thuê chụp ảnh chung với diễn viên, con vật, biểu tượng… tại những điểm tham quan. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là du lịch Thái Lan đã biết phối hợp tốt với nhiều ngành khác trong việc xây dựng chiến lược kích cầu du lịch định kỳ và quảng bá rộng rãi ra toàn thế giới. Cụ thể là chương trình “Tháng 8 khuyến mãi” hàng năm gắn với sự kiện sinh nhật hoàng hậu Thái Lan, dịp này tất cả cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm đều trưng bảng khuyến mãi nên đây cũng là thời điểm để du khách trên khắp thế giới đổ xô về nước Thái mua sắm, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch Thái Lan thêm nhộn nhịp, phát triển.

Voi xin tiền tại Làng văn hóa Nong Nooch.
Voi xin tiền tại Làng văn hóa Nong Nooch.

Bài học liên kết

Ngoài cơ chế chính sách thông thoáng, tư duy làm du lịch khác biệt thì việc thu hút tư nhân với tiềm lực tài chính dồi dào đầu tư vào các khu du lịch nổi tiếng đã giúp hình thành những điểm đến độc đáo, hiện đại ở Thái Lan. Ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Vietravel, chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, có nhiều yếu tố khiến Thái Lan trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực. Trong đó, ngoài làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến, môi trường du lịch thân thiện, hàng hóa giá rẻ… thì sự liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ như lữ hành, lưu trú, mua sắm, vận tải… rất mật thiết để hình thành chuỗi giá trị dịch vụ nên giá cả rất rẻ, điều này khác xa Việt Nam khi mạnh ai nấy làm do chưa thoát ra được những lợi ích cục bộ. “Năm 2013, sau những bất ổn chính trị tại Thái Lan, để phục hồi ngành du lịch, các công ty du lịch nước này chào giá khách chỉ 75USD/người dành cho tour 5 ngày 4 đêm. Tất nhiên, với mức giá này công ty lữ hành sẽ khó lời nhưng không lỗ vì sẽ lấy lợi nhuận từ hoa hồng trích lại phần trăm của các trung tâm thương mại, mua sắm, nhà hàng ăn uống…” - ông Đăng cho biết.

Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam thừa nhận, xét về mặt tư duy và chính sách du lịch, Thái Lan luôn khác xa Việt Nam, đặc biệt là công tác quảng bá giới thiệu điểm đến khá chuyên nghiệp. Ông cho rằng dù thỉnh thoảng nơi đây có những bất ổn nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn tất cả sẽ hồi phục nhanh chóng, điều này được thể hiện ngay trong đợt đánh bom khủng bố Băng Cốc vừa diễn ra mới đây, tuy nhiên sau đó lượng khách cũng đã bắt đầu quay trở lại.

Có thể mỗi nơi đều có những quan điểm làm du lịch khác nhau nhưng không phủ nhận, vai trò của nhà nước, nhất là ngành du lịch là rất quan trọng. Điều này được minh chứng rõ nét trong chuyến viếng thăm đột xuất của bà Chutathip Chareonlarp - Giám đốc Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP.Hồ Chí Minh khi đã chủ động bay ra Đà Nẵng nhân nghe tin Công ty Du lịch Vietravel mở đường bay thẳng Đà Nẵng - Bangkok để  chia sẻ kinh nghiệm du lịch Thái Lan cũng như tìm hiểu liên kết phối hợp trong việc hỗ trợ đưa đón khách từ hai phía. Với những động thái và sự chủ động trên đã phần nào minh chứng cho sự chuyên nghiệp và nắm bắt cơ hội của ngành du lịch Thái Lan, góp phần biến đất nước này trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực và châu Á với hàng chục triệu lượt khách đến mỗi năm (riêng năm 2014 đón hơn 28 triệu lượt khách).

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xem Thái Lan làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO