Sự khủng hoảng phát hành đã được nói đến từ lâu nhưng xem ra với nhiều tờ báo, nhất là các báo được bao cấp, chuyện vượt qua nó vẫn còn là bài toán nan giải. Số lượng phát hành giảm đã khiến một số tờ báo phải đóng cửa, nhưng đó vẫn chưa phải là nguyên nhân chính, chính lượng doanh thu từ quảng cáo tụt giảm mới là nguyên nhân chính khiến nhiều tờ báo danh tiếng đã phải nói lời chia tay bạn đọc.
(Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Chúng ta có vài ví dụ về cả hai trường hợp này. Tạp chí Kiến Thức ngày nay, thu hút người đọc ở lượng thông tin phong phú, đa dạng từ các nguồn dịch thuật đã đạt số lượng phát hành khủng, đến 300.000 số mỗi kỳ, khi mà internet chưa là nguồn thông tin chính; có internet, nhất là khi có Google, nguồn thông tin trên Kiến thức ngày nay trở nên không còn đáng kể và hiện nay tờ này chỉ còn vài ngàn mỗi kỳ. Tờ Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) thì khác, là một tờ báo màu, in đẹp, giá thành chỉ riêng tiền in thôi đã tới 15.000 đồng mỗi tờ, nhưng giá bìa chỉ 3.000 đồng; có nghĩa là tờ báo sống được nhờ vào nguồn quảng cáo phong phú mà hiếm tờ nào có được. Ai quảng cáo ở đâu thì quảng cáo nhưng cuối cùng rồi cũng phải mang đến SGTT, vì ở đó sản phẩm của họ mới xuất hiện đẹp nhất với trang in màu trên giấy tốt. Thế nhưng rồi một cách lặng lẽ nguồn quảng cáo trên SGTT tụt giảm dần, tờ báo phải đóng cửa, dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng khủng hoảng tài chính là nguyên nhân được các cơ quan chủ quản công bố chính thức. Bộ máy nhân lực của SGTT vẫn được “gom” về một tờ báo khác nhưng xem ra ở tờ báo mới đội ngũ này vẫn chưa thoát khỏi cách làm cũ, trang điện tử vẫn chỉ là một trang phụ và hầu như không đem lại nguồn thu nào.
Khi mỗi người là một nhà báo, mỗi trang Facebook cá nhân là một tờ báo thì rõ ràng vai trò của báo chí đã bị tụt giảm rất nhiều. Một status ngắn trên Facebook về chuyện con đường bộ lên núi Bà Nà bị cấm đã khiến hầu như tất cả tờ báo vào cuộc; câu chuyện bảo vệ Sơn Trà cũng từ những phân tích nhỏ của các cá nhân đã khiến nhiều lãnh đạo cấp bộ phải nhắn tin cho ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng để nói nhỏ “thôi nhắc đến tên mình giùm”. Vẫn còn có thể kể nhiều nữa những tác động của các trang Facebook cá nhân làm được những việc như một một nhà báo thực thụ, thậm chí như một trang báo đúng nghĩa, tác động rất rõ đến các chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Vai trò báo chí ở ta hiện nay cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các trang mạng xã hội về cạnh tranh thông tin, có những thông tin khi được công bố chính thức bởi tờ báo chính thống thì người đọc đã biết rõ từ trước rồi.
Dĩ nhiên, với đội ngũ phóng viên đông, tay nghề có thì không bất cứ cá nhân nào có thể thay thế được một tờ báo một cách đúng nghĩa, thế nhưng trong thực tế có thể nói các báo chưa biết khai thác lợi thế này như thế nào để hiệu quả nhất.
Quảng cáo cũng đã thay đổi, từ chỗ chú tâm vào các trang web thì bây giờ quảng cáo trên chiếc điện thoại cầm tay đang chiếm thị phần lớn; thế nhưng nhiều tờ báo địa phương chưa biết làm thế nào để bài viết của mình xuất hiện được ở cái màn hình bé xíu ấy, và hơn thế nữa, thu tiền quảng cáo được khi một tin hot nào đó độc quyền ở địa phương chiếm lĩnh được sự quan tâm của bạn đọc. Dầu có bài hay, có nguồn thông tin nóng thì các trang báo mạng chuyên dẫn link cũng “hớt tay trên” khi đem về trang mình và thu được tiền khi chèn được quảng cáo.
Chủ yếu, các báo địa phương đang không biết làm thế nào để giới thiệu bài viết của mình đến với chiếc điện thoại người ta nhìn vào khi ngồi cafe sáng; và cũng không biết làm thế nào để thu được tiền khi bạn đọc nào đó quan tâm đến nguồn thông tin của mình từ chiếc điện thoại bé xíu họ cầm.
Có lẽ khi nhìn được vấn đề như thế thì cách giải quyết không còn khó nữa.
Thói quen báo chỉ nhận đăng quảng cáo chứ có lẽ chưa nhiều tổng biên tập nghĩ đến việc cần phải chi tiền để đăng quảng cáo bài viết hay trên báo mình ở một trang mạng nào đó. Hiện, giá để xuất hiện bài viết xuất sắc, tin hot của báo mình trên Facebook là khá rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng là có thể hàng chục ngàn người nhìn thấy, vài phần trăm của số chịu chạm vào link để xem. Vấn đề là ta thu quảng cáo thế nào khi bạn đọc đã vào nhà mình, và cách giữ chân họ ở lại lang thang trên trang web của mình như thế nào thì không mấy người nghĩ đến một cách thấu đáo. Ở đây đội ngũ chuyên gia không hề thiếu, thế nhưng không chỉ các báo chưa biết đến họ mà họ hình như cũng chưa biết khai thác thị trường rất lớn này.
HỒ TRUNG TÚ