Xoay xở phục hồi chức năng

XUÂN HIỀN 04/08/2019 15:55

Hiện nay, ngành phục hồi chức năng (PHCN) ở nhiều địa phương trong cả nước phát triển mạnh từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người bệnh. Trong khi đó, tại Quảng Nam, ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người khuyết tật đang rất cần các dịch vụ phục hồi chức năng để cải thiện sức khỏe. Ảnh: X.HIỀN
Người khuyết tật đang rất cần các dịch vụ phục hồi chức năng để cải thiện sức khỏe. Ảnh: X.HIỀN

TUYẾN ĐẦU THIẾU... BÁC SĨ

Bệnh viện (BV) Y học Cổ truyền (YHCT) Quảng Nam được Sở Y tế lựa chọn phát triển Khoa PHCN với đầy đủ dịch vụ kỹ thuật, sẽ là tuyến cao nhất của tỉnh về lĩnh vực này và chỉ đạo tuyến. Thế nhưng, từ tháng 5 đến nay, sau một công văn của Bộ Y tế, Khoa PHCN của BV trở thành nơi không có bác sĩ chuyên khoa hành nghề.

Từ một công văn

Cuối tháng 3.2019, Bộ Y tế ban hành Công văn 1659/BYT-PC chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề y dược, trong đó yêu cầu rà soát toàn bộ chứng chỉ hành nghề YHCT. Theo đó, bác sĩ hành nghề YHCT không được phép hoạt động sang các chuyên khoa khác và ngược lại. Việc rà soát, xử lý và thu hồi chứng chỉ hành nghề được thực hiện hoàn tất vào cuối tháng 4. Như vậy, từ tháng 5, tất cả bác sĩ có chứng chỉ hành nghề YHCT chỉ được hoạt động trong phạm vi chuyên môn của mình. Cùng với đó, Bộ Y tế quyết định tạm dừng cho phép bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ, y sĩ YHCT đối với các chuyên khoa khác.

Hoạt động trị liệu - PHCN của bệnh nhân tại BV YHCT tỉnh. Ảnh: X.HIỀN
Hoạt động trị liệu - PHCN của bệnh nhân tại BV YHCT tỉnh. Ảnh: X.HIỀN

Với mục tiêu phát triển đã đề ra trước đó, Khoa PHCN của Bệnh viện YHCT tỉnh được đầu tư khá quy mô với số lượng giường bệnh phục vụ điều trị nội trú đến 64 giường thực kê, chưa tính số bệnh nhân điều trị ngoại trú hằng ngày; trang thiết bị dành cho vật lý trị liệu PHCN cũng như máy móc thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng đều được trang bị chu đáo. Ông Cao Văn Trọng - Trưởng khoa PHCN (BV YHCT tỉnh) cho biết, chiếu theo quy định của công văn, dù hiện nay ông là trưởng khoa nhưng vẫn không thể trực tiếp thực hiện các kỹ thuật PHCN.

Trước khi có công văn của Bộ Y tế, Khoa PHCN của BV có 3 bác sĩ, trong đó bác sĩ Cao Văn Trọng được đào tạo định hướng PHCN, hai bác sĩ khác có chứng chỉ hành nghề PHCN. “Chúng tôi xuất thân đều là bác sĩ YHCT, được đào tạo thêm về PHCN. Bởi ít có bác sĩ ngành khác chọn làm ở BV chuyên về YHCT nên chúng tôi được đào tạo thêm các chuyên ngành khác là điều đương nhiên” - ông Cao Văn Trọng nói. Từ ngày 1.5.2019 khi công văn của Bộ Y tế có hiệu lực, Sở Y tế phải cử một bác sĩ chuyên khoa về PHCN của Trung tâm Giám định pháp y đến công tác bán thời gian tại khoa. Biện pháp này được xem như cách giải quyết tạm thời để chờ hướng xử lý từ Bộ Y tế.

Chờ đợi giải pháp

Một ngày tại Khoa PHCN của BV YHCT, số lượng bệnh nhân ra vào khá đa dạng, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Mỗi bệnh nhân ý thức được sự cần kíp của PHCN nên sẵn sàng hợp tác với y bác sĩ cùng mong mỏi bình phục hoàn toàn. Với họ, vật lý trị liệu là bước nối dài của điều trị, chỉ là chuyển từ giường bệnh này sang giường bệnh khác. Quan trọng như vậy, nhưng đội ngũ PHCN của các BV, cơ sở y tế hiện nay nói chung, BV YHCT tỉnh nói riêng, hầu như chỉ mới đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu người dân.

Vai trò của PHCN đang được nhận diện rõ ràng hơn; sự phát triển của xã hội kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại cho phép các bác sĩ có thể áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến nhất trong phương pháp điều trị, phục hồi. Chất lượng cũng như quy mô của ngành PHCN ngày càng được nâng cao, mở rộng hơn. Không chỉ sử dụng những liệu pháp cổ truyền như xoa bóp, dưỡng sinh hay châm cứu... hiện nay ngành PHCN còn sử dụng những liệu pháp công nghệ cao, ứng dụng chuyên sâu như vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, dụng cụ chỉnh hình...

Ông Cao Văn Trọng nói thêm, hiện nay, cùng với việc thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa, lực lượng kỹ thuật viên đối với khoa cũng là vấn đề. “Nhằm đáp ứng nhu cầu, bác sĩ YHCT được đào tạo định hướng để hoạt động thêm ở chuyên khoa khác trong các BV YHCT có lẽ là điều diễn ra trên cả nước. Bởi cũng như bác sĩ chuyên ngành khác, đội ngũ kỹ thuật viên dễ dàng kiếm được việc làm ở nơi có thu nhập tốt hơn, trước khi nghĩ đến BV YHCT” - ông Trọng nói.

Trước những vướng mắc, bất cập của Khoa PHCN tại BV YHCT tỉnh hiện nay, ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp. Trong trường hợp không xử lý được, buộc BV YHCT phải cắt cử người đi học và nhận thêm bác sĩ chuyên khoa PHCN về làm việc, chứ không thể để tình trạng Khoa PHCN không có bác sĩ tại chỗ như thế này.

Theo các cán bộ của Khoa PHCN BV YHCT, do thiếu bác sĩ PHCN (chiếu theo quy định của Bộ Y tế) nên số lượng bệnh nhân đến với khoa cũng đang có dấu hiệu chững lại. Mặt khác, mọi thủ tục chứng từ điều trị liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế phải do bác sĩ chuyên ngành cử từ Trung tâm Giám định pháp y sang ký, ngành bảo hiểm mới chấp nhận, trong khi đó bác sĩ này làm bán thời gian nên cả trong điều trị cũng như việc giải quyết thủ tục cho người bệnh đều gặp không ít khó khăn.

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Trong khi phục hồi chức năng (PHCN) vẫn chủ yếu dành để chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật (NKT), thì vì nhiều lý do, hiện nay số NKT được tiếp cận với các dịch vụ PHCN vẫn còn khó khăn.

Người khuyết tật đang rất cần các dịch vụ PHCN để cải thiện sức khỏe. Ảnh: X.HIỀN
Người khuyết tật đang rất cần các dịch vụ PHCN để cải thiện sức khỏe. Ảnh: X.HIỀN

Theo thống kê của Hội NKT tỉnh, hiện nay số lượng NKT kể cả thương bệnh binh trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 100 nghìn người, nhưng việc chăm sóc sức khỏe và can thiệp sớm cho NKT vẫn chưa được quan tâm đúng mức. NKT hiện chủ yếu sống ở các vùng nông thôn, trong khi tại tuyến xã thiếu người có chuyên môn và kinh nghiệm về PHCN; việc triển khai công tác phòng ngừa, PHCN đang gặp khó về kinh phí và nhân lực để hỗ trợ NKT.

Dù số lượng NKT khá nhiều nhưng hiện nay Quảng Nam chỉ có 15 tổ PHCN tại 15 BV Đa khoa tuyến huyện và 3 Khoa PHCN tại 3 BV tuyến tỉnh (bao gồm BV Đa khoa tỉnh, BV YHCT, BV Đa khoa miền núi phía Bắc). Ở tuyến huyện, các tổ PHCN lồng ghép trong Khoa Đông y tại các Trung tâm Y tế huyện; trong khi việc chăm sóc NTK cần phải có kỹ năng, đặc biệt đối với NKT đang sinh sống tại những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên việc hỗ trợ họ thăm khám tại các cơ sở y tế vẫn là một chuyện khó. Chị Nguyễn Thị Kim (NTK tại xã Đại Lãnh, Đại Lộc) cho biết, từ nhà đến BV Đa khoa miền núi phía Bắc khá xa, mà NKT thì dĩ nhiên chuyện đi lại gặp nhiều khó khăn, chị vẫn mong cơ sở y tế ở xã của mình có thể tư vấn PHCN đối với những thể bệnh nhẹ như chị. Đại diện Hội Người mù tỉnh cũng cho rằng, PHCN tại cơ sở rất quan trọng và điều này chính là tạo điều kiện tốt nhất cho NKT.

Xây dựng mô hình “Nhà trung chuyển”

Tại hội thảo về “Mô hình hỗ trợ PHCN cho người khuyết tật ” tổ chức tại Quảng Nam, khá nhiều đại biểu đồng tình với mô hình “Nhà trung chuyển” xây dựng tại các cơ sở y tế có chuyên ngành PHCN. Thời gian tới, mô hình này sẽ được hỗ trợ dưới dạng phòng thực hành chức năng sinh hoạt hằng ngày tại các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN, giúp NKT có thể tiếp cận và học lại các chức năng, kỹ năng sinh hoạt hằng ngày.

Tương đồng với những suy tư của NKT ở các địa phương, tại hội thảo về “Mô hình hỗ trợ PHCN cho NKT” vừa tổ chức tại TP.Tam Kỳ, khá nhiều ý kiến đại biểu đến từ trung tâm y tế các địa phương cho rằng hiện nay vẫn chưa có hành lang tiếp cận để NKT đến khám chữa bệnh, khiến nhiều NKT ngại khi phải đến cơ sở y tế. Đồng thời nhiều thông tư và quy định của Bộ Y tế về hỗ trợ việc khám chữa bệnh cũng như đầu tư trang thiết bị cho NKT vẫn chưa được thực hiện tại Quảng Nam.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, hiện nay việc thống kê số lượng NKT vẫn chưa thật sự đầy đủ. Ở cấp xã, dạng tật khó xác định vì độ vênh giữa cộng đồng và ngành y tế. Nếu tỉnh tổng số, toàn tỉnh ước phải hơn 100 nghìn NKT. Theo bà Ngọc, mỗi cơ sở y tế nên có 1 khoa về PHCN để NKT dễ dàng tiếp cận. Đang có 4 dự án hỗ trợ NKT tại Quảng Nam hoạt động, bao gồm dự án “Hỗ trợ NKT vận động IC”, dự án “Tôi lớn mạnh”, dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT”, dự án “Hãy nắm lấy tay tôi”. Các dự án đang phối hợp triển khai cùng ngành y tế và ngành LĐ-TB&XH để duy trì mạng lưới chương trình PHCN dịch vụ cộng đồng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.

Riêng với dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT” vẫn đang nỗ lực để NTK dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, trong đó công tác PHCN cùng các dụng cụ, trang thiết bị hỗ trợ được quan tâm đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng cho biết, dự án nhằm cải thiện việc thực thi chính sách về NKT, tập trung vào tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khỏe cho NKT. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ NKT tại cộng đồng còn thiếu, chưa kể nhân lực chăm sóc, hướng dẫn và tập luyện cho NKT, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn chưa đủ kiến thức và điều kiện để phục vụ NKT tại cộng đồng.

NAN GIẢI CHUYỆN NHÂN LỰC

Đội ngũ làm việc trong ngành PHCN tại Quảng Nam hiện nay đang là câu chuyện khó khăn nhất của ngành Y tế.

Khoa PHCN tại BV YHCT tỉnh đang thiếu nhân lực chuyên môn. Ảnh: X.HIỀN
Khoa PHCN tại BV YHCT tỉnh đang thiếu nhân lực chuyên môn. Ảnh: X.HIỀN

Sau Công văn số 1659/BYT-PC, ngày 9.7.2019 Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 3928/BYT-K2ĐT yêu cầu ngừng đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ. Lý do yêu cầu ngừng đào tạo được Công văn số 3928/BYT-K2ĐT nêu rõ: “Việc đào tạo định hướng chuyên khoa hiện nay không được kiểm soát về chất lượng của cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình đào tạo và chưa có chuẩn năng lực chung để bảo đảm chất lượng đào tạo”. Như vậy, cùng với Công văn số 3928/BYT-K2ĐT và Công văn số 1659 ban hành trước đó, đồng nghĩa với các bác sĩ được đào tạo định hướng chuyên khoa PHCN hiện không được hành nghề.

Trên thực tế, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế lâu nay đã tổ chức các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa (chuyên khoa sơ bộ), cấp chứng chỉ cho các bác sĩ bắt đầu định hướng vào một chuyên khoa cụ thể ở một mức độ nhất định, để tham gia công tác khám chữa bệnh chưa đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu, với thời gian đào tạo từ 6 - 12 tháng. Việc đào tạo này hầu hết do các trường đại học y dược, các bệnh viện tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học, của cơ sở khám chữa bệnh. Chương trình của các khóa học đều do các đơn vị tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức đào tạo...

Hiện nay ở cơ sở y tế, các khoa phòng, tổ PHCN của các tuyến còn yếu, cần thiết phải được đầu tư. Nên chăng Sở Y tế Quảng Nam cố gắng làm sao trong thời gian các dự án về NKT đang triển khai tại tỉnh, tranh thủ các nguồn để đầu tư vào ngành PHCN, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho NKT trên địa bàn. Cùng với đó, ở các bệnh viện tuyến tỉnh, việc thiếu nhân lực, nhân lực không mặn mà với ngành PHCN, cần phải tìm đường hướng, phát triển kỹ thuật cao và kỹ thuật sâu, nâng cao vai trò của PHCN đối với công tác khám chữa bệnh, để vị trí của ngành được nâng lên. Lúc đó mới có được sự quan tâm đúng mức của cả lãnh đạo cơ sở y tế lẫn người bệnh”. (Ông Lê Tuấn Đống - Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

Ông Trương Quang Bình - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y  Sở Y tế cho biết, căn cứ các công văn của bộ, hiện nay ngành y tế Quảng Nam đã chỉ định không cho hoạt động đối với các bác sĩ được đào tạo định hướng PHCN. Mặc dù trước đây cũng chính sở đồng ý cho các cơ sở y tế đưa người đi đào tạo định hướng chuyên khoa về phục vụ việc khám chữa bệnh. Riêng đối với ngành PHCN, hiện có đến 8 bác sĩ đang theo chương trình đào tạo định hướng, trong đó BV YHCT tỉnh có đến 4 bác sĩ. “Nhân lực hiện nay là vấn đề bức thiết nhất đối ngành PHCN của tỉnh. Hiện tại chỉ có 6 bác sĩ CKI về PHCN tại 18 cơ sở y tế và các bệnh viện. Tuyến xã không có nhân lực về PHCN” - ông Trương Quang Bình nói.

Theo nhìn nhận của nhiều y bác sĩ tại các trung tâm y tế, việc quy định chỉ có bác sĩ và y sĩ chuyên ngành PHCN mới được quyền chỉ định về vật lý trị liệu PHCN sẽ là điều thiệt thòi cho các nhân sự có trình độ chuyên môn đại học trở lên được đào tạo bài bản về vật lý trị liệu. Nhân sự ngành vật lý trị liệu và PHCN rất mỏng về số lượng, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở; trong khi số lượng bác sĩ PHCN rất hạn chế nhưng thực tế nhu cầu điều trị của người bệnh về vật lý trị liệu và PHCN rất cao. Ông Nguyễn Duy Tân - Trưởng khoa PHCN, BV Đa khoa tỉnh cho biết, thiết bị trong PHCN hiện rất ít, so với lượng bệnh nhân gần như chênh lệch quá lớn. Số giường theo kế hoạch tại khoa là 40 giường nhưng trên thực tế khoa có đến 70 bệnh nhân; thiếu các thiết bị về thể trị liệu, siêu âm. Về nhân lực, nhiều bác sĩ không chọn về khoa PHCN, kỹ thuật viên được đào tạo nhiều nhưng chế độ ưu đãi gần như không có nên chỉ khoảng 20% đi làm PHCN.

Để tháo gỡ khó khăn của ngành PHCN hiện nay, ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đang xây dựng phương án đào tạo nhân lực trong lĩnh vực PHCN, nhất là tuyến huyện. Cùng với đó, sở sẽ tổ chức các đợt tập huấn về PHCN cho cán bộ y tế của trạm y tế xã, phường (mỗi đơn vị 2 người). “Thông qua các chương trình, dự án, chúng tôi sẽ nỗ lực để hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, dụng cụ PHCN cho các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân vào viện và tại cộng đồng. Đối với người khuyết tật tại địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” - ông Mai Văn Mười nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xoay xở phục hồi chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO