Xin đừng đổ đầy!

HOÀNG NGỌC 11/01/2021 05:35

Tuần này, với việc học sinh lớp 1 vừa hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ, thì học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 được xem là sắp kết thúc. Một học kỳ mà học sinh, phụ huynh và giáo viên lớp 1 – phía nào cũng phải “gồng mình” cho đợt mở màn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Bởi dẫu bao nhiêu ì xèo quanh “đống sạn” trong một vài bộ sách (nhất là bộ sách Cánh diều) thì rốt cuộc, khối lượng kiến thức nặng nề của chương trình lớp 1 mới, các em vẫn buộc phải học.

Nhìn lại, thì cơn “đại địa chấn” trong năm 2020, đâu chỉ là thiên tai, dịch bệnh, nó còn có một sự khác, ấy là sách giáo khoa lớp 1. Không như lớp cha mẹ chúng tôi ngày xưa, lớp 1 chỉ cần biết đọc biết viết. Chỉ cần biết đọc biết viết, là dễ hay khó? Bây giờ, ngoài điều đó, các em phải học thêm ti tỉ thứ, từ tự nhiên xã hội, anh văn, mỹ thuật, âm nhạc… Hoạt động thể chất ít, nhồi nhét kiến thức nhiều, nên với đầu óc non nớt của các em, biết đọc biết viết đâu còn là quá khó.

Theo Tổ chức bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á: học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: đọc hiểu, viết, toán học. Tham gia chương trình đánh giá có 6 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines. Thông tin này được đưa ra hồi cuối năm 2020. Nhìn vào việc các em phải vất vả theo chương trình học hiện tại, thì vị trí ở bục cao nhất kia, liệu có đáng vui?

Tháng 12.2020, Sở  GD-ĐT có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh trong việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa lớp 1. Theo đó, trong phiếu gửi phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ) có nội dung khảo sát về việc “đề nghị tỉnh chọn 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 dùng chung cho các trường từ năm học 2021-2022”.

Sự lúng túng trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với việc mỗi trường tự chọn sách giáo khoa đang được điều chỉnh từng bước một. Theo các giáo viên, rất nhiều phụ huynh đã đề nghị điều chỉnh giảm tải chương trình học và giảm số lượng môn học cũng như đề nghị dùng chung 1 bộ sách trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, cả giáo viên và phụ huynh đều không hề biết, những kiến nghị kia, liệu có được lắng nghe!

Với cách ôm đồm chương trình như lâu nay, thì khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được treo đầy từ năm ngày qua năm khác cũng sẽ tuột qua tâm trí như nước chảy lá môn. Khi mỗi ngày, trẻ con phải học quá nhiều kiến thức, thì những kỹ năng mềm đơn giản như buộc một chiếc giày hay phát biểu trước đám đông sẽ không bao giờ được học.

Mỗi đứa trẻ sẽ ít hơn cơ hội trong việc phát triển cả tâm trí và sức khỏe để trước hết là biết cách xoay xở nếu chẳng may rơi hoàn cảnh khó khăn. Và điều cốt tử về giáo dục khai phóng sẽ còn rất xa, trước khi ước muốn về những thế hệ học sinh có tư duy độc lập, biết/dám trình bày quan điểm cũng như tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Hôm cuối tuần, truyền thông đưa tin về lễ tuyên dương học sinh trung học đoạt giải Olympic quốc tế. Tất cả 24 lượt học sinh của 5 đoàn tham dự Olympic khu vực và quốc tế (gồm đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 4 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học và Tin học) đều đoạt giải và cả 5 đoàn đều có thí sinh đoạt huy chương Vàng.

Có vẻ, sự tưởng thưởng xứng đáng ấy luôn tác động mạnh mẽ đến nhận thức của xã hội về mục đích sự học. Ở một góc nhìn khác, tự hỏi, điều đó đủ chưa? Hay sẽ rơi vào ma trận đào tạo gà nòi, ngựa chiến để đi thi như các thầy cô lâu nay vẫn băn khoăn? Và, cũng như vị trí đứng đầu mà SEAMEO công bố kể trên, liệu có thực sự khiến chúng ta không lo lắng, về quan niệm “phát triển toàn diện” trong giáo dục? Bởi, giáo dục là khơi gợi chứ không phải đổ đầy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xin đừng đổ đầy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO