(QNO) - Đã có thời, người ta nghĩ, chuyện đường sá cách trở sẽ khiến việc xóa đói giảm nghèo ở mảnh đất thôn 2 (xã Trà Vinh, Nam Trà My) là không thể. Nay, đường vào thôn vẫn chưa có nhưng chuyện thoát nghèo của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Đổi thay này bắt đầu từ những chuyến đi giúp dân của Công an huyện Nam Trà My.
Trao cần câu
Tôi theo chân Trưởng thôn 2 - ông Hồ Văn Gương lội bộ vào nơi ông ở. Suốt gần 1 giờ đi bộ băng qua cánh rừng, chuyện ông nhắc nhiều nhất chính là việc suốt 3 năm qua chiến sĩ, cán bộ công an đã vào tận thôn giúp đồng bào biết làm ăn. “Hồi đó, thôn 2 khoảng trăm hộ dân thì tất thảy đều nghèo. Đường không có nên bà con không biết làm ăn ra sao để có tiền bạc, dựa vào cái rẫy, mảnh ruộng mà sống thôi. Nhưng không phải lúc nào cũng đủ lúa gạo, nếu mất mùa hoặc nhà ai đông con, ít đất thì sẽ thiếu ăn” - ông Gương nói như để tôi có thể tin rằng cái nghèo sẽ đeo bám mãi đồng bào nơi đây. Mà nghĩ thế thật khi thấy con đường vào thôn hun hút hơn 1 giờ đi bộ, người mướt mồ hôi.
Không có đường thông thương, thôn 2 xã Trà Vinh là một trong những thôn đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Đi bộ khoảng chừng 30 phút, ông Gương chỉ ngược lên ngôi làng gần nhất, chỉ loe hoe mấy nóc nhà, nói: “Trên đó có nhà anh Đinh Văn Tuấn, hồi xưa nghèo lắm còn giờ thì khá, có cái ăn cái để rồi”. Tôi phản ứng trong đầu vì nơi này cái nghèo là chuyện thường, chuyện khấm khá đủ ăn đủ sống mới là lạ. Tuy nhiên khi gặp thì anh Tuấn hồi hởi xác tín thông tin của ông trưởng thôn: “Tôi thoát nghèo rồi. Nhà có vườn trồng đến 600 gốc chuối, có mô hình chăn nuôi gần 100 con gà, vịt, có ruộng lúa, rẫy keo. Làm ra bán có tiền quanh năm”.
Anh Tuấn kể, gia đình có ngày hôm nay đều nhờ sự giúp sức của Công an huyện Nam Trà My. Hồi năm 2015, thấy gia đình có sẵn điều kiện đất đai mà không có vốn, không biết cách làm ăn nên cán bộ, chiến sĩ công an về đây phát rẫy, đào ao thả cá trắm, cá rô, cải tạo ruộng lúa cho nhà… để vươn lên thoát nghèo. “Cứ thế tôi thu hoạch bán lấy vốn đầu tư thêm. Giờ đã có sinh kế, vợ chồng không làm biếng, không say rượu, chỉ chú tâm làm ăn thôi” - anh Tuấn nói.
Chuyện của ông Hồ Văn Bành ở thôn này cũng vậy, không có vốn đầu tư vào sản xuất, không có nhiều lao động trong nhà, ông Bành đành phó mặc tất thảy ruộng lúa, vườn chuối theo kiểu có thì thu hoạch, còn không thì chấp nhận cái đói. Ông Bành bảo, trên này chẳng ai có đồng vốn giắt lưng, ông bà để lại mảnh vườn, miếng rẫy thì bám vào đó mà sống chứ chẳng biết làm gì hơn dù ông cũng muốn có gạo ăn, có tiền nuôi gia đình. Chính vậy, khi các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My lên đây sửa nhà, thả cá vào ao và mua cho ông chục con vịt giống, ông mừng ra mặt vì biết đây là cách làm ăn để thoát nghèo. “Mình đã hứa với các anh công an là không bán con vật nuôi được hỗ trợ để lấy tiền uống rượu, mà xem đó là vốn để chăm chỉ làm ăn. Với lại họ đã giúp mình vậy thì mình không thể tái nghèo, dị lắm!” - ông Bành chân thật.
Năm 2016, sau chuyến “hành quân” vào giúp dân của Công an huyện Nam Trà My, có 5 hộ chính thức thoát nghèo và có được sinh kế bền vững. Trưởng thôn Hồ Văn Gương cũng nằm trong số hộ thoát nghèo đó.
Thay đổi từ nhận thức
Trung úy Nguyễn Đức Tuấn - Phó đội trưởng Đội tình nguyện Công an huyện Nam Trà My nói ở vùng cao này, nếu trao tiền hỗ trợ cho dân thì số tiền ấy sẽ “biến” thành rượu hết. Đó cũng là chuyện “đau đầu” nhất trong việc giúp bà con thoát nghèo. “Chính vậy, tại thôn 2 xã Trà Vinh, chúng tôi lên đào nền nhà, dựng nhà cửa, cải tạo ruộng rẫy, mua các giống gia cầm, gia súc, cá giống, công cụ lao động trao cho họ, rồi vận động họ lấy đó làm kế sinh nhai. Chủ trương của mình là thay đổi nhận thức, vận động để bà con làm theo để tự thoát nghèo. Đồng thời, phải chọn những hộ có chí hướng muốn thoát nghèo để làm “điểm”, có thành công thì mới có thể vận động được” - Trung úy Tuấn nói.
Nhiều hộ dân đã tự thoát nghèo nhờ vào sự giúp đỡ của Đội tình nguyện giúp dân thoát nghèo Công an huyện Nam Trà My. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Trung úy Tuấn hồ hởi nói năm nay thôn 2 này có đến 7 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Chuyện ở xuôi nghe bình thường nhưng trên này là cả quá trình vận động, thuyết phục để bà con thay đổi nhận thức. Phần lớn đồng bào nơi đây nhận thức hạn chế, còn là hộ nghèo nghĩa là họ được hưởng nhiều khoản tiền hỗ trợ từ các chính sách, chế độ của nhà nước. Chính vậy, họ chẳng muốn thoát nghèo vì sợ mất các khoản tiền ấy.
Không chỉ có chuyện thoát nghèo, suốt 3 năm qua là một hành trình dài của Đội tình nguyện giúp dân thoát nghèo Công an huyện Nam Trà My trong việc thay đổi tập quán sinh sống được văn minh hơn. “Từ ngày các anh công an lên đây, bà con đã ăn uống hợp vệ sinh hơn, rác không vứt bừa bãi ra quanh nhà nữa mà đã biết dọn dẹp và đem đi đốt. Giờ thôn 2 không còn mang tiếng là thôn ăn dơ ở bẩn nhất Trà Vinh nữa” - Trưởng thôn 2 Hồ Văn Gương nói.
Gần nhất, Đội tình nguyện giúp dân của Công an huyện Nam Trà My dựng 1 căn nhà mới, đào 2 nền nhà, trồng 600 gốc chuối… cho các hộ nghèo thôn 2, giúp họ có điều kiện cần để làm ăn khá hơn. “Chuyện chống đói nghèo trên này còn dài lắm nhưng thành công nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách trong bà con đã dần dần mất đi. Và có nhiều bà con đến đề nghị chúng tôi hỗ trợ để đăng ký tự nguyện thoát nghèo là một thành công lớn. Thôn 2 Trà Vinh sẽ đổi thay” - đôi mắt Trung úy Nguyễn Đức Tuấn sáng lên trên đường trở về, dù mồ hôi đã ướt tấm lưng anh và đoàn tình nguyện.
ĐOÀN ĐẠO