Trong quá trình rà soát toàn bộ dự án thủy điện vừa và nhỏ, Quảng Nam ủng hộ các chủ đầu tư đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng theo luật định, thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, với dự án chậm tiến độ, hay chỉ trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư nhưng gây tác động vào rừng, thì chính quyền tỉnh đề xuất HĐND tỉnh dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch.
Xem xét từng dự án
Nhiều năm qua, câu chuyện thủy điện vừa và nhỏ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhân dân trong vùng dự án. Nhận thấy được tác động đa chiều của thủy điện lên các mặt của đời sống xã hội, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã chủ trương kiểm tra, giám sát và yêu cầu ngành liên quan rà soát, xem xét quyết định cẩn trọng từng dự án, nhất là sau các sự cố sạt lở đất gây chết người tại huyện Nam Trà My, Phước Sơn hồi cuối năm ngoái.
10 dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo tiến độ xây dựng
Qua rà soát của Sở Công Thương, thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 12 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục, chưa thi công xây dựng. Trong đó có 4 dự án ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ gồm Chà Vàl (hơn 13ha), Sông Bung 3A (gần 14ha), Nước Bươu (hơn 5,4ha), Trà Linh (hơn 0,2ha). Có 8 dự án ảnh hưởng đến đất rừng sản xuất gồm A Vương, Nước Bươu, Trà Linh 2, Trà Linh 1, Nước Lah 1, Nước Lah2, Trà Leng 1, Trà Leng 2. Báo cáo của Sở Công Thương cũng cho thấy, có 10 dự án không đảm bảo tiến độ so với cam kết gồm Chà Vàl, A Vương 5, Đắc Pring 2, Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah 1, Nước Lah 2, Trà Leng 1, Trà Leng 2 và Sông Bung 3A.
HĐND tỉnh là cơ quan đủ thẩm quyền quyết định có cho dự án thủy điện vừa và nhỏ tiếp tục thực hiện các bước đầu tư xây dựng, hoặc “khai tử” hay không. Sau thảm họa lở đất ở Trà Leng (Nam Trà My), Phước Thành, Phước Kim (Phước Sơn), Quảng Nam đã xem xét cụ thể từng dự án.
Theo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, với các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và đang thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng, đang triển khai thi công được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo môi trường, phòng chống thiên tai cũng như giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh thì ủng hộ chủ trương đầu tư.
Ngược lại, thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện gồm: A Vương 4, Sông Bung 3, Đắc Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đắc Pring 2. Các dự án này theo quy định sẽ được HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Theo tìm hiểu, 4 trong số 6 dự án gồm các nhà máy thủy điện A Vương 4, A Banh (Tây Giang), Sông Bung 3 (Nam Giang), Đắc Di 4 (Nam Trà My) tại thời điểm này chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư. Các dự án này đều tác động đến ít nhất một trong hai loại rừng (rừng sản xuất và phòng hộ). Quảng Nam chủ trương loại bỏ quy hoạch thủy điện nhỏ vì xét đến nhiều yếu tố bao trùm, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường.
Dứt khoát loại bỏ
Giám đốc Sở Công Thương Đặng Bá Dự khẳng định, việc thêm vào hay loại bớt dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch là chuyện bình thường. Quan điểm nhất quán của ngành và chính quyền tỉnh là đã đầu tư thì phải có năng lực và tâm huyết.
Sau khi rà soát nhận thấy nhiều dự án có công suất nhỏ, xây dựng chậm, gia hạn nhiều lần, ảnh hưởng đến đất rừng gây bức xúc dư luận thì không nên để tồn tại. Trong 6 dự án thủy điện nhỏ mà Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương đưa ra khỏi quy hoạch chiếm hơn 56MW.
“Không thể để quy hoạch thủy điện treo mãi, tinh thần chung là các dự án chưa làm gì cả, kéo dài thời gian, chiếm đất rừng thì rà soát loại ra nhưng thẩm quyền phải trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định” - ông Dự nói.
Theo Sở Công Thương, về tổng thể có 3 nhóm dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đó là nhóm đang thi công xây dựng; nhóm dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng kéo dài do yếu tố chủ quan của nhà đầu tư là chính, nhóm này chủ trương cương quyết loại bỏ khỏi quy hoạch và nhóm chưa có quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, nhà máy thủy điện A Vương 4, A Banh (Tây Giang), Sông Bung 3 (Nam Giang), Đắc Di 4 (Nam Trà My) phải dứt khoát loại bỏ. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho rằng, 2 dự án thủy điện là Chà Vàl và Đắc Pring 2, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm tiến độ thi công kéo dài ít nhất hơn 36 tháng, sắp tới sẽ thanh tra, kiểm tra để thu hồi theo quy định của pháp luật.