Xin việc & nghỉ việc

HẠNH NGUYÊN TRANG 16/03/2018 12:56

Tôi vẫn nhớ ngày rời khỏi cổng trường đại học với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, bao nhiêu ước mơ, hy vọng được dồn cả vào trong tờ đơn xin việc. Tôi luôn mang trong mình tâm thế sẽ gắn bó bền lâu với doanh nghiệp nào đó mà tôi gửi gắm trước khi “dấn thân” vào. Tôi cũng biết trên thế giới luôn tồn tại hai loại người. Loại thứ nhất, lúc nào cũng chỉn chu, tỉ mỉ cả trong lẫn ngoài, từ ngoại hình tới bản giới thiệu mô tả bản thân. Loại thứ hai là những người “hờ hững” ngay từ đầu với ý niệm “không có việc này thì sẽ có việc khác”. Vấn đề là chẳng có ứng cử viên nào biết trước nhà tuyển dụng sẽ ưu ái bên nào hơn?! Những công việc văn phòng như nhân viên ngân hàng, kế toán viên, kiểm toán viên…  tiêu chuẩn và yêu cầu sẽ khác biệt so với công việc của những nhân viên marketing, thiết kế, in ấn đồ họa… Tuy nhiên, trình độ học vấn và tác phong đàng hoàng bao giờ cũng sẽ được các nhà tuyển dụng cân nhắc hơn.

Người ta thường trách những người tìm việc thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu sự chuyên nghiệp, chưa đủ kiến thức mà quên mất rằng ai chẳng bỡ ngỡ hay “ngây thơ” khi sinh viên mới ra trường hay người trẻ lần đầu tìm việc. Có lẽ, câu hỏi tôi thấy hơi “thừa” nhưng vẫn được nhiều người phỏng vấn nhắc đến chính là “Anh/chị/em hiểu gì về công ty chúng tôi ngoài những thông tin đã đọc qua mạng?”. Chẳng phải nó sáo rỗng, lý thuyết vô chừng khi còn chưa được nhận vào, làm sao họ biết được công ty đó như thế nào cơ chứ?!

Đó là xin việc. Còn nghỉ việc? Có lắm chuyện để nói. Mâu thuẫn với đồng nghiệp, bất mãn với chế độ đãi ngộ, bằng mặt không bằng lòng với sếp, công việc quá áp lực và cạnh tranh… là những nguyên nhân khiến người ta nghỉ việc. Một nhân viên đã có tư tưởng nghỉ việc thì gần như 80% họ sẽ chỉ làm qua loa những ngày còn lại. Họ chẳng mảy may thông báo trước với sếp về quyết định của mình mà chỉ khi nào tìm được công việc mới “ăn chắc” thì họ mới nộp đơn xin thôi việc cho có cái gọi là thủ tục. Có cả tỷ lý do để người ta “goodbye” với công việc hiện tại. Dĩ nhiên, cách hành xử như thế sẽ phần nào đó đánh giá con người và tính cách của họ. Thực tế cho thấy có nhiều sếp cả ngày chỉ biết than vãn về việc nhân viên không tôn trọng, không nghe lời, không cư xử đúng mực với họ; thế nhưng cũng không ít nhân viên sẵn sàng trung thành cả đời với sếp cho đến khi đã nghỉ việc rồi. Một điều lạ nữa là nghỉ việc “hội đồng” dường như cũng đang trở thành trào lưu. Rủ rê người khác cùng nghỉ việc với mình mới hả hê. Vấn đề thực chất nằm ở nhân viên hay quản lý?

Thời đại công nghệ được phổ cập, mọi giao tiếp giữa người với người ít dần. Dù xin việc hay nghỉ việc người ta chẳng cần gặp mặt trao đổi trực tiếp mà chỉ cần “thông báo” qua email, tin nhắn điện thoại, facebook… là đủ. Trách nhân viên bảy, tám phần thì sếp cũng nên nhận ba, bốn phần trách nhiệm về mình. Cuộc sống cứ xoay vòng và cơ hội càng ngày càng được mở ra nhiều hơn cho những người có năng lực thực thụ. Tuy nhiên, khi nghỉ việc cũng nên tạo ấn tượng đẹp lúc chia tay. Thiết nghĩ chúng ta nên dùng cái tâm của mình để hành động trở nên lịch sự, chuyên nghiệp hơn dù là khi bắt đầu hay kết thúc một công việc nào đó.

HẠNH NGUYÊN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xin việc & nghỉ việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO