Hôm nay 18.7, theo chương trình làm việc của Kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh sẽ thảo luận tại tổ, xem xét đề nghị của UBND tỉnh về việc loại bỏ 2 thủy điện chiếm dụng diện tích lớn đất rừng, đồng thời bổ sung đưa vào quy hoạch 4 nhà máy thủy điện loại vừa và nhỏ. Báo Quảng Nam ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Một góc công trình thủy điện Sông Bung 2.Ảnh: T.H |
Thủy điện nhỏ, tác động ít
Theo Sở Công Thương (cơ quan thẩm định các dự án thủy điện vừa và nhỏ), các địa phương đã đề nghị bổ sung 18 dự án thủy điện với tổng công suất 231,1MW vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, huyện Nam Trà My đề nghị bổ sung 7 dự án với tổng công suất 115,2MW. Tại cuộc họp ngày 20.6.2017, các ngành và địa phương liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua việc bổ sung 4 dự án thủy điện Trà Linh 1, Nước Lah, Trà Leng, Tăk Lê vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh. Cả 4 thủy điện này đều nằm trên địa bàn Nam Trà My. Căn cứ để huyện Nam Trà My và Sở Công Thương đề xuất phát triển các thủy điện này là không ảnh hưởng tới đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân. Đất lâm nghiệp chủ yếu là đất trồng rừng sản xuất chứ không phải rừng nguyên sinh và nếu xây dựng không phải di dời bất kỳ hộ dân nào, không tái định cư, không tốn kém tiền bồi thường. Điều quan trọng là không ảnh hưởng đến nguồn nước hạ du, vì nó được nối vào thủy điện Sông Tranh 2.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, có 2 dự án thủy điện bị đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa nhỏ trên địa bàn tỉnh gồm thủy điện Nước Xa (tại xã Trà Mai, Nam Trà My công suất dự kiến 1,2MW, điện lượng dự kiến 597 triệu kWh/ năm) và thủy điện Ag Rồng (tại xã A Tiêng, Tây Giang công suất dự kiến là 0,1 MW, điện lượng dự kiến là 4 triệu kWh/ năm). Đồng thời bổ sung 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn Nam Trà My, gồm thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và Trà Cang (công suất sự kiến 26,2MW, điện lượng dự kiến 80,36 triệu kWh/năm); thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam (công suất dự kiến 11,6MW, điện lượng dự kiến 34,98 triệu kWh/năm); thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don (công suất dự kiến 11MW, điện lượng 38,62 triệu kWh/năm) và thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn (công suất dự kiến 30MW, điện lượng dự kiến 104,42 triệu kWh/năm). Tổng công suất của 4 dự án thủy điện trên là 78,8MW. Diện tích chiếm đất của 4 dự án là hơn 144ha (bình quân 1,83ha/1MW). Trong đó chiếm đất lâm nghiệp là 60,1ha (2,44ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66ha đất quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng chủ yếu là rừng tre nứa và rừng trồng), không ảnh hưởng đến đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến ngày 15.6.2017, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có 32 dự án với tổng công suất 450,76MW; điện lượng bình quân năm 1.755,16 triệu kWh/năm. |
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, việc bổ sung các dự án thủy điện nêu trên ở Nam Trà My vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh còn góp phần sớm hoàn thành đường dây 110kV vừa đấu nối các nhà máy thủy điện, vừa đảm bảo cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt, sản xuất của người dân Nam Trà My. Cạnh đó, đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ ít tác động đến môi trường, không tác động đến môi trường trong quá trình vận hành. Tại Tờ trình số 3363/TTr-UBND ngày 3.7.2017 của UBND tỉnh gửi HĐND tỉnh, có nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung 4 thủy điện vừa và nhỏ tại Nam Trà My vào quy hoạch. Đó là thủy điện vừa và nhỏ ít ảnh hưởng đến môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cân nhắc được - mất
Các nhà khoa học, chuyên gia môi trường trong nước lẫn ngoài nước đều có quan điểm tương đồng rằng, nếu xây dựng thủy điện đáp ứng nhu cầu phát triển đa mục tiêu thì chi phí rất đắt đỏ chứ không hề rẻ. Phát triển thủy điện tràn lan như hiện nay chẳng khác nào đánh cược với thiên nhiên, làm gia tăng hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, “dư chấn” của động đất từ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua luôn ám ảnh người dân địa phương và là lời cảnh báo không bao giờ muộn. Người dân lo ngại, các dự án dự kiến xây dựng ở thượng lưu thủy điện Sông Tranh 2, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất sẽ “cộng hưởng” về mức độ tác động đến môi trường tự nhiên.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Thứ nhất là lo ngại về tính đa mục tiêu của dự án. Thứ hai là tác động của các dự án này đối với rừng, đất sản xuất, tái định cư, đa dạng sinh học, trồng rừng thay thế… Cũng theo ông Võ Hồng, 4 thủy điện đề xuất đưa vào quy hoạch lần này không tích nước theo dạng hồ đập, chủ yếu lợi dụng thế năng với độ dốc của núi nên mức độ tác động vào môi trường rất ít, không ảnh hưởng tới đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân.
UBND tỉnh cho rằng, việc đưa 4 thủy điện vừa và nhỏ ở Nam Trà My vào quy hoạch là phù hợp với chủ trương và nghị quyết của Tỉnh ủy về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nhằm huy động mọi nguồn lực sớm hoàn thành và đưa hệ thống truyền tải 110kV từ Sông Tranh 2 về huyện Nam Trà My hiệu quả, đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân huyện Nam Trà My, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước của địa phương. Đồng thời, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ. Tuy nhiên, trước mối lo ngại việc phát triển thủy điện tràn lan, các chuyên gia môi trường, thủy lợi cho rằng, chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức hội thảo khoa học đánh giá toàn diện, khách quan được - mất, lợi - hại của thủy điện vừa và nhỏ ở phạm vi cả nước để đúc kết bài học thực tiễn. Điều quan trọng là dự án phải đáp ứng được tính đa mục tiêu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao như kỳ vọng đặt ra.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Ủng hộ đưa vào quy hoạch 4 thủy điện vừa và nhỏ Vì là loại thủy điện siêu nhỏ nên ít tác động đến môi trường, diện tích đất bị mất khi xây dựng thủy điện cũng không đáng kể. Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua gây ra hiện tượng động đất, có thời điểm khiến người dân hoang mang, nhưng theo giải thích của chính quyền huyện Nam Trà My, Sở Công Thương việc phát triển thủy điện nhỏ không ảnh hưởng đến phía hạ du, thủy điện Sông Tranh 2. Phát triển thủy điện mà phục vụ phát triển đời sống kinh tế - xã hội, không “bức tử” môi trường nên Bắc Trà My hoàn toàn ủng hộ đưa vào quy hoạch. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Cần thẩm định rõ hơn về đường dây 110kV của 4 thủy điện ở Nam Trà My Bốn dự án thủy điện UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh đưa vào quy hoạch qua rà soát, xem xét kỹ nói chung ít ảnh hưởng đến rừng nhất nên mới để lại, chứ mấy dự án ảnh hưởng rừng nhiều đã bị loại hết rồi. Khoảng 60ha rừng bị ảnh hưởng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải trồng rừng thay thế với số tiền khoảng 6 tỷ đồng. Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh buộc các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại rừng theo quy định nhằm bổ sung công quỹ nhà nước, ước tính mỗi héc ta khoảng 1 tỷ đồng đối với rừng giàu, còn rừng bình thường khoảng vài trăm triệu đồng. Nếu 4 thủy điện này được chấp thuận, các doanh nghiệp phải bỏ ra vài chục tỷ đồng bồi thường rừng. Việc ảnh hưởng đến 60ha rừng này là do các dự án thủy điện mới chỉ được xem xét ảnh hưởng đến tài nguyên rừng ở các lưu vực, chứ chưa có hồ sơ tuyến đường dây đấu nối nên chưa xác định được toàn bộ mức độ ảnh hưởng. Nếu đường dây 110kV mà xây dựng sẽ ảnh hưởng rừng thêm nữa, nhưng cả 4 thủy điện kéo chung một đường dây thì ảnh hưởng rừng ít, còn cả 4 mà mỗi người kéo một đường dây thì số lượng rừng ảnh hưởng sẽ nhiều lên. Việc này, ngành nông nghiệp đề nghị Sở Công Thương phải tổ chức họp với các sở, ban ngành liên quan để thẩm định rõ hơn về đường dây 110kV của 4 thủy điện ở Nam Trà My. Do các dự án thủy điện mới chỉ được xem xét ảnh hưởng đến tài nguyên rừng các lưu vực, chưa có hồ sơ tuyến đường dây đấu nối nên chưa xác định được toàn bộ mức độ ảnh hưởng. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường: Lo ngại ra đời quá nhiều thủy điện Các nhà máy thủy điện phát triển ào ạt trên địa bàn tỉnh giờ tiếp tục đưa 4 nhà máy loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My vào quy hoạch cũng đáng phải cân nhắc, nhất là việc quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành thủy điện thời gian qua còn nhiều bất cập. Nói hiệu quả, xây dựng 4 thủy điện trên đáp ứng nhu cầu phát triển đa mục tiêu thì cũng cần đánh giá lại một cách toàn diện để đúc kết thực tiễn. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Phải đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường Nếu làm thủy điện khoan ống dưới lòng đất thì không hoặc ít ảnh hưởng đến rừng, còn dự án nào bắt ống thủy lực trên mặt đất thì ảnh hưởng đến rừng. Bốn dự án dự kiến đưa vào quy hoạch là loại siêu nhỏ, nhưng ít nhiều cũng tác động đến đất sản xuất nương rẫy của người dân. Quan điểm của Hội Nông dân tỉnh là cần thận trọng, không vội vàng, đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường. Nếu lợi nhiều mà hại ít thì nên ủng hộ địa phương phát triển 4 thủy điện vừa và nhỏ. Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Đồng thuận, nhưng cần hết sức cân nhắc khi thực hiện Khi đưa ra chủ trương xây dựng thêm 4 dự án thủy điện tại huyện Nam Trà My, chắc chắn lãnh đạo tỉnh đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Bởi nói gì thì nói, dự án này nếu được triển khai cũng sẽ đem lại ít nhiều lợi ích cho người dân, cũng như phát triển chung của tỉnh, tăng được năng lượng điện và góp phần cải thiện ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần phải hết sức cân nhắc và xem xét khi đưa ra chủ trương thực hiện dự án thủy điện, bởi liên quan đến những tác động về môi trường, đến đời sống dân sinh miền núi. Vì vậy, theo tôi, nếu dự án này được triển khai, bên cạnh chú trọng đến vai trò và tiềm lực kinh tế của nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh cần tính toán thật kỹ và lắng nghe dư luận, cũng như quan tâm chú ý đến sự tác động về môi trường từ dự án thủy điện. Bởi trên thực tế, những sự cố từ các dự án thủy điện cũng đã từng xảy ra trong thời gian qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân miền núi. Ngoài ra, cũng cần tuân thủ các điều kiện tự nhiên, các vấn đề về lợi ích sinh kế của người dân và đóng góp đến nhiệm vụ phát triển của địa phương miền núi nơi triển khai dự án thủy điện, nhất là không nên làm phá vỡ kiến trúc văn hóa bản địa. Ngoài ra, cần gắn dự án thủy điện với cuộc sống của người dân; làm tốt các khâu về trồng rừng thay thế, đảm bảo môi trường tự nhiên và tuân thủ các quy định về pháp luật, cũng như quản lý chặt chẽ các bước triển khai về kỹ thuật của dự án thủy điện; chú trọng vai trò của địa phương miền núi... Có như vậy thì người dân mới đồng thuận và tránh để xảy ra tình trạng chủ trương đúng nhưng việc thực hiện lại không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. HỮU PHÚC - ALĂNG NGƯỚC (ghi) |
TRẦN HỮU