Xoay xở với đất bỏ hoang - Bài 2: Khó chuyển đổi cây trồng

NGUYỄN VĂN SỰ 19/09/2013 08:40

Để hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thời gian qua các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhưng việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

  • Xoay xở với đất bỏ hoang - Bài 1: Bỏ ruộng hè thu
Nếu hồ chứa Lộc Đại được xây dựng thì cả trăm héc ta đất lúa ở xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn) sẽ không bỏ hoang như thế này.Ảnh: V.SỰ
Nếu hồ chứa Lộc Đại được xây dựng thì cả trăm héc ta đất lúa ở xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn) sẽ không bỏ hoang như thế này.Ảnh: V.SỰ

Loay hoay trên đất lúa

Đầu vụ hè thu năm ngoái ông Phan Văn Hưng (thôn 4, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn) cải tạo 3 sào đất lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang lâu nay rồi tìm mua giống sắn có sức chịu hạn tốt về trồng. Giai đoạn đầu, ruộng sắn lên xanh, nhưng từ giữa đến cuối vụ, nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến cây sắn sống còi cọc, cho năng suất thấp. Vụ hè thu 2013, ông Hưng tiếp tục chuyển trồng sắn sang gieo mè trên ngần ấy diện tích nhưng cũng thất bại vì khô hạn quá khốc liệt khiến cây mè sống vất vưởng. Ông Hưng chia sẻ: “Làm thì cực nhọc mà rốt cuộc 3 sào đất chỉ thu được vỏn vẹn 40kg mè, bán với giá 25 nghìn đồng/kg, tổng giá trị thu được không quá 1 triệu đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư đã xấp xỉ 1,2 triệu đồng”. Hỏi sao không đóng giếng ngay trên ruộng để bơm nước tưới cho cây trồng nhằm nâng cao năng suất, ông Hưng lắc đầu: “Ở vùng này mạch nước ngầm tắc hoài, khoan xuống 12m đất mà vẫn không có nước, người còn khát chứ nói chi cây”. Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, dù rất cố gắng nhưng thời gian qua trong số gần 900ha đất lúa bỏ hoang ở vụ hè thu, các địa phương mới chuyển sang canh tác cây trồng cạn trên số ít ¼ diện tích nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân là nắng hạn kéo dài, không có nước tưới, cây không sống được.

Đối với 200 sào đất lúa bỏ hoang trên cánh đồng Hà Gia (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) việc chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn cũng gặp khó. Ông Nguyễn Thành Dũng – Phó ban Nông nghiệp xã cho biết, do số diện tích đất bỏ hoang này chủ yếu nằm ở những vùng trũng thấp nên khi nông dân giâm khoai lang hay tỉa đậu phụng gặp trời mưa sẽ bị mất trắng hoàn toàn vì úng thủy. “Giả sử nếu không xảy ra tình trạng úng thủy thì chắc chắn hiệu quả kinh tế mà cây trồng cạn mang lại cũng sẽ thấp, thậm chí còn thâm luôn cả vốn đầu tư vì ở đây phần lớn ruộng bị nhiễm phèn, nước tưới cũng nhiễm phèn nên các loại cây công nghiệp ngắn ngày và thực phẩm đều phát triển kém dẫn đến năng suất thấp” – ông Dũng nói. Bây giờ trên cánh đồng Hà Gia này chỉ canh tác được cây lúa. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất nhằm tạo động lực “kéo” nông dân quay lại đồng ruộng, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần phải nhanh chóng chọn tạo, du nhập các loại giống lúa mới có sức chịu hạn tốt và thích hợp với vùng đất nhiễm phèn để hỗ trợ nông dân đưa vào sản xuất đại trà. Đồng thời, nhà nông cũng cần tăng cường bón vôi và lân cho ruộng để giảm nồng độ cồn xuống.

Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mặc dù thời gian qua ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 4.500ha đất lúa thường bị bỏ hoang vào vụ hè thu nhưng thực tế cho thấy hiệu quả không cao. Phần lớn số diện tích đất bỏ hoang nằm ở khu vực gò đồi, triền núi, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng nên vụ hè thu khó phù hợp với cây trồng cạn.

Nan giải bài toán thủy lợi  

Nhiều ý kiến cho rằng muốn nông dân không bỏ ruộng hoang, phải đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhưng đây là vấn đề rất nan giải. Đơn cử, tại Quế Sơn, năm 2009 tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đồng Bò với tổng dự toán khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 năm nay dự án ấy vẫn chưa thể thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chín cho biết, ngoài dự án hồ chứa nước Đồng Bò, từ năm 2011 đến nay các cơ quan chức năng cũng lập, trình phê duyệt thêm 2 dự án thủy lợi khác với tổng kinh phí 190 tỷ đồng đó là hồ chứa nước Lộc Đại (xã Quế Hiệp) và tuyến kênh chính có chiều dài 6km dẫn nước từ hồ chứa Việt An về tưới cho các cánh đồng của xã Quế An, Quế Long, Quế Châu, Quế Thuận, thị trấn Đông Phú. Ông Chín nói: “Thời gian qua, vụ hè thu nào nông dân Quế Sơn cũng phải bỏ hoang gần 900ha đất lúa vì thường xuyên bị khô hạn nặng. Nếu 3 công trình thủy lợi nêu trên được thi công, chắc chắn sẽ có không dưới 700ha đất lúa đảm bảo nguồn nước tưới. Do ngân sách huyện quá eo hẹp, trong khi đó tổng vốn đầu tư 3 công trình lên đến 310 tỷ đồng nên phải trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Mặc dù các dự án được phê duyệt đã lâu rồi nhưng đến giờ này vẫn chưa thực hiện”.

Trong lúc Quế Sơn đang rất cần vốn để giải bài toán khó về nước tưới thì huyện Tiên Phước lại tỏ ra băn khoăn trước hiệu quả của việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Ông Đinh Thương – Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, trong số khoảng 900ha đất canh tác lúa phải bỏ hoang vì không có nước tưới vào vụ hè thu thì phần lớn diện tích đều nằm trên cao, sát đồi núi, lại phân tán nhỏ lẻ mỗi khu 2 - 3 sào. Vì thế, việc đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ, kênh dẫn nước cần phải cân nhắc kỹ về hiệu quả. Ông Thương nêu ví dụ, trên cánh đồng Dài (xã Tiên Thọ) có khoảng 20 sào đất thường bỏ hoang trong vụ hè thu vì không có nước. Muốn phục vụ tưới cho số diện tích này thì phải chi hơn 1 tỷ đồng để xây dựng đập chứa nước và hệ thống kênh dẫn. Trong khi đó, do đây là vùng đất bạc màu, năng suất lúa rất thấp, vì vậy biết đến khi nào nông dân mới làm ra được số tiền mà Nhà nước đã đầu tư? Theo ông Lê Muộn, muốn giải quyết khâu nước tưới cho 4.500ha đất canh tác lúa trên địa bàn tỉnh thường bị bỏ hoang trong vụ sản xuất hè thu thì cần gần 1 nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ, kênh dẫn. Số tiền này nằm ngoài khả năng gánh vác của ngân sách tỉnh.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xoay xở với đất bỏ hoang - Bài 2: Khó chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO