Xin bình yên Tắc Pỏ!

PHÚ THIỆN 24/11/2020 15:31

(QNO) - Không còn tiếng cười nói lạc quan, thị tứ Tắc Pỏ (Nam Trà My) giờ đây bao trùm không khí bất an mỗi khi mưa về.

Một góc Tắc Pỏ.
Một góc Tắc Pỏ. Ảnh: P.Thiện

Thức tỉnh

Đứng dưới tháp truyền hình của huyện Nam Trà My, từ khoảng cách chưa đầy 500m đường chim bay có thể thấy rõ mồn một vạt đất đỏ trải dài từ đỉnh xuống đến chân núi ở ngã ba Bà Huề. Thiên nhiên như thách thức con người bằng một màu xơ xác và trống trải dọc theo chân núi, nơi mà lẽ ra đang là một dãy nhà “phố” nhộn nhịp.

Trên vùng cao Nam Trà My xa xôi này, mỗi địa danh thường gọi theo tên của một người sống nhiều năm, định cư đầu tiên hoặc có chút “tiếng tăm” ở đó. Bà Huề cũng không ngoại lệ. Bà có một căn nhà nhỏ ngay ngã ba, ngoài làm chỗ ăn ở, bà còn tận dụng mở một quán cà phê có điểm nhìn về phía bến xe, nhà khách và cả bưu điện huyện, vì thế quán lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Tên gọi ngã ba Bà Huề cũng ra đời từ đó.

Bên ngoài đang đổ mưa, sau nhà bà Huề, con suối nhỏ miệt mài nện từng lớp bùn vào sát vách. Nhâm nhi tách trà nóng, bà Huề vẫn vẻ sợ hãi khi nhắc lại khoảnh khắc sống còn khi bão số 9 tràn qua. “Khoảng 12 giờ trưa, đang lúc những màn mưa còn giăng kín các ngóc ngách của núi rừng, người dân Tắc Pỏ nghe nhiều tiếng nổ lớn từ khe núi. Hai tiếng sau, đất đá đổ xuống chạy dọc theo đường mòn của khe suối gần đó rồi tạt hẳn vào khu dân cư” - bà Huề kể.

Cũng theo nhiều nhân chứng hôm đó, dòng nước đỏ quện đặc bùn đất chia thành hai dòng chảy, một đổ ra đường chính của xã Trà Mai rồi trôi tuột về hướng sông Tranh, dòng còn lại bị chặn tại ngã ba tạo thành vũng nước lớn, tràn vào nhà dân. May mắn nhà bà Huề nhờ nền cao nên nằm lọt thỏm giữa dòng lũ dữ. Giờ đây bà Huề vẫn đau đáu về căn nhà tích góp bao năm nay, phần vì tiếc vị trí “đẹp” của ngôi nhà, thuận lợi cho việc buôn bán, phần vì lo cho sự an toàn của gia đình.

Cuộc trò chuyện vẫn chậm rãi trôi theo từng lời kể của những người trong cuộc, chốc chốc bà Huề lại đứng bật dậy, lọm khọm bước ra cánh cửa sau nhà. Chồm người về phía suối, mắt bà đầy ắp nỗi lo. “Rứa chớ không có chi đâu, ở đây bao nhiêu năm quen rồi. Ít bữa mưa tạnh kè lại là được” - bà nói như trấn an mình. Quả thật, người phụ nữ xốc vác mấy mươi năm trên núi cao như bà Huề chẳng còn lạ gì với chuyện sạt lở. Nhưng mấy mươi năm qua chưa lúc nào bà lại canh cánh nỗi lo mỗi khi mưa về như bây giờ. Người Tắc Pỏ cũng thế!

Sống ở Tắc Pỏ đã 34 năm nay, lần đầu tiên ông Lê Văn Đức chứng kiến trận sạt lở kinh hoàng ngay trước mắt mình. Ông kể, sau bữa xảy ra sạt lở mấy hôm, nhà nào cũng lao đao thì thiếu nước sạch. Ông và mấy người chỗ ngã ba Bà Huề bèn ngược dòng suối lên thượng nguồn để sửa lại ống nước. “Trên chỗ đó đất đá lởm chởm, dòng suối dốc, tầng và hẹp, cây cối ngổn ngang, rủi ro sạt tiếp là rất lớn” - ông Đức cho hay.

Cuộc trò chuyện đang nóng nhưng những chén trà đã dần nguội lạnh vì mưa. Mưa mỗi lúc nặng hạt, nỗi lo cứ như rơi từng giọt, bồng bềnh và nặng trĩu...

Nỗi lo xa

Vụ sạt lở tại Tắc Pỏ đã trở thành nỗi lo chung của chính quyền và người dân của thị tứ. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi khi có mưa, chính quyền xã lại cánh cánh nỗi lo chuyện sơ tán dân.

Chưa năm nào như năm nay, bão liên tiếp đổ vào miền Trung, đại ngàn Nam Trà My dầm dề trong mưa gió. Khổ một nỗi, mỗi lần mưa, xã lại chạy khắp nơi báo động. Nhưng cả tháng nay số ngày có nắng quả thật rất ít ỏi. Nhiều lúc bà con sơ tán xong trở về được vài hôm, nhà chưa kịp lấy lại chút hơi ấm con người, thì chủ đã rời đi vì mưa lại ập đến.

Nói về chuyện sơ tán dân trên địa bàn xã, ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết, đây là việc quan trọng và trước mắt phải làm để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, mưa đến đâu, việc sơ tán được thực hiện đến đó. “Riêng tại khu vực Tắc Pỏ, việc sơ tán người dân trong mùa mưa bão chưa từng có tiền lệ trước đây nên đối với nhiều người dân, việc này còn khá nhiều bỡ ngỡ” - ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, vì đặc điểm địa hình vùng núi cao nên việc nhận định nơi an toàn cũng là một trở ngại lớn đối với chính quyền địa phương. Núi trong vùng đã xuất hiện nhiều vết nứt, đất đã mềm, đang ẩn lấp dưới những mảng xanh thưa thớt trên lưng chừng cao. Những điểm được xem là an toàn nhất cũng chỉ là do trực quan của con người đánh giá, còn núi non kia thì ẩn chứa bao hiểm nguy khó đoán định.

Người Tắc Pỏ mỗi khi mưa về, làm việc gì cũng cẩn thận hơn trước; tai cố gắng lắng nghe những âm thanh lạ của núi rừng. Người Tắc Pỏ giờ đang sống chậm lại để có thể cảm nhận được những bất an và chuẩn bị cho những mối lo trực chờ trước mắt. Bức tranh Tắc Pỏ những ngày mưa vậy mà trở nên não nề, dưới những lớp mưa núi, đâu đó vẫn còn nỗi khắc khoải của con người, những giấc ngủ chập chờn chơi vơi theo "tiếng thở” của núi. Những xô bồ, ngột ngạt, khuấy động cả một không gian yên bình. Những ồn ào không còn là những ngày vui, mà là những ngày mệt nhoài vì chạy trốn mưa, trú bão...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xin bình yên Tắc Pỏ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO