(QNO) - Theo tài liệu của ngành da liễu thì hơn 20% dân số Việt Nam bị viêm da cơ địa, đặc biệt xuất hiện ở nhiều trẻ nhỏ với các biểu hiện như nổi mề đay, gây ngứa ngáy… Nếu không chữa trị kịp thời có thể thành bệnh mãn tính và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: HẰNG SA |
Theo bác sĩ, viêm da cơ địa thường có biểu hiện tùy thuộc vào từng giai đoạn. Giai đoạn cấp tính thường hay gặp ở trẻ em bởi các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có mụn nước, xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề, thường hay gọi là chàm sữa. Bệnh nhân rất ngứa, cảm giác rát bỏng, nhất là về đêm, làm cho người bệnh bị mất ngủ, gãi nhiều có thể làm cho da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
Giai đoạn mạn tính được biểu hiện với các đám sẩn đỏ, dày sừng, bong vảy, rối loạn sắc tố da. Bệnh nhân gãi nhiều có thể để lại các hậu quả trên da như dày da, tróc da, sưng nề, nứt kẽ, chảy nước vàng và đóng vảy tiết. Trong khi ở người lớn, viêm da cơ địa thường chỉ biểu hiện đơn thuần ở bàn tay thì ở trẻ nhỏ, bệnh thường xuất hiện ở mặt, da đầu và mặt duỗi các chi. Còn ở trẻ lớn hơn hoặc những người mà bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp của các chi.
Trong những ngày tìm hiểu viêm da cơ địa tại các phòng khám tư, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, Viện Ký sinh trùng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chúng tôi ghi nhận số lượng bệnh nhân là trẻ em mắc viêm da cơ địa tương đối nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chính các em và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu Lan (huyện Núi Thành) ban đầu nghi con bị nhiễm giun sán khi bé ngứa ngáy và nổi mề đay. Xét nghiệm ký sinh trùng tại Viện Ký sinh trùng Quy Nhơn không phát hiện bệnh, bác sĩ chẩn đoán viêm da cơ địa và cho thuốc về uống, thoa lên da.
Tình trạng bệnh viêm da cơ địa con chị Hồ Thị Tuyết Trinh (xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước) còn khó chịu hơn khi thường xuyên ngứa và sưng ở đầu dương vật. “Ôm con đi tìm bác sĩ mong có toa thuốc phù hợp, chữa đúng người đúng bệnh để bé nhanh chóng chia tay với các triệu chứng gây ngứa sưng, ảnh hưởng đến cuộc sống của con. Nhưng hiện tại vẫn ở tình trạng còn thuốc hết ngứa, hết thuốc là ngứa và sưng” - chị Trinh than thở.
Một trong những biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa trên trẻ em. Ảnh: HẰNG SA |
Theo các bác sĩ da liễu, viêm da cơ địa hiện ở Việt Nam vẫn chưa có thuốc đặc trị với những người bệnh nặng. Cách duy nhất đối phó là ngăn ngừa và hạn chế để bệnh tăng nặng. Chăm sóc da là một trong những việc làm cần thiết cho cả người bệnh nặng lẫn nhẹ. Vấn đề thứ hai và cũng khá quan trọng là tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm bệnh nặng. Xác định các yếu tố gây bệnh thông qua khai thác kỹ tiền sử người bệnh và làm các xét nghiệm dị ứng hay còn gọi là xét nghiệm dị nguyên.
Được biết trên thế giới có thể tìm ra được 5.000 dị nguyên nhưng các bệnh viện, trung tâm da liễu ở Việt Nam mới xét nghiệm được 36 dị nguyên. “Điều này cũng gây khá nhiều thiệt thòi cho bệnh nhân trong khi các dị nguyên này thường khá phổ biến với nhiều người. Vì vậy nên xét nghiệm dị nguyên để hạn chế hoặc có phương án thay thế với thực phẩm gây dị ứng” - bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng khuyến cáo.
Còn chị Phan Tú Quyên (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) chia sẻ: “Con trai mình đi khám, bác sĩ cứ kết luận viêm da cơ địa nhưng không rõ nó dị ứng với loại nào để tránh. Đi các phòng khám tư, kể cả một vài bệnh viện các bác sĩ không giới thiệu về xét nghiệm dị nguyên. Khi biết, tôi quyết định làm xét nghiệm dị nguyên cho cả hai đứa để xác định rõ nguyên nhân”.
Kết quả xét nghiệm dị nguyên của con trai chị Quyên là dương tính với tôm, cua, đậu nành, đậu phụng, mè, bụi… Chị Quyên cho hay, nhờ xét nghiệm dị nguyên mới vỡ lẽ những món ăn gây ngứa với nhiều người như cá ngừ, thịt gà, con trai chị lại ra kết quả âm tính. Món ăn không nghĩ là dị ứng lại gây dị ứng. Tuy không thể tránh triệt để như bụi, mạt nhà nhưng dù sao cũng biết mà hạn chế để tránh tăng nặng cho con. Thế nên, những bệnh nhân đã làm xét nghiệm dị nguyên đều đồng ý rằng, với trẻ bị viêm da, cha mẹ nên làm cho con để hạn chế được phần nào nguyên nhân gây dị ứng.
HẰNG SA