Xóa lối đi tự mở qua đường sắt: Không đơn giản

NGỌC BÍCH 28/10/2022 12:09

Lối đi tự mở (đường ngang không hợp pháp băng qua đường sắt) là những “điểm đen” gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để xóa lối đi tự mở không phải chuyện đơn giản.

Đường ngang có cần chắn tự động giữa tuyến ĐH10.TB với đường sắt, đoạn qua xã Bình Chánh (Thăng Bình) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: TCT
Đường ngang có cần chắn tự động giữa tuyến ĐH10.TB với đường sắt, đoạn qua xã Bình Chánh (Thăng Bình) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: TCT

Tuyến ĐH10.TB, vị trí băng qua đường sắt tại địa phận xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình) được xác nhận là lối đi tự mở (LĐTM). Nơi đây, chiều 19/1/2016, một ô tô con cố đi qua đường sắt đã va chạm với tàu lửa khiến 2 người tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng. Sau đó, khi tỉnh và huyện kiến nghị, Bộ GTVT chấp thuận cho Thăng Bình triển khai xây dựng đường ngang hợp pháp. Năm 2022, đường ngang này đã được đầu tư xây dựng cần chắn tự động với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, người tham gia giao thông không còn phải thấp thỏm lo âu mỗi lần lưu thông qua điểm giao với đường sắt trên tuyến ĐH10.TB. Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đang cho thiết lập chốt gác cảnh giới nơi giao nhau giữa đường sắt với 2 tuyến ĐH13.TB và ĐH25.TB, đây cũng là những điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cao.

Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 62 LĐTM. Trong các năm 2020, 2021 và 2022, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với địa phương và Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập chốt gác tại 9 LĐTM qua đường sắt thuộc địa phận các xã Duy Sơn (Duy Xuyên), Bình Trung, Bình An (Thăng Bình), Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, thị trấn Núi Thành (Núi Thành) và các phường Hòa Thuận, Trường Xuân (Tam Kỳ). Nhờ có chốt gác, người và phương tiện qua lại đường sắt được đảm bảo an toàn. Ngoài thành lập đường ngang và xây dựng chốt gác, ngành chức năng đã rào thu hẹp bề mặt của 19 lối đi tự mở nhằm không cho ô tô qua lại.

Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Hồ Quang Minh cho hay, năm 2020, ngành phối hợp cùng đơn vị quản lý đường sắt và địa phương xây dựng hoàn thành 2 đường gom dân sinh kết hợp hàng rào bảo vệ có tổng chiều dài 0,5km. Nhờ đó, xóa được 2 LĐTM thuộc xã Tam Nghĩa (Núi Thành). Năm 2021, Ban ATGT tỉnh dự kiến triển khai xây dựng 0,6km đường gom và hàng rào bảo vệ phía bên trái đường, nhằm xóa 5 LĐTM tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành). Tuy nhiên, công trình đang “dậm chân tại chỗ” do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, nếu xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang đường sắt thì phạm vi giải phóng mặt bằng rộng (tính từ mép ray ngoài cùng ra khoảng 14m), chi phí bồi thường hỗ trợ rất lớn do hiện trạng nhà dân sinh sống đông đúc. Ngược lại, kinh phí được giao không đảm bảo xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ và giải phóng mặt bằng. Còn nếu xây dựng đường gom trên nền đường đất hiện trạng trong phạm vi đất dành cho đường sắt, Bộ GTVT lại không chấp thuận.

Quyết định số 2044 ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh nêu rõ, để xóa toàn bộ LĐTM trên địa bàn thì cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, 23km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui. Tuy nhiên, việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định sẽ gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường giải tỏa rất lớn do nhà cửa, vật kiến trúc người dân đã xây dựng đến mép ranh giới phạm vi đất dành cho đường sắt, không còn quỹ đất để bố trí đường gom. Sở GTVT mới đây đã kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam xem xét chấp thuận việc xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ để xóa LĐTM trong một số trường hợp được thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ về “xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt”.

Phương án đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt đã được UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên kinh phí bố trí cho Sở GTVT để thực hiện trong năm 2020 và 2021 quá ít (khoảng 2 tỷ đồng). Với nguồn lực hạn chế như trên, kế hoạch đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ LĐTM trên địa bàn tỉnh sẽ khó về đích. Do đó, ngành chức năng kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn phù hợp để thực hiện. Đồng thời cho phép nâng cấp lên đường ngang hợp pháp tại LĐTM đường vào Trung đoàn 733 (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) và 5 LĐTM khác qua các xã Điện Hòa (Điện Bàn), Bình Trung (Thăng Bình), Tam Nghĩa (Núi Thành) có lưu lượng xe đông đúc; sớm bố trí kinh phí làm hầm chui qua đường sắt tại LĐTM lý trình km849+800 (giao với ĐH25.TB qua xã Bình An, Thăng Bình) để đảm bảo ATGT trên cung đường huyết mạch này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xóa lối đi tự mở qua đường sắt: Không đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO