Hậu COVID-19, khi du lịch dần phục hồi trở lại quỹ đạo cũ cũng là lúc bài toán nhân lực của ngành này lại được xới lên.
Chật vật về chất lẫn lượng
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 60 - 70% (trong tổng số 18.000) người lao động trong ngành du lịch quay trở lại làm việc sau đại dịch COVID-19. Thực trạng lao động du lịch thất nghiệp đã được khắc phục và câu chuyện chật vật về số lượng, chất lượng lao động trong ngành lại dấy lên.
Bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) cho biết, tình hình phục hồi thị trường khách trong những tháng đầu năm 2023 ở Hội An vượt ngoài mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến nhân lực thiếu hụt bởi các đơn vị chỉ mới vận hành trở lại khoảng 60 - 70% lượng nhân sự so với trước COVID-19.
“Doanh nghiệp du lịch địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm vị trí ở đủ các bộ phận, trong đó nhân sự quản lý cấp cao càng khan hiếm. Hiện nhiều doanh nghiệp, khách sạn đang bỏ trống hoặc phải kiêm nhiệm.
Khoảng trống này là bởi một phần lao động chất lượng của ngành du lịch hiện đã rời khỏi ngành hoặc tìm kiếm cơ hội ở những thành phố du lịch khác trong khi nhiều vị trí cần kinh nghiệm nắm bắt thị trường nên nhân sự mới khó lòng đáp ứng” - bà Minh nói.
Ông Chu Sang - phụ trách bộ phận đào tạo và phát triển nhân sự Four Season Resort The Nam Hai Hoi An cho rằng, khả năng đa nhiệm của người lao động trong ngành du lịch hiện chưa cao và nếu có giải pháp hợp lý để cải thiện thì cơ hội phát triển năng lực, thu nhập cho người lao động là rất rộng mở. Dù vậy, việc nâng cao năng lực nhân sự chỉ thành công khi có sự hợp tác của cả cơ sở du lịch và người lao động.
Ông Nguyễn Quang - Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam (Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) nhận định, du lịch Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung thời gian tới chắc chắn sẽ phục hồi mạnh mẽ. Chúng ta không nên tự hào về việc có nguồn nhân lực giá rẻ, cần tạo cho nhân viên, người lao động cơ hội phát triển và môi trường làm việc tốt.
Theo ông Quang, nguy cơ thiếu hụt lao động chất lượng trong ngành du lịch đã manh nha xuất hiện ở thời điểm trước năm 2019 khi du lịch bùng nổ. Cần phải nhìn nhận là chế độ quyền lợi cho nhân viên khách sạn hiện chưa tương xứng trong khi yêu cầu đối với người lao động khá cao. Bên cạnh đó là thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc tuyển dụng giữa các khách sạn.
Nâng cao chất lượng lao động
Với mục tiêu phát triển du lịch xanh, yêu cầu về nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch Quảng Nam hậu COVID-19 càng cấp thiết hơn. Hiện nay, lực lượng lao động nòng cốt tại các doanh nghiệp gồm các cấp quản lý, trưởng bộ phận hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã qua đào tạo được doanh nghiệp giữ lại hoặc quay lại làm việc có hơn 4.000 người.
Theo đăng ký đầu tư các dự án cam kết hoàn thành trước năm 2025, dự báo Quảng Nam sẽ có thêm khoảng 7.000 phòng lưu trú và tổng số lao động trong toàn ngành du lịch sẽ nâng lên khoảng 23.000 người. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Quảng Nam đến năm 2025.
Theo Sở VH-TT&DL, từ nay đến năm 2025 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung đào tạo trình độ sơ cấp nghề dưới 3 tháng cho khoảng 2.000 lao động.
Đồng thời, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho khoảng 2.500 người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, mỗi năm các doanh nghiệp sẽ tự đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 3.000 lao động về kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ cũng như các kỹ năng khác.
Bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam cho hay, để có nguồn nhân sự chất lượng trong ngành du lịch cần tiến trình đào tạo từ cơ sở giáo dục và thời gian thích ứng thực tiễn.
Ngoài việc từng khách sạn tiếp nhận và có quy trình đào tạo riêng, CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam hiện cũng có kế hoạch về việc kết nối, tập hợp đào tạo, nâng cao chất lượng chung trong mạng lưới doanh nghiệp du lịch. Chẳng hạn tùy theo tháng sẽ có khóa tập huấn, đào tạo về từng bộ phận riêng và các khách sạn có nhu cầu sẽ gửi nhân sự của mình đào tạo.