Để Quảng Nam hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu toàn tỉnh quyết liệt thực hiện theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”.
Cả xã hội chung tay
Cuối tuần qua, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 25 ngày 31/3/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì hội nghị.
Báo cáo cho biết, qua 3 năm triển khai Chỉ thị 25, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành xây dựng và sửa chữa 5.590 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, đạt tỷ lệ 47,47% trên tổng 11.761 nhà của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, đến nay nguồn ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình trên toàn tỉnh.
Tính đến ngày 10/3, tổng nguồn kinh phí ngân sách đã bố trí và nguồn huy động đạt 405,9 tỷ đồng, đã phân bổ cho các địa phương 222,4 tỷ đồng. Riêng nguồn huy động xã hội hóa đã chuyển vào tài khoản và đăng ký trao bảng ủng hộ lên đến hơn 144 tỷ đồng.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa được Mặt trận các cấp triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao. Nhiều đơn vị cấp huyện vận động kinh phí cao như huyện Nam Giang (hơn 2,3 tỷ đồng), thị xã Điện Bàn (gần 1,8 tỷ), huyện Đại Lộc (hơn 1,2 tỷ đồng)...
Các doanh nghiệp tích cực ủng hộ kinh phí lớn như Tập đoàn KN Holdings (45 tỷ đồng), THACO (15 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại CP Quân đội và Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (mỗi đơn vị 10 tỷ đồng)...
Chia sẻ tại hội nghị sơ kết Chỉ thị 25, đại diện THACO nhấn mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình có ý nghĩa nhân văn, thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc. Là doanh nghiệp lớn của đất nước, THACO có trách nhiệm chung tay cùng cả nước thực hiện chương trình.
Không để “đi trước về sau”
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, khối lượng công việc xóa nhà tạm còn lại của tỉnh rất lớn với 6.171 nhà (4.282 nhà xây mới và 1.889 nhà sửa chữa).
Hoàn thành xóa nhà tạm mang ý nghĩa hết sức nhân văn, đồng thời là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, cam kết với Trung ương và đặc biệt với người dân. Đó là quyết tâm không để người dân phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát.
“Nói tăng trưởng, thành tích gì đi chăng nữa nhưng đời sống nhân dân không được cải thiện, 50 năm giải phóng mà dân vẫn phải ở trong nhà dột nát là điều trăn trở” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ.
Nhấn mạnh sự vào cuộc, tiếp cận sớm của tỉnh trong xóa nhà tạm, nhà dột nát trước khi Trung ương phát động, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lo lắng Quảng Nam dễ “đi trước về sau”.
Để thực hiện hoàn thành khối lượng lớn trong thời gian ngắn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, nếu không có sự vào cuộc một cách cụ thể, quyết liệt ngay từ bây giờ thì rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, người đứng đầu các địa phương vào cuộc thực chất, phân công cụ thể, sâu sát, quyết liệt theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”.
Trong triển khai, các địa phương rà soát số liệu chính xác, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Từng địa phương lập kế hoạch chi tiết có lộ trình theo nhóm đối tượng cụ thể.
“Có danh sách thì phải lập tiến độ cụ thể, chi tiết và theo dõi thì mới ra việc. Nếu không sẽ lúng túng vì mỗi xã có đến mấy trăm nhà, chẳng biết ai làm trước ai làm sau, điều kiện như thế nào” - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Về tiến độ, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị tập trung ưu tiên xóa nhà tạm cho gia đình người có công hoàn thành trước 27/7. Các địa phương đồng bằng hoàn thành dứt điểm xóa nhà tạm trước ngày 30/8. Các ngành, địa phương kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hồ sơ thủ tục đất đai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “phải có đất cho người dân làm nhà”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sớm hướng dẫn hình thức vay vốn từ nguồn ngân sách ủy thác; tuyệt đối không để thiếu nguồn, chủ động tạm ứng nguồn phân bổ cho các địa phương trong khi chờ Trung ương. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động trong sắp xếp, bàn giao nhiệm vụ trước chủ trương sắp xếp địa giới hành chính.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước tỉnh trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm. Nhấn mạnh “bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đủ nguồn vốn để xóa nhà tạm”, đồng chí Lê Văn Dũng giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh sử dụng tạm nguồn dự phòng, nguồn cải cách tiền lương… phân bổ cho các địa phương trong khi chờ vốn Trung ương.
Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị trước ngày 10/4/2025 phải đảm bảo nguồn vốn cho các địa phương thực hiện. Nơi nào làm chậm thì điều chuyển cho địa phương khác. Để quá thời gian thì địa phương đó phải tìm nguồn, ự vận động để làm nhà cho dân.