Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ: Đi lên từ gian khó

VINH ANH 10/10/2016 08:33

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, đến nay Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành) đã vươn lên trở thành đơn vị sản xuất mây tre có tiếng, góp phần đưa các sản phẩm từ mây tre vươn cao, vươn xa.  

Những biến cố

Tiền thân của Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ là Hợp tác xã Hiệp Thành (Núi Thành) ra đời từ gần 30 năm trước, với các mặt hàng sản xuất từ mây, chổi đót để xuất khẩu sang các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Đến năm 1991, khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ thì Hợp tác xã Hiệp Thành cũng ngưng hoạt động vì mất thị trường chủ lực.Lúc này, ông Nguyễn Trường Thiên – Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Thành. Vốn là một cán bộ kế toán nhưng ông Thiên lại có niềm đam mê đặc biệt với nghề mây tre lá. Không đành lòng nhìn hợp tác xã phá sản và những người lao động mất việc làm, ông Thiên đã lặn lội vào tận Sài Gòn để tìm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngày đó, ông đã mượn tạm một chỉ vàng của vợ để làm lộ phí đi đường, khi về lại Quảng Nam thì không còn “một đồng dính túi”. Trời không phụ lòng người, sau chuyến công tác ấy, ông đã tìm được một số đối tác từ các doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc. Lúc này, Hợp tác xã Hiệp Thành cũ cũng được đổi tên thành Cơ sở sản xuât mây tre Chu Lai, hoạt động kinh doanh, sản xuất theo hộ gia đình.

Ông Nguyễn Trường Thiên giới thiệu những sản phẩm của xí nghiệp. Ảnh: V.ANH
Ông Nguyễn Trường Thiên giới thiệu những sản phẩm của xí nghiệp. Ảnh: V.ANH

Đến năm 1999, khi quy mô sản xuất được mở rộng thì Cơ sở sản xuất mây tre Chu Lai lại đổi thành Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ để hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Được sự trợ lực thông qua các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước dành cho các hợp tác xã nên trong 10 năm (1999 – 2009), Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ đã phát triển ổn định. Việc đầu tư trang thiết bị, mở rộng cơ sở sản xuất, thay đổi mẫu mã đã góp phần đưa sản phẩm từ mây, tre do Xí nghiệp Âu Cơ sản xuất vươn ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, từ những năm 2009 – 2012, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lại tiếp tục thử sức các công ty, doanh nghiệp, trong đó có Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ. “Những năm đó, cùng với các ngành nghề kinh doanh khác, ngành mây tre bị tác động khủng khiếp. Lãi suất ngân hàng quá cao nhưng doanh nghiệp cũng phải vay để thu mua nguyên liệu và trả lương công nhân, trong khi các mặt hàng sản xuất bị đình trệ, không tiêu thụ được nên một số đơn vị sản xuất mây tre đã phải “đóng cửa”, phá sản. Riêng đơn vị chúng tôi, để trụ vững qua cơn khủng hoảng ấy đã phải chấp nhận nhiều năm liền bị thua lỗ, phải dùng quỹ dự trữ của đơn vị để bù vào nhưng bắt buộc phải giữ chân được công nhân” - ông Thiên cho biết.

Chất lượng sản phẩm và người lao động

Trồng 20 ngàn héc ta mây nguyên liệu
Trước dự báo nguyên liệu mây tự nhiên ngày càng khan hiếm, những năm qua, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ đã hợp đồng với người dân các địa phương tiến hành trồng khoảng 20 ngàn héc ta mây nguyên liệu dưới tán rừng ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Tam Sơn, Tam Hiệp (Núi Thành), thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) và xã Bình Khương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tại bờ rào của một số hộ dân ở Núi Thành, xí nghiệp đang triển khai thử nghiệm mô hình trồng xen cây mây để vừa có tác dụng bảo vệ vườn vừa có mây để bán.

Đây là 2 yếu tố được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ. Đầu tiên muốn có chất lượng sản phẩm tốt thì phải nói đến yếu tố về con người. Để giữ chân công nhân, người lao động trước sự mọc lên như nấm của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện Núi Thành thì đơn vị đã phải có nhiều chính sách để thu hút, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Trong đó, các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… cho công nhân đều được xí nghiệp thực hiện nghiêm túc. Theo ông Thiên, hiện nay xí nghiệp có khoảng 150 lao động, bình quân thu nhập của người lao động tại đơn vị đã tăng lên rất nhiều so với khi thành lập hợp tác xã năm 1999, trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng (năm 2015). Việc quan tâm đến công nhân, người lao động đã khiến họ gắn bó, đem hết sức mình để cống hiến cho xí nghiệp.

Những năm gần đây, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo hướng sản xuất sạch hơn để có thể chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Để làm được như vậy, xí nghiệp đã áp dụng quy trình khép kín từ khâu chế biến nguyên liệu đến sản xuất. Đồng thời tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2008, thông qua nguồn hỗ trợ chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch, Âu Cơ đã đầu tư 1 tỷ đồng vốn đối ứng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và lò đốt cấp khí nóng cho quá trình sấy mây và nguyên liệu. Theo đó, nước thải trong quá trình sản xuất sẽ vào hồ chứa nước thô, qua bể sục khí tạo vi sinh, bể chứa vi sinh, bể lọc cặn, bể lọc than hoạt tính, bể chứa nước có PAC làm sạch màu, khử và cuối cùng là bể chứa nước đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại B. So với khi chưa đầu tư công nghệ thì đến nay 95% lượng nước được tuần hoàn tái sản xuất, chỉ 5% xả thải ra môi trường. Còn việc đầu tư lò đốt cấp khí nóng cho quá trình sấy mây đã giúp xí nghiệp hoàn toàn tự chủ trong sản xuất, không còn phụ thuộc vào thời tiết, qua đó giảm tỷ lệ mây hao hụt do ẩm mốc, hư hại vào mùa mưa. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò đốt không chỉ giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người lao động mà còn góp phần làm cho sản phẩm từ mây, tre sạch hơn. Qua đó giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm mây tre lá Âu Cơ trên thị trường trong và ngoài nước.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ: Đi lên từ gian khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO