Với lợi thế là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển trồng trọt, những năm gần đây, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và ngành chức năng, nông dân huyện Nam Trà My tổ chức trồng xen canh các loại cây màu với lúa rẫy đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Hồ Văn Học (ở thôn 2, xã Trà Mai) tỉa lúa, đậu xanh trên rẫy. Ảnh: Hoàng Thọ |
Nam Trà My hiện có tổng diện tích đất sản xuất nương rẫy khoảng 5.147ha. Trước đây, phần lớn đất nương rẫy được người dân địa phương sản xuất độc canh, trong đó chủ yếu làm lúa, trồng bắp, sắn, chứ chưa biết phương thức xen canh cây trồng, nên thu nhập từ nông sản rất thấp, dẫn đến thiếu đói giáp hạt xảy ra triền miên. Có một tập tục sản xuất khá kỳ lạ của đồng bào bản địa vẫn tồn tại cho đến ngày nay, là khi một khu rẫy được khai hoang đưa vào sản xuất, sau thu hoạch mùa vụ người dân bỏ rẫy, đến 3 năm sau mới quay trở lại canh tác. Họ cho rằng làm như vậy thần núi mới thương dân làng không tham lam đất đai để ban phước lành cho mùa màng bội thu. Vì thế, nhiều diện tích đất rẫy bị bỏ không, cây cối mọc um tùm. Nhận thấy sự lãng phí quỹ đất nông nghiệp quá lớn, lãnh đạo huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung thay đổi phương thức sản xuất cho người dân.
Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành tổ chức sản xuất trình diễn các mô hình xen canh cây trồng trên đất rẫy. Cuối vụ tiến hành hội thảo đầu bờ và mời người dân đến chứng kiến. Anh Hồ Văn Học (ở thôn 2, xã Trà Mai) sau khi học hỏi được mô hình xen canh liền áp dụng ngay trên 4ha đất rẫy của mình. Trong đó anh chú trọng xen canh cây đậu đỏ, đậu xanh với lúa rẫy, mỗi năm thu hoạch được gần 5 tạ đậu, có thêm khoảng thu nhập hơn 20 triệu đồng. Anh Học cho biết: “Đúng là trồng xen canh cây đậu rất hiệu quả. Mình trồng chung với cây lúa tiết kiệm được đất đai, công chăm bón, làm cỏ. Thời gian tới tôi sẽ áp dụng xen canh cây đậu nành”. Ông Phan Nguyên Duy - Trưởng trạm Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nam Trà My cho biết, mô hình trình diễn đầu tiên là xen canh cây đậu xanh với lúa rẫy. Nhờ khí hậu thuận tiện, đất đai màu mỡ nên đậu xanh sinh trưởng khá tốt trên đất rẫy và cho năng suất cao. Ông Duy phân tích, cây lúa rẫy người dân trồng truyền thống có thời vụ 150 ngày, còn cây đậu xanh chỉ 70 ngày, khi triển khai mô hình xen canh việc thu hoạch không trùng thời gian nên thuận tiện cho nông dân. Tiếp đó, trạm tiến hành thực hiện mô hình xen canh cây đậu đen, mè, đậu đỏ, bắp lai VN2 với cây lúa rẫy đều cho năng suất cao. “Lâu nay người dân chủ yếu là áp dụng cách sản xuất chọc lỗ, tỉa hạt độc canh. Nên những lần hội thảo đầu bờ, chúng tôi đưa họ đến tham dự chứng kiến hiệu quả mô hình xen canh để mắt thấy, tai nghe. Như vậy người dân mới tin và áp dụng” - ông Duy nói.
Xen canh cây trồng trên đất rẫy ở Nam Trà My đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Qua quá trình sản xuất thử nghiệm từ rẫy tự nhiên, cây đậu xanh trồng xen với lúa rẫy một vụ sẽ thu được 4 đợt, cây bắp đạt khoảng 70 - 100kg/sào, các loại cây họ đậu cũng tương tự. Hiện 1kg đậu xanh, mè đen có giá thu mua khoảng 40 nghìn đồng nên đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Hàng năm Trạm dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật xen canh cho người dân để áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn. Ông Duy cho biết thêm: “Đặc điểm của cây họ đậu là có nốt sần cố định đạm nên khi trồng xen canh sẽ bổ sung lượng lớn dinh dưỡng vào lòng đất để nuôi bản thân và nuôi cây lúa rẫy. Từ đó cùng nhau sinh trưởng tốt và đem lại năng suất rất cao. Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức trình diễn tiếp mô hình thâm canh gối vụ cây mè đen trên đất rẫy giúp bà con tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa để thoát nghèo”. Ngoài những mô hình mà huyện hướng dẫn, trong vài năm trở lại đây, nông dân huyện Nam Trà My cũng tự giác tổ chức sản xuất xen canh trên đất rẫy. Vì thế, trên những rẫy lúa luôn có sự hiện diện của bí, rau xanh, dưa… Nhiều gia đình ở các xã Trà Mai, Trà Dơn còn tổ chức xen canh đậu, mè, bắp với cây keo trong 2 vụ đầu để tiết kiệm đất và tiện công chăm sóc cây keo non. Ông Hồ Văn Xung - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Trà My khẳng định, sự thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân đã giúp cho việc sản xuất nương rẫy đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Nhờ biết học hỏi và siêng năng sản xuất, nhiều hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy vậy, cần phải tiếp tục hỗ trợ giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn để người dân xen canh trên đất rẫy. “Nếu có doanh nghiệp tổ chức thu mua nông sản ổn định, chắc chắn người dân sẽ mạnh dạn mở rộng diện tích xen canh. Kinh tế nông nghiệp ổn định, sẽ không còn tình trạng người dân chặt phá rừng lấy đất sản xuất hoặc bỏ rẫy. Đặc biệt là số hộ nghèo sẽ giảm xuống nhanh chóng” - ông Xung nói.
HOÀNG THỌ