(Xuân Đinh Dậu) - Không chọn cho mình Sài Gòn hay Hà Nội để trải nghiệm sau những ngày dài miệt mài với vải vóc và câu chuyện thời trang vùng Bắc Âu; Xenia Joost dừng ở Hội An, sáng tạo và làm việc… một cách “thư thả” nhất.
Tại Tuần lễ thời trang quốc tế 2016 tổ chức tại Hà Nội, nhà thiết kế người Estonia, Xenia Joost với bộ sưu tập của mình, đã cho người ta thấy thời trang không dừng lại ở những hạn định và khuôn phép. Giới hạn, có lẽ chỉ là một đường biên để những khoảng cách ghé lại, lướt qua nhau, và gọi tên nó là tuổi tác hoặc giới tính hay quy cách của một nền văn hóa.
Bộ sưu tập ÔCHÊ do Xenia thiết kế tại Tuần lễ thời trang quốc tế 2016 tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Thời trang không định kiến
Xenia, 33 tuổi, luôn tâm niệm rằng: “thời trang là để thể hiện cá tính độc đáo của bạn và để giao tiếp với thế giới bên trong của bạn. Ngôn ngữ thời trang không nói về tuổi, nó nói về tính cách của bạn và là một cách để bạn tự biểu hiện mình”. Hồn phách trong những bộ thiết kế của Xenia, phần lớn là sự khác biệt trên nền giá trị truyền thống, tô son cho những bộ cánh đơn màu, và làm nổi bật người đang sử dụng nó. Tại Estonia, một quốc gia ở vùng Bắc Âu, Xenia Joost là một nhà thiết kế tên tuổi với thương hiệu thời trang lấy tên của mình. Và đối tượng khách hàng mà người phụ nữ này hướng đến, là những người trẻ thành đạt, muốn tạo sự khác biệt từ những bộ áo quần họ khoác lên.
Xenia Joost tại Hội An. |
Vải vóc và áo quần, có vẻ như là thứ tình yêu chung thủy mà Xenia mang trong mỗi chặng hành trình. Từng làm việc cùng “nữ hoàng của sự nổi loạn” – Vivienne Westwood, với sự lập dị, phá cách, một phong cách thời trang chối bỏ mọi nguyên tắc, nhưng vẫn chuộng sự tinh giản, Xenia nói, cô học được rất nhiều từ “người phụ nữ quyền lực” này. Và trong những thiết kế của Xenia, những đường nét phóng túng, mạnh mẽ, nổi loạn… phản ánh rõ rệt cá tính của người mặc, đã cuốn hút phần đông giới trẻ ở vùng Bắc Âu. Nếu Vivienne có tầm ảnh hưởng lớn trong giới thời trang bằng việc truyền tải thông điệp và sự thay đổi của xã hội ngay từ những thập niên 1970, thì ở con đường sáng tạo của mình, Xenia lại chọn kể những câu chuyện nhỏ, từ họa tiết cho đến những sắc sảo trong các đường viền, đường cắt. “Từ những ngày đầu tiên, tôi luôn nghĩ thời trang là ngôn ngữ của hình ảnh. Nó không chỉ đơn thuần tạo ra một chiếc váy đẹp. Nó là suy nghĩ, cảm nhận, là trái tim của người thiết kế. Hơn 10 năm, cho tới bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên điều đó trong từng bộ sưu tập” - Xenia nói.
Sáng tạo ở Hội An
Phố thời trang tại Hội An, tại sao không? Từ bộ sưu tập của ÔCHÊ, với sự kết hợp tốt nhất giữa các yếu tố từ thợ may lành nghề của nghề thủ công truyền thống, các loại vải, thời trang hiện đại và sự sáng tạo của xu hướng quốc tế, Xenia đang mơ tưởng tới một “phố thời trang” tại Hội An, thay vì những câu chuyện thời trang lâu nay luôn khởi đi tại Sài Gòn hay Hà Nội. “Tại sao ở Hội An và các vùng lân cận có thể sản xuất ra các loại vải truyền thống như lụa, vải bố, thổ cẩm, cotton 100%..., và có rất nhiều thợ may lành nghề, cũng như lượng khách du lịch đến đây rất đông, mà Hội An vẫn chưa thể trở thành một “kinh đô thời trang Việt Nam” như Sài Gòn hay Hà Nội?” - Xenia nói. |
Cuối tháng 4.2014, Xenia Joost cùng gia đình đến Hội An, trong một chuyến du lịch để giải tỏa những áp lực của cuộc sống công nghiệp tại Bắc Âu. Và Hội An, ngẫu nhiên được Xenia chọn, sau khi cô tìm kiếm thông tin trên các trang du lịch uy tín. Tại đây, Xenia gặp những người bạn thiết kế, như Patricia Clegg. “Và cô này giới thiệu với Xenia về Yaly - một công ty thời trang uy tín tại nơi đây” - Xenia nói. Ban đầu, Xenia chỉ định hợp tác với Yaly trong câu chuyện may mặc thô và mang những sản phẩm hoàn thiện từ Yaly về Estonia để kinh doanh. Nhưng, mối duyên đã khởi giữa thời trang Việt và một nhà thiết kế vùng Bắc Âu. Xenia đã bị thuyết phục bởi không gian phố Hội và phong cách làm việc chuộng tuyệt đối sự sáng tạo của Yaly. Một bộ sưu tập đa dạng về thời trang dạo phố, hợp nhất giữa nền văn hóa truyền thống Á châu và nền văn hóa Bắc Âu, với các sắc màu đen, xám đá, trắng cùng sự kết hợp độc đáo giữa kỹ thuật may đo thủ công của người thợ Hội An với những kỹ thuật in, dệt, nhuộm, thiết kế hiện đại, đã cho ra đời thương hiệu thời trang ÔCHÊ.
Và cũng lần đầu tiên, một thương hiệu thời trang của Hội An có mặt tại Tuần lễ thời trang quốc tế. Giữa những tên tuổi lớn của làng thời trang, ÔCHÊ được giới thiệu như một ví dụ điển hình cho truyền thống và văn hóa Hội An. Đồng thời đây cũng là thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp quốc tế được sáng tạo bởi đội ngũ thiết kế người nước ngoài luôn bắt nhịp với xu hướng thế giới. Xenia nói, không có gì bất ngờ khi denim thô chính là chất vải được cô lựa chọn làm chất liệu chủ đạo cho bộ sưu tập lần đầu tiên trình làng tại Việt Nam. “Denim thô vốn là chất vải được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới, sự giản dị và quen thuộc của nó dường như khiến chúng trở nên mờ nhạt, thậm chí là không quá để ý đến chúng. Các bộ trang phục oversize với phong cách phóng khoáng và độc đáo bất chấp mọi khuôn phép và rào cản về tuổi tác, giới tính để thể hiện cá tính đặc biệt của mình, không hề lẫn lộn với bất kỳ ai” - Xenia chia sẻ. Nổi bật lên trong những thiết kế đó là các chi tiết được làm thủ công bằng tay, Xenia Joost đã biến tấu nó một cách ấn tượng với chất liệu lụa organza, chính bởi điều đó đã khiến cho các thiết kế denim giản dị trở nên thú vị hơn…
SONG ANH