(VHQN) - Tháng 9, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động nhằm xiển dương tư tưởng, tinh thần của các bậc sĩ phu, trí thức xứ Quảng trong lịch sử đã cho chúng ta có thêm cơ sở để hy vọng về một đời sống xã hội tốt đẹp hơn.
Những sĩ phu xứ Quảng
Tôi nhớ, trong những lần cùng anh em trí thức, văn nghệ sĩ đàm đạo, khi nói về việc học ở xứ Quảng, nhà văn Nguyên Ngọc bảo, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc học ở Quảng Nam đâu thể sánh bề dày với các vùng đất học Thăng Long - Hà Nội, bởi lẽ, do bối cảnh lịch sử, sự nghiệp giáo dục ở vùng này bắt đầu khá muộn.
Nhưng, từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, sau thời gian phải tập trung sức lực cho khai phá đất đai để mưu sinh và qua đi những năm tháng mất ổn định vì chiến tranh, lại với chính sách thân dân và mở cửa của các chúa Nguyễn nên kinh tế Quảng Nam đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp, cũng là lúc đã đủ để tích lũy hình thành, nở rộ một thế hệ nhân tài, sản sinh ra một đội ngũ trí thức dân tộc.
Từ đây, việc xiển dương sự học ở xứ Quảng đặt dấu ấn trong lịch sử và thấm sâu vào tâm thức hậu thế.
Nổi bật là sự vinh danh “Ngũ phụng tề phi” ở khoa thi Mậu Tuất. Kỳ thi năm đó cả nước có 17 người cùng đỗ đại khoa, riêng Quảng Nam có 5 người: 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; 2 phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến; danh hiệu “Tứ hổ” trong khoa thi năm Tân Sửu 1901 với 4 người đỗ phó bảng đó là Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh; “Tứ kiệt” để chỉ 4 người nổi tiếng về văn chương khoa cử, đó là: Trần Quý Cáp về thơ; Nguyễn Đình Hiến về phú; Phan Châu Trinh về kinh nghĩa; Huỳnh Thúc Kháng về cả 3 loại hình văn chương đó.
Danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” do vua Tự Đức ban tặng cho 5 anh em, gồm 3 tú tài Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ và 2 cử nhân Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tĩnh Cung. Họ là con ông Nguyễn Tấn Duệ và bà Trương Thị Tam, người làng Túy La, trú làng Bất Nhị, nay là Điện Phước, thị xã Điện Bàn.
Danh hiệu “Xuân Sơn ngũ tử” để ban cho anh em ruột quê ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, gồm: 2 cử nhân Hoàng Kim Bảng, Hoàng Kim Giám, Phó bảng Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu) và 2 tú tài Hoàng Kim Bình, Hoàng Kim Đạt.
Người Quảng Nam còn tự hào với danh hiệu “Lục phụng bất tề phi” - sáu con chim phụng không cùng bay - là danh xưng mà nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân gọi sáu người Quảng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao; tuy không cùng đỗ một khoa nhưng người nào cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc, đó là: Hoàng giáp Phạm Như Xương, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Tiến sĩ Trần Quý Cáp, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Châu Trinh, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu.
Và sứ mệnh của người trí thức
Những trí thức xứ Quảng được lưu danh không chỉ bởi họ học rộng hiểu nhiều hay các danh hiệu đạt được mà cơ bản do thái độ và hành vi xã hội khi họ lựa chọn sẵn sàng dấn thân vì lợi ích của toàn thiên hạ, sẵn sàng đấu tranh và hy sinh vì đại nghĩa.
Tiến sĩ Phạm Phú Thứ là một nhà nho, một vị đại thần mà lại rất nhạy cảm với những thành tựu của công nghệ, kỹ thuật phương Tây. Khi đi sứ ra nước ngoài ông chăm chú ghi chép những điều tai nghe, mắt thấy mà ông cho là hay, rồi mang về nước phổ biến. Ông là một trong những người đã nhận thức được sớm nhất nhu cầu phải canh tân đất nước ngay từ giữa thế kỷ 19 bằng truyền bá kiến thức khoa học.
Tinh thần tự học với tính cách mở, một tư tưởng ưa khám phá, là những nhân tố quan trọng giúp con người xứ Quảng tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học kỹ thuật để thích nghi trong điều kiện mới. Tiềm ẩn bên trong những con người năng động luôn phù hợp với xu thế xã hội ấy là một bản lĩnh vững vàng, kiên định, một nghị lực bền bỉ, một ý chí mạnh mẽ với tinh thần luôn xả thân vì dân, vì nước.
Cuộc đời và số phận của những sĩ phu yêu nước Quảng Nam, như Trần Văn Dư, Phạm Tuấn, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành Ý, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành… là những minh chứng cụ thể về việc họ đã học hành, tu dưỡng và đem sở học, tài năng, tâm huyết, cả tính mệnh của mình để phục vụ cho dân, cho nước.
Ngẫm nghĩ về hành trạng các bậc sĩ phu xứ Quảng, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Sứ mệnh của người trí thức là thường trực tự ý thức lại các giá trị xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng.
Như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.
Ngày nay, việc Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động nhằm xiển dương tư tưởng, tinh thần của các bậc sĩ phu, trí thức xứ Quảng trong lịch sử, dường như cũng là một trong những cách chính quyền cùng các nhà lãnh đạo đang thực hiện sự lựa chọn, thái độ ứng xử với đội ngũ tinh hoa của dân tộc, với mong muốn xây dựng lực lượng trí thức thực hiện “chức năng” đặt lại những vấn đề của xã hội, cật vấn về những gì đang có để thúc đẩy xã hội phát triển. Và như vậy, chúng ta có thêm cơ sở để hy vọng về một đời sống xã hội tốt đẹp hơn.