Khi truyền thông đưa tin quán bar ở phường Thảo Điền, quận 2 là ổ dịch lớn tại TP.Hồ Chí Minh, dư luận không khỏi thảng thốt. Ngoài sốc vì mức độ lây lan dịch Covid-19 nơi đây thì người ta cũng khá ngỡ ngàng vì cách đặt tên quán. Ở bài viết này, tác giả chỉ bàn đến vấn đề tên Buddha.
Tên đầy đủ của quán là “Buddha Bar & Grill” (bar Phật và Nướng). Vào trang fanpage Facebook của quán, ở phần giới thiệu có ghi: “Đây là một trong những quán bar và nhà hàng nổi tiếng nhất ở Thảo Điền trong 15 năm qua với các không gian phục vụ gặp gỡ, vui chơi, ăn uống như xem thể thao, chơi bida, nhạc sống…”. 15 năm rồi chứ không phải mới đây? Ở mục hình ảnh, có nhiều ảnh các bạn trẻ (đa số lacà người nước ngoài) ca hát, bia rượu, ăn mặc thiếu vải, nhảy nhót... bên cạnh không gian bày trí những biểu tượng Phật giáo, tượng Đức Phật, bồ tát... Liệu đây có phù hợp với chuẩn mực không?
Trên mạng xã hội và báo điện tử xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Có vài ý kiến cho rằng nên cởi mở trong việc đặt tên quán vì đó là biểu tượng, quan trọng là tâm mình có hướng Phật hay không mà thôi. “Tôi nghĩ ở đây không có đúng sai mà là cách tiếp cận với Phật giáo đang thay đổi. Đừng quá lo lắng, Phật ở trong tâm kia mà”, một tài khoản Facebook bình luận như thế.... Tuy nhiên, cũng rất nhiều người phản đối, kể cả giận dữ vì dám xúc phạm tôn giáo. Không những các vị tăng, ni, đại đức, hòa thượng bày tỏ bất bình trên báo chí mà cả ở những người theo đạo Công giáo, Cao Đài, Hồi giáo... cũng không đồng tình với hình ảnh này. Họ cho là quá phản cảm.
Theo cá nhân tôi, việc đặt tên quán và cách bày trí không gian trong quán theo phong cách tôn giáo không có gì là xấu, nếu như đó là thuần túy quán cơm chay, quán nước, quán sách... Nhưng nếu là quán bar thì hoàn toàn không nên vì nó không phù hợp với văn hóa người Việt (theo tôi ngay cả ở nước ngoài cũng thế). Tôn giáo luôn là biểu tượng tôn nghiêm, chuẩn mực, thanh cao. Chẳng phải khi vào giáo đường, chùa, luôn có nội quy phải ăn mặc kín đáo hay sao? Như mọi người đều biết, niềm tin tôn giáo rất mãnh liệt, nếu ai đó xúc phạm, có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Còn nhớ năm 2006, ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông nổ ra làn sóng biểu tình dữ dội vì một tờ báo Đan Mạch đã cho đăng 12 bức biếm họa trong đó có hình đấng tiên tri Muhammad mang một chiếc khăn xếp có hình một quả bom đã được châm ngòi (sau đó các báo phương Tây đã đăng lại) khiến nhà nước Đan Mạch thiệt hại kinh tế đáng kể. Năm 2015, một cuộc tấn công tòa soạn Charlie Hebdo (Paris, Pháp) bởi người Hồi giáo khi tờ báo này vẽ châm biếm về đấng tiên tri Muhammad...
Tôn giáo nào cũng giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giúp xoa dịu những nỗi đau tuyệt vọng về mặt tinh thần... Vì thế nên trân trọng tôn giáo. Về phía cơ quan chức năng, cần cân nhắc khi cấp phép cho các quán hoạt động nếu có liên quan đến tôn giáo. Bởi nếu sử dụng tên quán và không gian quán không phù hợp với vấn đề tôn giáo, rất có thể quán đó sẽ đã vi phạm Khoản 3, Điều 39, Luật doanh nghiệp: “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.