UBND tỉnh đã ban hành quyết định nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ (ĐT) 609, đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa (Đại Lộc) trở lên để xóa “điểm đen” mất an toàn giao thông (ATGT). Nhưng muốn thi công nhanh, khâu khai thông mặt bằng cần được tiến hành khẩn trương, hiệu quả.
Nhà thầu mới tiến hành thi công đoạn cuối tuyến qua xã Đại Nghĩa. Ảnh: C.T |
Ban hành chủ trương đầu tư
Báo Quảng Nam từng nhiều lần đề cập, tuyến ĐT609 dài hơn 46km, bắt đầu từ ngã ba Vĩnh Điện (Điện Bàn) lên đến xã Đại Hưng (Đại Lộc). Theo thời gian, nền đường nhiều đoạn bị sụt lún, hư hỏng nặng là “điểm đen” tai nạn giao thông. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, từ năm 2012 đến trước tháng 7.2017, UBND tỉnh phải nhiều lần cho nâng cấp, mở rộng không ít đoạn tuyến, dự án cầu mang tính cấp bách. Thế nhưng, do thi công “nhảy cóc”, nhiều vị trí qua địa bàn thị trấn Ái Nghĩa (km16+170,50; cống Bà Dân tại km16+900), xã Đại Nghĩa (km17+610,84-19,952,26) hay 2 xã Đại Lãnh và Đại Hưng (km37+000-km46+250) lần lượt xuống cấp trầm trọng. Người dân ở các địa phương trên nhiều lần bày tỏ bức xúc: “Đường đã hẹp và hư hỏng, xe tải chở cát và xi măng, gạch với tải trọng lớn lại thường xuyên lưu thông nên mất ATGT. Tuyến đường xuyên trung tâm các khu dân cư nhưng nắng bụi, mưa lầy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sinh hoạt, học tập và sản xuất kinh doanh của nhân dân”. Mỗi ai có dịp đi trên đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa, qua địa bàn khu 3, khu 2 và khu 1 của trung tâm huyện lỵ Đại Lộc đều cảm nhận sự nhếch nhác, gồ ghề tại ngã ba Ái Nghĩa (giao nhau giữa ĐT609 và ĐH1.ĐL) và cống Bà Dân.
“Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2701/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609 gồm 2 phân đoạn km17+610,84 - km19+952,26, km37+000-km46+250. Dự án cũng bổ sung vuốt nối tại ngã ba Ái Nghĩa và cầu Bà Dân” - kỹ sư Lê Ngọc Minh, cán bộ điều hành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nói. Theo đó, công trình được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng cũng có sự khác nhau, tùy vào tình hình thực tế địa bàn công trình đi qua. Tổng dự án công trình gần 118,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 96,9 tỷ đồng. Song vì khó khăn về nguồn vốn ban đầu, lý trình km17+610,84 - km19+952,26 qua xã Đại Nghĩa bị hư hỏng nặng, thật sự bức xúc được triển khai thi công trước.
Cốt yếu mặt bằng
Với dự án này, trước khi UBND tỉnh có chủ trương cuối cùng, đầu tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư, các cấp, ban ngành liên quan của huyện Đại Lộc đã tổ chức họp, đối thoại với nhân dân bị ảnh hưởng để vận động họ chấp thuận bàn giao mặt bằng thi công, chi phí bồi thường, hỗ trợ sẽ nhận sau. Có như vậy, công trình mới hoàn thành chậm nhất trước Tết Nguyên đán 2018. Còn nhớ tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến của nhân dân đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương vừa nêu. Ông Nguyễn Thêm, trú thôn Hòa Mỹ nói thêm: “Bà con ao ước con đường được làm nhiều năm rồi. Nay nghe tỉnh có chủ trương đầu tư, chúng tôi vô cùng phấn khởi, chờ dự án được triển khai”. Đến ngày 27.9, chủ đầu tư chính thức ký hợp đồng thi công công trình (cả 2 phân đoạn) cùng nhà thầu là Công ty TNHH MTV Duy Dũng, thời hạn thực hiện trong vòng 30 tháng, bắt đầu từ ngày 3.10 năm nay. Vào cuối tuần qua, kỹ sư Nguyễn Minh Đức - Chỉ huy trưởng công trường Công ty TNHH MTV Duy Dũng cho hay, doanh nghiệp mới triển khai trong phạm vi chiều dài khoảng 30m qua thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa. Theo phản ánh của nhà thầu, một số hộ dân không chấp thuận cho làm vì cần được ứng trước chút ít kinh phí để xây dựng lại vật kiến trúc, phần mái hiên bị giải tỏa; hoặc cần nắm chính xác giá bồi thường, hỗ trợ chứ không phải giá tạm thời.
Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, thông tin thêm, địa phương có tổng cộng 201 hộ dân thuộc địa bàn các thôn Phiếm Ái 1, Phiếm Ái 2, Hòa Mỹ, Mỹ Liên, Mỹ Thuận, Đại Phú bị ảnh hưởng về mặt bằng. Đại bộ phận nhân dân đều đồng tình, thống nhất với chủ trương chung và sẵn sàng tự tháo gỡ vật kiến trúc, chặt phá cây cối để bàn giao mặt bằng. “Chúng tôi thường xuyên đôn đốc ban nhân dân các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng. Tiếp nhận giải quyết nhanh kiến nghị của họ. Cấp có thẩm quyền cũng cần đẩy nhanh khâu phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhằm sớm chi trả tiền cho bà con xây dựng lại công trình bị ảnh hưởng, ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Nhớ kiến nghị. Nói về tình hình khơi thông qua xã Đại Nghĩa, Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc - ông Nguyễn Quang Hạo cho biết, đơn vị đã triển khai kiểm đếm, áp giá (tạm thời) tài sản, đất đai, cây cối và gửi đến từng hộ dân. Hộ nào thắc mắc cũng được giải thích cụ thể, rõ ràng. Thời gian tới, chi nhánh sẽ phối hợp, đôn đốc xã họp xác nhận nguồn gốc đất, công khai cho dân; đồng thời lập phương án, trình huyện phê duyệt thu hồi đất, giá bồi thường, hỗ trợ chính thức. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh), trong tuần này, chủ đầu tư phối hợp cùng địa phương, nhà thầu và đơn vị liên quan tiến hành dọn dẹp mặt bằng để biết được hộ nào chưa đồng thuận. Từ đây, các bên sẽ tiếp tục vận động để khai thông.
Đại diện nhà thầu cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành đồng thời vuốt nối đoạn ngã ba Ái Nghĩa và cống Bà Dân và sẽ hoàn thành đầu tháng 11 tới. Về đoạn tuyến mở rộng qua xã Đại Nghĩa, nhà thầu phấn đấu xong trước Tết Nguyên đán năm nay nhằm phục vụ nhân dân đi lại an toàn. Song với điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt mặt bằng phải được bàn giao sớm, chứ nếu để chờ phê duyệt xong giá chính thức và tiến hành chi trả thì mục tiêu về đích khó khả thi.
CÔNG TÚ